Mặc dù chưa bao giờ tham chiến nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã làm bùng phát các cuộc "chiến tranh" trên khắp thế giới khi Moscow đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng ở những thị trường vốn vẫn do các nhà chế tạo vũ khí Mỹ thống trị.
Khi Trung Quốc quyết định mua S-400 thì Ấn Độ cũng không chịu kém cạnh và đang tích cực theo đuổi thương vụ tương tự với Nga. Căng thẳng giữa hai đối thủ Trung Đông là Saudi Arabia và Qatar đã tăng cao khi cả hai đang nỗ lực đàm phán với Moscow về hệ thống phòng thủ này.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn quyết tâm mua bằng được S-400 bất chấp những đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Theo Tạp chí Moscow Defense Brief, một ấn phẩm hàng đầu về thông tin quân sự Nga, với việc Algeria, Belarus, Iran và Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ là khách hàng tiềm năng, Nga có thể thu về 30 tỷ USD doanh số bán hàng trong vòng 12 - 15 năm tới.
"S-400 vừa phục vụ mục đích thương mại, vừa đáp ứng các mục tiêu địa chính trị", Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao Nga và hiện đang là chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại ở Moscow nhận xét. "Hệ thống đang mở ra một quá trình gây ảnh hưởng của Nga trong nhiều năm tới".
Tại sao S-400 có sức hấp dẫn đến vậy?
Theo Tổ chức Nghiên cứu Quốc phòng Janes, S-400 của Nga có một số ưu điểm vượt trội so với hệ thống duy nhất trên thế giới hiện nay có thể đem ra so sánh đó là MIM-104 Patriot của Mỹ do Raytheon chế tạo.
Đây đều là những hệ thống tên lửa đất đối không được thiết kế để bắn hạ máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, S-400 có tầm bắn xa hơn Patriot, 250 km so với 160 km. Phiên bản nâng cấp dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay sẽ kéo dài tầm bắn của S-400 lên tới 400 km.
Ngoài ra, với hệ thống radar mạnh mẽ hơn, S-400 có thể tiêu diệt mục tiêu nhanh gấp 2 lần so với Patriot trong khi thời gian tái triển khai cũng nhanh hơn. Dù cả hai đều được lắp đặt trên xe phóng di động nhưng S-400 có thể sẵn sàng khai hỏa chỉ trong 5 phút còn Patriot phải mất tới 1 giờ. Về giá cả, S-400 cũng có mức giá rẻ hơn Patriot.
Nước Nga đã không hề giấu giếm niềm tự hào khi giới thiệu về S-400 với các khách hàng tiềm năng.
"Không một hệ thống nào trên thế giới có tính năng kỹ - chiến thuật tương đương", Vyacheslav Davidenko - phát ngôn viên của Công ty xuất khẩu vũ khí Nhà nước Nga Rosoboronexport cho biết. "Các hệ thống phòng không của Nga không cho phép bất cứ kẻ nào dám tấn công mà không phải trả giá".
Nga đã có lịch sử lâu dài và kinh nghiệm phong phú trong chế tạo các hệ thống phòng không mạnh mẽ ngay từ thời Chiến tranh Lạnh khi phải đối đầu với những lực lượng không quân hùng hậu của NATO.
Đến đầu những năm 1990, Mỹ đã phải trả cho Chính phủ của ông Boris Yeltsin 120 triệu USD để mua một tổ hợp phóng tên lửa phòng không với mục đích nghiên cứu công nghệ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga
S-400 chưa khai hỏa, "chiến tranh" đã bùng phát
Ngày nay, Mỹ đang phải đối diện với một một đe dọa đang gia tăng từ việc Nga bán hệ thống vũ khí tiên tiến của mình cho cả các đối thủ và đồng minh chiến lược của Mỹ trên khắp thế giới.
Theo Moscow Defense Brief, năm 2014, Trung Quốc ký hợp đồng trị giá 1,9 tỷ USD mua 32 hệ thống S-400, mỗi hệ thống gồm 4 tên lửa và một nửa trong số đó đã được chuyển giao cho Bắc Kinh năm ngoái.
"Đây sẽ là một thách thức to lớn với Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia láng giềng đối thủ của Trung Quốc", Alexander Gabuev, Giám đốc Chương trình nước Nga ở châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Carnegie tại Moscow nhận xét.
Ấn Độ, quốc gia vẫn thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ với Trung Quốc kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1962 giữa hai nước, cũng đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng về một hợp đồng S-400 trị giá gần 6 tỷ USD.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry từng cảnh báo sẽ áp đặt giới hạn bán vũ khí cho Ấn Độ nếu New Delhi xúc tiến thương vụ này với Nga. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ đã phản ứng cứng rắn với tuyên bố rằng "không nước nào có thể ra lệnh cho họ mua hay không mua vũ khí gì".
Gần đây nhất, ngày 14/7, nhận định về việc Washington đe dọa sẽ áp các lệnh trừng phạt đơn phương với Ấn Độ vì thỏa thuận mua S-400, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết: "Chúng tôi đã nói trước đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ rằng, đó là luật Mỹ, không phải luật Liên Hợp Quốc".
Luật mà nữ Bộ trưởng Quốc phòng Sitharaman ám chỉ là Luật Chống đối thủ Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) được thi hành vào năm 2017.
Theo truyền thông Ấn Độ, thương vụ trên có thể được ký kết trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tường Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 10 tới đây.
Tên lửa S-400 đang được đưa ra khỏi một máy bay vận tải năm 2015. Ảnh: BQP Nga
Trong khi đó, tháng 12/2017, Moscow và Ankara đã ký kết một thỏa thuận tín dụng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mua 4 tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Hợp đồng chuyển giao đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào Quý I năm 2020.
Nhiều quan chức quốc phòng cao cấp Mỹ đã lên tiếng cảnh báo nếu Thổ Nhĩ Kỳ vận hành cả F-35 và S-400, điều này có thể làm tổn hại tới vấn đề an ninh của F-35, gồm cả các khả năng tàng hình.
"Việc Thổ Nhĩ Kỳ gắn kết với phương Tây về mặt chiến lược và chính trị nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ và chúng tôi tin rằng đó cũng là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ", Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Wess Mitchell đã phát biểu như vậy trong một phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 4/2018.
Thế nhưng, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt liên tục được Mỹ đưa ra, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không hề lay chuyển với hợp đồng S-400 trị giá 2,5 tỷ USD này.
Với Saudi Arabia, các mối quan hệ nồng ấm đang gia tăng với Nga đã khiến ứng viên đề cử cho chức danh Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông David Schenker phải tuyên bố trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 14/6 rằng ông "sẽ đề nghị Saudi Arabia không làm điều đó" khi bị chất vấn về thương vụ mua S-400 của Nga.
Đầu tháng 6/2018, tờ Le Monde của Pháp đưa tin, trong một lá thư gửi cho Tổng thống Emmanuel Macron, Saudi Arabia đã cảnh báo thực thi các "hành động quân sự" chống Qatar nếu nước này mua hệ thống S-400 của Nga.
Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi ồn ả nêu trên, chuyên gia quân sự Omar Lamrani của Hãng tình báo tư nhân Stratfor vẫn cho rằng, mặc dù S-400 phần nào đó được quảng bá "quá lời" nhưng hệ thống phòng thủ tiên tiến này đang đứng trước mộttương lai xán lạn và "rất nhiều cơ hội mới đang mở ra với Nga".
Hệ thống phòng không S-400 được Nga triển khai tới Syria vào tháng 1/2018