Hidetoshi Nakata ở tuổi 40 chưa bao giờ e sợ theo đuổi những đam mê và thể hiện chúng, như cách anh từng làm cách đây 11 năm.
22/6/2006, Nakata gục ngã, khóc nức nở trên SVĐ Westfalenstadion (Đức), khi Nhật Bản dừng bước ở World Cup 2006. Ít ngày sau, tiền vệ tài hoa của đất nước "mặt trời mọc" tuyên bố giải nghệ ở tuổi 29, điều mà anh đã quyết định từ trước đó nửa năm.
Nakata ở tuổi 29 còn lâu mới hết thời. Anh vẫn chơi tốt, là linh hồn của đội tuyển Nhật Bản. Và dù có chơi không tốt đi nữa, cái tên Nakata và thương hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á" đã đủ cho anh tiếp tục thi đấu và hái ra tiền.
Nhưng Nakata quyết định dừng lại, đơn giản chỉ vì đã không còn tìm thấy niềm vui đích thực. Một quyết định theo đúng bản năng của ngôi sao được mến mộ nhất Nhật Bản từ trước tới nay.
"Càng ngày tôi càng nhận thấy bóng đá như một trò kinh doanh", Nakata từng tâm sự. "Tôi cảm thấy đội bóng chỉ thi đấu vì tiền, thay vì tạo ra niềm vui. Tôi luôn cảm thấy một đội bóng thực sự phải như một gia đình. Nhưng giờ thì không còn như vậy nữa, thế nên tôi quyết định giải nghệ".
Nakata tại World Cup 1998.
Nakata - Hiệp sĩ Italy
Cái tên Nakata lần đầu tiên được biết đến rộng rãi là tại World Cup 1998, khi xuất hiện nổi bật với mái tóc cam và lối chơi tươi mới, bất cần. Anh là ngôi sao quan trọng nhất, góp phần giúp Nhật Bản lần đầu dự World Cup vào năm 1998. Đó là lý do trong hai năm liên tiếp 1997 và 1998, Nakata được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á.
Trong trận Nhật Bản gặp Argentina ở vòng bảng World Cup 1998, Nakata đã thi đấu chói sáng, dù đội nhà thua trận. Vì những gì đã thể hiện ở sân chơi lớn nhất thế giới, Nakata được Perugia mua về. Những gì diễn ra sau đó là huyền thoại về một "chiến binh samurai" trên đất Italy.
Nakata và Totti.
"Cơn sốt Nakata" đã thực sự bùng nổ trong những năm này. 20 công ty truyền thông hàng đầu của Nhật đã cử người sang tận Perugia thường trú, để đưa tất cả những thông tin, từ cuộc sống đời thường, sinh hoạt cho tới tường thuật các trận đấu có Nakata. Năm 2000, Nakata đầu quân cho AS Roma và góp công giúp CLB này giành chức vô địch Serie A.
Một năm sau, anh được Parma mời về với mức phí kỷ lục dành cho cầu thủ châu Á lúc bấy giờ là 28,4 triệu euro. Kỷ lục của Nakata chỉ mới được phá gần đây khi Tottenham mua Son Heung-min.
Trong 7 năm chơi bóng ở Italy, Nakata không chỉ ghi dấu về mặt chuyên môn mà còn trở thành đại sứ cho đất nước châu Âu này. Nakata được Italy phong tước Hiệp sĩ vào năm 2005, vì những đóng góp cho uy tín của đất nước Italy đối với thế giới.
Nakata - Beckham châu Á
Kể từ ngày thi đấu cho tới bây giờ, Nakata không chỉ là biểu tượng trong thể thao mà còn là biểu tượng thời trang, phong cách sống. Những cuốn sách về anh được bán hàng trăm ngàn bản. Nakata đi đến đâu là thu hút công chúng đến đấy.
Xét về mức độ phổ biến hình ảnh trong làng bóng đá thế giới, Nakata chỉ đứng sau David Beckham. Thế nên tiền vệ người Nhật Bản từng được ví von là "Beckham của châu Á".
Nakata trong những năm 2000 là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng lớn như Nike, Canon, MasterCard, J-Phones, Coca-Cola, Subaru và Sky Perfect TV. Thần thái và gương mặt của Nakata giúp anh tạo ra những bộ ảnh ấn tượng, không thua kém một người mẫu ảnh tên tuổi nào.
Những sự kiện thời trang danh giá nhất thế giới cũng không quên mời Nakata, một biểu tượng cho sự nam tính của người châu Á. Phong cách ăn mặc của Nakata đơn giản nhưng không kém phần sang trọng và luôn cập nhật xu hướng mới nhất của thế giới.
"Tiền bạc không nên là cái quan trọng nhất, mà là ý tưởng và sự đam mê", Nakata chia sẻ. "Đây là triết lý sống theo tôi suốt cuộc đời. Tôi chơi bóng đá không phải vì theo đuổi danh tiếng, tiền bạc mà vì tình yêu. Những gì tôi làm đều xuất phát từ tình yêu. Tôi không quan tâm người khác nói gì bởi vì cuộc sống của tôi là của tôi".
Nakata có thể không nằm trong Top 20 cầu thủ hay nhất Serie A trong lịch sử. Nhưng xét về tầm ảnh hưởng của thương hiệu và văn hóa, không có gì hoài nghi, anh là số một.