Tập đoàn Masan vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020.
Theo đó, doanh thu thuần của Masan tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và lên cao nhất lịch sử, đạt 17.638 tỷ đồng. Tuy nhiên, Masan lại báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Masan báo lỗ, kể từ quý 2/2014.
Nguyên nhân khiến Masan thua lỗ cho dù doanh thu tăng vọt là do công ty hợp nhất kết quả kinh doanh của VCM, sau khi sở hữu công ty này từ quý 4/2019. VCM là công ty đang điều hành hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+, đạt doanh thu hơn 8.700 tỷ đồng trong quý 1/2020, chiếm gần 50% tổng doanh thu Masan. Tuy nhiên, VCM lỗ gần 900 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Bên cạnh đó, doanh thu của khoáng sản Masan Resources cũng giảm 10% do tác động của Covid-19 trên giá hàng hóa toàn cầu. Đồng thời, Masan Meatlife cũng tăng đầu tư để phát triển quy mô hoạt động. Trong kỳ vừa qua, doanh thu Masan MEATLife (thức ăn gia súc, thịt) chỉ tăng 6% do mảng thức ăn gia súc bị ảnh hưởng khi quy mô tổng đàn heo tại Việt Nam giảm.
Về phía Masan Consumer Holdings, doanh thu đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Đây cũng là mảng có lợi nhuận gộp tốt nhất của Masan, biên lợi nhuận gộp lên tới hơn 40%.
Tại thời điểm 31/3/2002, tổng giá trị tài sản của Masan là 105.075 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Vay nợ của Masan tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, từ 30.000 tỷ đồng lên gần 39.300 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn khoảng 22.100 tỷ đồng (tăng 20%) còn vay dài hạn 17.100 tỷ đồng (tăng 47%).