Con mồi béo bở
Một gia đình lợn hoang tại Australia chậm rãi bước tới mép nước để giải cơn khát trong những ngày nóng bức. Ngay lúc những con lợn không đề phòng nhất, một cá thể thuộc loài cá sấu lớn nhất thế giới phóng ra từ lớp ngụy trang khéo léo, dùng hàm răng với sức mạnh khủng khiếp cắn chặt, quật một lực không tưởng khiến con lợn bị nhấc bổng lên không trung. Ngay cả một con lợn hoang trưởng thành, có thể nặng tới 70kg, cũng không có cơ hội thoát khỏi bàn tay tử thần.
Mariana Campbell, nhà nghiên cứu tại Đại học Charles Darwin ở Australia, người nghiên cứu về cá sấu nước mặn ở miền bắc nước này cho biết: "Cá sấu ăn bất cứ thứ gì dễ săn và lợn hoang là con mồi có kích thước hoàn hảo. Chúng nổi tiếng là những kẻ săn mồi lười biếng. Nếu bạn là cá sấu, bạn sẽ chọn làm gì? Ở gần mép nước và đợi một con lợn béo mập tới hay đi săn cá mập, một loài động vật có thể bơi nhanh hơn bạn gấp 5 lần?".
Frank Mazzotti, một chuyên gia về cá sấu từ Đại học Florida, đồng ý với quan điểm này.
"Một con lợn tới gần mép nước giống như tiếng chuông báo ăn tối", ông nói.
Ảnh: Marc Anderson/Alamy
Một số nhà khoa học hy vọng rằng cuộc chạm trán giữa cá sấu và lợn hoang có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lợn hoang - một loài xâm lấn đã gây thiệt hại lớn cho địa hình hoang dã của Australia - cuối cùng đã gặp phải đối thủ của mình. Theo một nghiên cứu gần đây do Tiến sĩ Campbell và các nhà nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Biology Letters, những trường hợp này cũng có thể giúp giải thích lý do tại sao cá sấu lại phát triển tốt như vậy.
Cá sấu nước mặn đã sống hàng triệu năm ở Australia. Lợn hoang đến Australia cùng với những người châu Âu đầu tiên định cư vào cuối thế kỷ 18. Cá sấu là động vật ăn thịt lớn nhất của Australia và đã gần như tuyệt chủng vào đầu những năm 1970. Lợn hoang là loài đã xâm chiếm gần 40% diện tích đất của Australia và các ước tính chi tiết cho thấy có thể có 24 triệu cá thể lợn hoang ở nước này. Các nhà khoa học cho rằng lợn hoang và các loài xâm lấn khác đã huỷ diệt môi trường sống trên diện rộng và khiến Australia trở thành nước có tỷ lệ tuyệt chủng động vật có vú cao nhất thế giới.
Sự tác động lẫn nhau giữa cá sấu nước mặn và lợn hoang, giữa động vật ăn thịt và động vật gây hại, có thể sẽ viết lại câu chuyện phức tạp về những gì xảy ra khi các loài động vật không phải bản địa tiếp cận một hệ sinh thái khác. Dù các loài xâm lấn gây ra sự tàn phá sinh thái tới cỡ nào, thì mối quan hệ giữa "cá sấu đói" và "lợn phàm ăn" ở Australia cũng đã trở thành những câu chuyện bất ngờ trong tự nhiên liên quan tới các loài xâm lấn.
Những điều bất ngờ tương tự đang xuất hiện ở Florida và các nơi khác ở Mỹ, nơi các nhà bảo tồn và quan chức động vật hoang dã đã tính tới việc sử dụng các loài xâm lấn để bảo tồn động vật bản địa.
Kết quả nghiên cứu
Để biết liệu những con lợn hoang có thực sự giúp khôi phục quần thể cá sấu Australia hay không, Tiến sĩ Campbell và các đồng nghiệp của bà đã nghiên cứu các đồng vị cacbon và nitơ được lấy trong những năm gần đây từ các mẫu xương của cá sấu sống ở Cảng Darwin và Vườn quốc gia Kakadu. Sau đó, họ so sánh những mẫu này với các mẫu được lưu giữ được lấy từ khắp Lãnh thổ phía Bắc của Australia từ cuối những năm 1960 đến giữa những năm 1980.
Tiến sĩ Campbell cho biết: "Xương giữ lại một dấu ấn duy trì trong suốt cuộc đời của con vật. Nếu muốn tìm hiểu chế độ ăn của động vật trong thời gian ngắn, chúng ta phải xét nghiệm máu và huyết tương. Nếu muốn tìm hiểu thời điểm lâu hơn một chút, chúng ta sẽ nghiên cứu collagen hoặc da. Còn lâu dài hơn nữa, thì hãy nghiên cứu xương của chúng".
Kết quả phân tích xương cho thấy trong 50 năm qua, lợn hoang đã trở thành nguồn thức ăn chính của cá sấu. Điều này đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong chế độ ăn của các loài động vật ăn thịt lâu đời nhất ở Australia, từ chủ yếu là các con mồi dưới nước sang các loài trên cạn.
Ảnh: Ken Griffiths/Alamy
Tiến sĩ Campbell nói: "Chúng tôi đoán sẽ thấy một số khác biệt trong chế độ ăn của chúng. Nhưng thực sự chúng tôi rất kinh ngạc khi biết những gì cá sấu ăn cách đây 50 năm và hiện tại".
Câu chuyện về cá sấu nước mặn và sự thay đổi trong chế độ ăn của chúng đã bắt đầu vào năm 1971, khi chính quyền Australia cấm săn bắt cá sấu. Vào cuối Thế chiến II, nước này có khoảng 100.000 con cá sấu nước mặn. Đến năm 1971, chỉ còn 3.000 con và loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong một thập kỷ sau lệnh cấm săn bắn, một chương trình tiêu diệt diện rộng đã làm giảm đáng kể số lượng trâu rừng, một loài xâm lấn khác. Việc này lại vô tình làm tăng môi trường phát triển cho lợn hoang. Là loài nhỏ và nhút nhát hơn trâu, lợn hoang khó tiêu hủy hơn nhiều, và số lượng của chúng tăng lên nhanh chóng. Với số lượng nhiều hơn và hoạt động trên phạm vi rộng hơn, chúng trở thành nguồn thức ăn tuyệt vời cho cá sấu.
Sự phục hồi lí tưởng
Hiện ước tính có khoảng 100.000 con cá sấu nước mặn hoang dã ở phía Bắc Australia, và Tiến sĩ Campbell cho biết, "nếu không có lợn hoang, quần thể cá sấu sẽ không phục hồi đến mức đó." Nghiên cứu lưu ý rằng sự phục hồi số lượng cá sấu nước mặn chậm hơn ở những khu vực không có lợn hoang và những nơi không có sự thay đổi trong chế độ ăn của cá sấu.
Tiến sĩ Campbell thừa nhận rằng cần phải nghiên cứu thêm để hiểu liệu việc săn mồi của cá sấu nước mặn có ảnh hưởng gì đến quần thể lợn hoang nói chung hay không. Nhưng những dấu hiệu ban đầu đầy hứa hẹn.
"Chúng tôi tin rằng cá sấu đang tạo ra sự khác biệt bằng cách tạo ra rào cản đối với quá trình di chuyển của lợn hoang", Tiến sĩ Campbell nói. "Lợn sẽ khó có thể bơi sang bờ sông bên kia nếu có cá sấu rình sẵn".
Ảnh: JCrader/iStock
Nghiên cứu về cá sấu nước mặn Australia là một trong những nghiên cứu đầu tiên xác nhận rằng những kẻ săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn có thể hưởng lợi từ những quần thể lớn các loài xâm lấn. Các nhà khoa học trên thế giới đã nêu ra những mối quan hệ tương tự từ lâu.
Ví dụ, trên khắp Bờ Vịnh của Mỹ, kéo dài từ đông Texas đến bắc Florida, cá sấu Mỹ đã rơi vào tình trạng suy giảm nguy hiểm vào giữa thế kỷ 20. Năm 1938, chuột hải ly, một loài gặm nhấm lớn, đã được đưa vào các trang trại lông thú ở Louisiana. Loài gặm nhấm này đã trốn thoát và lan tràn khắp miền nam nước Mỹ, gây ra thiệt hại đáng kể cho môi trường đầm lầy ven biển.
Giống như cá sấu nước mặn ở Australia, quần thể cá sấu Mỹ phát triển với sự trợ giúp của các biện pháp bảo vệ pháp luật, mà đỉnh điểm là Đạo luật về các loài nguy cấp năm 1973. Nhưng sự phục hồi của chúng gần như chắc chắn được hỗ trợ bởi sự hiện diện của nhiều loài sinh vật gây hại.
Steven Platt, một chuyên gia của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Mỹ, cho biết: "Ở nơi hai loài xuất hiện cùng nhau, chuột hải ly là thực phẩm chính trong chế độ ăn của cá sấu Mỹ".