Ở tuyến đầu chống dịch cam go, các “chiến sĩ áo trắng” đã qua cái Tết thứ 2 xa nhà, gác lại những giây phút sum vầy cùng gia đình để đi vào tâm dịch.
Giữ vững từ phòng tuyến đầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với những biến chủng virus nguy hiểm, lây lan nhanh… là một trong những chiến lược hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch.
Những “chiến sĩ áo trắng” luôn sẵn sàng như vậy, để lên đường bất cứ lúc nào. Kể cả khi có thể trở về thì lựa chọn của họ vẫn là ở lại tuyến đầu, để không chỉ góp phần công sức vào cuộc chiến chống dịch mà còn tạo niềm tin, sức mạnh tinh thần để tất cả các lực lượng và người dân đồng lòng, đoàn kết trong cuộc chiến này.
“Mẹ đi bắt con virus, khi nào bắt được mẹ về với con” - đây là lời động viên gửi con gái chưa đầy 3 tuổi của chị Trần Thị Dung - cán bộ của BV Bạch Mai được tăng cường và phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương - vùng tâm dịch đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nhận quyết định chi viện cấp tốc cho TP Chí Linh, Hải Dương, chị Dung cùng đoàn y bác sĩ và nhân viên của BV Bạch Mai đã gác lại mọi việc, những chăm lo ngày Tết cho gia đình để lên đường đi vào tâm dịch COVID-19: “Tết năm nay thật đặc biệt và tôi sẽ không bao giờ quên” - chị Dung chia sẻ.
Sau khi xuống Hải Dương, chị Dung và đoàn công tác nhanh chóng tiến vào “điểm nóng” Chí Linh để khảo sát tình hình.
Vì là bệnh viện hạng 2 nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở đây vô cùng thiếu thốn, lúc này chị Dung và đoàn công tác nhận được chỉ đạo ở lại Hải Dương để rà soát, tư vấn hỗ trợ cho 2 bệnh viện dã chiến. 26 Tết, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai họp báo cáo tình hình để phân bổ lại lực lượng hỗ trợ cho các điểm nóng khác.
Nhớ lại giây phút quyết định “đi hay ở”, chị Dung kể: “Tôi cảm thấy không yên tâm nếu tôi về Hà Nội, bởi lẽ ở đây nhân lực mỏng, hầu hết từ các bệnh viện khác sang hỗ trợ, nếu không trực tiếp giám sát, tôi không thể chắc chắn rằng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn liệu có hiệu quả hay không.
Hơn nữa, trong bệnh viện còn có quá nhiều khu vực điều trị, bao gồm cả hồi sức và cấp cứu, trong khi nhân lực giám sát chỉ có 2 người chạy đi chạy lại không xuể”.
Chị Dung đã quyết tâm ở lại Bệnh viện Dã chiến 2, xem Bệnh viện làm được những gì và cần giúp những gì. Ít nhất cho tới khi không có bệnh nhân nào phải chuyển lên khoa hồi sức tích cực thì mới có thể phần nào yên tâm.
Sự hy sinh, những nỗ lực chống dịch của tất cả các lực lượng tại Chí Linh, Hải Dương đã được đền đáp. Ngày 30 Tết, 30 bệnh nhân tại đây được công bố khỏi bệnh, chiếm 1/5 số bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện.
Đến ngày 25/2, khoảng 200 bệnh nhân tại Hải Dương đã được điều trị khỏi, trong đó, có ngày có tới 90 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đã gần 10 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương (từ ngày 16/2) và những ngày gần đây, số ca mắc mới đã có dấu hiệu giảm (trung bình 9 ca/ngày); hầu hết các trường hợp này là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Số ca dương tính giảm rõ rệt trong khu cách ly và khu phong tỏa.
Đợt dịch thứ 3 hiện nay được đánh giá là kéo dài và cam go nhất, nhất là tại “điểm nóng” Hải Dương. Ở nơi tâm dịch vẫn là tinh thần quyết tâm, sự lạc quan tin tưởng, cống hiến hết mình của các thầy thuốc, cán bộ y tế.
Bác sĩ trẻ Đỗ Thị Băng Ngân (khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) và người yêu công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, đã ba lần phải gác lại đám cưới để xung phong vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân COVID-19. BS Ngân chia sẻ, lần thứ 3 chuẩn bị đám cưới đúng vào đợt dịch thứ ba tại Hải Dương và Quảng Ninh… Lại một lần nữa, cả hai hoãn đám cưới, cùng nhau tham gia chống dịch.
Ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành Y tế trong trận chiến chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xúc động bày tỏ: “Trong thời gian qua, ngành Y tế được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao và ghi nhận thành công trong chống dịch, các thầy thuốc được nhân dân yêu mến gọi là những “chiến sĩ áo trắng”.
Trong cuộc chiến với COVID-19, đã ghi nhận những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu, xả thân trong nhiều điểm nóng dịch, từ Sơn Lôi, Hạ Lôi đến Bình Thuận, Đà Nẵng, rồi lại sẵn sàng đón Tết trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương...
Thật đáng tự hào khi ngành Y tế vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch tốt lại vừa làm công tác điều trị tốt, cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng…”
Có mặt tại tất cả các “điểm nóng” từ Đà Nẵng đến TP.HCM và Hải Dương, hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giơ cánh tay nắm chặt thể hiện sự quyết tâm là nguồn động viên to lớn với các cán bộ y tế: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc đều có nguyện vọng muốn ở lại các “điểm nóng” tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của người thầy thuốc”./.