Tuy nhiên, sau đó, năm 1878 một hiệu ảnh của người Việt đã được mở ở kinh đô Huế.
Đặng Huy Trứ học nghề ảnh sau khi được cử sang Hương Cảng (Hong Kong) để công cán và mua súng đạn. Sau khi thử nghiệm chụp ảnh và học nghề ảnh, ông mua máy ảnh, vật tư, đem về Hà Nội mở hiệu ảnh đầu tiên ở phố Thanh Hà.
Hiệu ảnh của Đặng Huy Trứ được đặt tên là Cảm Hiếu Đường, nghĩa là hiệu cảm lòng hiếu thảo, với “khẩu hiệu chào hàng” là mời gọi mọi người chụp ảnh chân dung cha mẹ để sau này thờ phụng.
Tuy nhiên, sau khi Đặng Huy Trứ qua đời năm 1874, hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường cũng chấm dứt sự tồn tại. Mặc dù vậy, chỉ 4 năm sau, một hiệu ảnh của người Nam được mở ngay tại kinh đô Huế, do người được triều đình cử sang tận Pháp học nghề, về mở.
Điều này được chính sử triều Nguyễn ghi lại, trong khi việc mở hiệu ảnh của Đặng Huy Trứ không được ghi chép. “Đại Nam thực lục” ghi rằng: “Tháng 5, Tự Đức năm thứ 31 (1878), bắt đầu làm nhà riêng để chụp ảnh. Bấy giờ Trương Văn Sán sang Tây học tập về, do bộ Hộ trình “tiểu phép chụp ảnh”. Vua sai bộ Công làm nhà riêng (ở bên phải sở Thương Bạc) cho Văn Sán làm việc chụp ảnh, quan dân ai có nhu cầu thuê đều chụp cho.
Ảnh chân dung vua Đồng Khánh. Ảnh minh họa.
Như vậy, hiệu ảnh đầu tiên đó đặt ở gần cửa Thượng Tứ tại kinh đô Huế, vị trí này nay là nhà số 3 phố Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Theo một số tài liệu thì người dân kinh đô vẫn gọi tên hiệu ảnh theo tên chủ nhân, tức hiệu Văn Sán.
Các sử quan triều Nguyễn cũng mô tả chi tiết về cách chụp ảnh thời đó như sau: “Phép chụp ảnh, phải có nhà riêng, dùng kính che cả 4 mặt cho sáng, mới phân biệt được râu, mày, hình dung, có giá để đồ chụp ảnh, bắt đầu cắm ống kính vào hòm máy, để lên trên cái giá, mở máy, bỏ cái nắp đậy ra, cho người ngồi trên cái ghế dựa trước ống kính, lấy cái trụ sắt đỡ đằng sau khăn ở đầu cho khỏi lay động, mới đem giá để máy chụp đưa đi đưa lại, khiến cho bóng người ở trong hòm kính rõ ràng.
Xong rồi liền bỏ khuôn kính vuông ở mặt hòm đi, lấy khuôn kính bôi thuốc đổi đặt vào hòm máy, sẽ bỏ miếng ván che đi, khiến cho bóng người chiếu vào trong kính, liền để ván che vào, rồi nhẹ tay rút ra, đem vào chỗ kín, lấy nước thuốc rửa 3 lần, khiến cho bóng người dần hiện ra, đem phơi khô, để vào trong cái khuôn có hình chụp ảnh.
Lại đem ngay tấm giấy in một mặt ngâm vào chậu nước thuốc, rồi phơi ở chỗ râm, lại đặt lên trên kính ảnh trước để trong khuôn, đem khuôn che áp vào, khiến cho bóng người thấu vào giấy, lại phơi khô rồi lấy ra, lại dùng nước thuốc rửa qua 3 lần, đợi khô, mới xem được, và các thứ máy móc (1 cái chuông ở trong ống kính chụp ảnh, 1 cái hòm chụp ảnh, 2 cái trụ sắt, 1 cái khuôn để chặn giấy, 1 cái giá chụp hình”.
Như vậy, hiệu ảnh của Trương Văn Sán không chỉ chụp cho các quan lại, thành viên hoàng tộc mà được phép chụp cho cả dân chúng.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thì những bức chân dung các vị đại thần nhà Nguyễn thời bấy giờ còn lưu lại đến ngày nay được hiệu ảnh này chụp, như chân dung các vị phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết…
Ảnh chân dung Thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết.
Trong khi đó, theo điển lễ thời xưa, các vị vua thường không cho phép thần dân chiêm ngưỡng “long nhan”. Những bức chân dung thời nay cho chúng ta hình dung về dung mạo các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đều do các họa sĩ nước ngoài vẽ hoặc phác họa theo trí nhớ.
Mãi đến thời vua Đồng Khánh, theo yêu cầu của chính quyền Pháp, nhà vua mới đồng ý cho chụp ảnh chân dung. Bức ảnh chân dung vị vua Việt Nam đầu tiên này do một nhiếp ảnh gia người Pháp thực hiện.
Còn theo cuốn “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” của viên bác sĩ quân y người Pháp Charles-Édouard Hocquard, thì ông ta được phép vào cung chụp ảnh chân dung nhà vua.
Chính sử triều Nguyễn chép, tháng Chạp năm Ất Dậu (dương lịch là ngày 5/1/1886), “Bấy giờ Phó đô thống Pháp bàn với đô thống đại thần ủy phái quan họa đồ ấn ảnh Đại Pháp đến điện đình in chân dung của vua, gửi về nước Pháp để tỏ tình giao hiếu với nhau. Viện thần nói: Quốc tục phương Tây, lấy việc ấy làm trọng xin nên y theo. Mới chọn ngày quang tạnh, vua mang mũ, áo đại triều, ngồi ở điện Văn Minh cho quan Pháp chụp ảnh. Rồi chuẩn cho in thành hai tấm ảnh, 1 tấm để lại dâng lên, 1 tấm gửi về Pháp”.
Ngày nay, chúng ta được thấy những bức ảnh chân dung vua Đồng Khánh, cùng chụp vua ngồi trên ngai vàng nhưng với hai kiểu trang phục khác nhau. Một kiểu chụp nhà vua mặc mũ áo đại triều, với áo bào thêu hình chữ Thọ, vạt áo có vân mây sóng nước, tay cầm hốt ngọc, chân đi hia thêu rồng. Bên phải nhà vua là án thư có các đồ văn phòng tứ bảo, sau lưng là bình phong với chữ Thọ cỡ đại.
Hình ảnh còn lại thể hiện nhà vua mặc áo thường phục thêu rồng, đầu quấn khăn, chân đi hài nhỏ. Hình ảnh này có hai kiểu, một kiểu thể hiện tay vua Đồng Khánh không cầm hốt mà các ngón tay đan chéo trước bụng, nhìn rõ trên các ngón tay nhà vua đeo những chiếc nhẫn lớn và móng tay rất dài.
Kiểu còn lại, được in trên tạp chí l'Ilustration, hai bàn tay nhà vua để xuôi trên hai đùi. Những kiểu ảnh vua Đồng Khánh mặc thường phục này còn được chỉnh sửa thành nhiều dạng khác nhau, bức thì có bàn bên phải vua, bức có bình phong chữ Thọ sau lưng, có bức lại chỉnh sửa cắt hết các chi tiết xung quanh.
Các bức ảnh chân dung vua, ngoài đăng trên l'Ilustration, còn xuất hiện trên tờ Le Monde Illustré, khi nhà vua qua đời năm 1889, và được in khắc trong tập sách “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” của Hocquard.