Hết kiên nhẫn, ông Hun Sen điểm danh chủ mưu biểu tình chống Trung Quốc, gay gắt tố âm mưu đảo chính

Hải Võ |

Thủ tướng Hun Sen ngày 26/10 chỉ trích và thách thức các bên cáo buộc đưa ra bằng chứng về thông tin Campuchia cho phép quân đội Trung Quốc đồn trú tại căn cứ hải quân Ream.

Ông Hun Sen đòi bằng chứng Trung Quốc hiện diện ở Ream

Phát biểu tại lễ khởi công dự án xây cầu kết nối Quốc lộ 1 Campuchia đến Koh Norea, tổ chức ở thủ đô Phnom Penh ngày 26/10, Thủ tướng Hun Sen nói: "Trung Quốc có quân nhân nào ở Campuchia hay không? Campuchia trao cho Trung Quốc quyền được đóng quân từ bao giờ?

"Tôi nhắc lại rằng tôi đã phát ngán trước việc một số người nước ngoài và cả người Campuchia đang khuấy động vấn đề này."

"Nếu các vị không tin vào Thủ tướng thì các vị có bằng chứng nào về việc Campuchia thỏa thuận bí mật cho Trung Quốc sử dụng độc quyền quân cảng Ream trong 30 năm hay không?" - ông Hun Sen nói thêm. 

"Nếu như không có bằng chứng nghĩa là các vị đang nói dối."

Thủ tướng Campuchia không đề cập trực tiếp quốc gia nào, song theo Khmer Times, ông dường như đề cập đến Mỹ. 

Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 10 bày tỏ quan ngại về các báo cáo nói trụ sở của Ủy ban nhà nước về an ninh hàng hải - do Mỹ tài trợ xây dựng tại căn cứ Ream - đã bị giới chức Campuchia cho phá dỡ, đồng thời nói động thái này có thể liên quan đến kế hoạch của Phnom Penh về việc đồn trú các tài sản quân sự và quân nhân Trung Quốc tại Ream.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ Chad Roedemeier ngày 26 cho hay, cơ quan này mong rằng Campuchia duy trì lập trường trong vấn đề không cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự tại căn cứ hải quân Ream.

"Thủ tướng [Hun Sen] nói rằng Campuchia sẽ không cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự độc quyền hoặc dài hạn tại Ream, và chúng tôi hy vọng chính phủ [Campuchia] tiếp tục giữ vững lập trường đó," Roedemeier nói.

Báo cáo liên quan đến sự hiện diện của Trung Quốc tại Ream lần đầu được đưa ra bởi tờ Wall Street Journal của Mỹ vào tháng 7/2019, đề cập một thỏa thuận bí mật đã đạt được giữa hai nước cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này. Cả Bắc Kinh và Phnom Penh bác bỏ thông tin liên quan.

Cựu nghị sĩ CNRP bị cáo buộc đứng sau vụ biểu tình chống Trung Quốc

Báo Phnom Penh Post cho hay, ông Hun Sen còn nhận định chiến thuật cáo buộc Trung Quốc hiện diện quân sự ở Campuchia là một phần trong kế hoạch hướng âm mưu đảo chính, nhằm lật đổ chính phủ của ông.

"Các vị đang muốn làm gì với tôi? Cáo buộc về sự hiện diện của binh lính Trung Quốc tại Campuchia đã được đưa ra hết lần này đến lần khác. Rồi những kẻ phản bội kích động người dân hành động nhằm vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh," ông Hun Sen nói, chỉ trích các cựu thủ lĩnh phe đối lập đứng sau vụ biểu tình quy mô nhỏ gần Đại sứ quán Trung Quốc hôm 23/10 vừa qua.

Thủ tướng Hun Sen tố cựu nghị sĩ thuộc đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đã bị giải thể, ông Ho Vann, là người đứng sau tổ chức cuộc biểu tình kể trên. Ông cũng phát một đoạn ghi âm được cho là của ông Vann bàn về các vụ tập trung trước Đại sứ quán của Mỹ và Trung Quốc ở Phnom Penh.

"Tại sao ông lại ra lệnh tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc với lý do chống lại sự hiện diện quân sự của họ? Hãy cẩn thận!" - thủ tướng Hun Sen chỉ trích ông Vann.

"Nếu ông có thể dừng lại thì hãy dừng ngay. Ông đã già đến nỗi ngay cả khi giành được quyền lực thì ông cũng sẽ không được làm lãnh đạo."

Ông Hun Sen tuyên bố sẽ không tha thứ cho Ho Vann, nói rằng những người biểu tình được cựu nghị sĩ lưu vong này thuê và hứa trả thù lao 200 USD/người. Cảnh sát Phnom Penh đã bắt giữ 3 người tham gia biểu tình hôm 23, với lý do sự kiện chưa được nhà chức trách cấp phép.

"Ông (Vann) là kẻ chủ mưu phản quốc, cho nên chúng ta cần hành động chống lại những kẻ phản bội trong nước," ông Hun Sen nói thêm, thúc giục các cựu thủ lĩnh của CNRP không đẩy những người ủng hộ trong nước của họ vào rắc rối pháp lý vì hành động sai lầm.

Ông cũng cảnh cáo một nhân vật đối lập khác, nhưng không nêu đích danh.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại