Nước lũ tại Trịnh Châu, thành phố 10 triệu dân ở miền Trung Trung Quốc, đã rút sau trận lụt lịch sử. Nhưng nó cũng làm lộ ra một loạt các vấn đề về quản lý các dự án công nghệ.
Các hệ thống thành phố thông minh được quảng cáo rầm rộ của Trịnh Châu, từng được cho là sẽ giúp các nhà quy hoạch quản lý và giữ an toàn đô thị, đã bị chỉ trích và giám sát chặt chẽ sau khi các trận lũ lụt gần đây đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng thành phố và khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có 14 người ở hệ thống tàu điện ngầm địa phương và 6 người trong đường hầm Jingguang.
Một trong những dự án công nghệ được quan tâm là hệ thống ngăn lũ lụt theo thời gian thực, được lắp đặt tại thành phố vào tháng 12 năm ngoái bởi Công ty Công nghệ Hệ thống Thông minh Hàng không Vũ trụ Thần Châu, một chi nhánh của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, thuộc sở hữu nhà nước.
Theo các tuyên bố chính thức, hệ thống được thiết kế để giúp chính quyền thành phố giám sát mực nước trong thời gian thực thông qua các cảm biến và "phân tích thông minh" và thông báo cho các bộ phận liên quan về những nguy hiểm sắp xảy ra. Nó có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu từ một số văn phòng địa phương, bao gồm dữ liệu lớn về khí tượng, thủy văn và các lĩnh vực liên quan khác.
Công nghệ còn lại là hệ thống giám sát đường hầm Jingguang, được lắp đặt như một phần của sáng kiến năm 2020 của thành phố nhằm theo dõi an toàn đường hầm.
Một báo cáo truyền thông chính thức cho biết vào tháng 6 rằng các camera và cảm biến trong đường hầm đã làm cho cơ sở hạ tầng trở nên "thông minh" và thậm chí có thể gửi cảnh báo qua ứng dụng trên smartphone về tai nạn hoặc nguy hiểm sắp xảy ra. Mặc dù vậy, có vẻ như những người lái xe trong trận lũ mới đây đã không biết về thảm họa sắp xảy ra với mình.
Đường hầm Jingguang đã được lắp đặt hệ thống thông minh để cảnh báo an toàn trước trận lũ.
Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu hai hệ thống trên không đưa ra cảnh báo hay các cơ quan chính quyền ở Trịnh Châu có liên quan đã không thực hiện hành động kịp thời khi nhận được cảnh báo của hệ thống.
Chính quyền thành phố Trịnh Châu đã cho biết một cuộc điều tra về lý do tại sao các hệ thống thành phố thông minh không bảo vệ được công dân sẽ diễn ra, sau khi công tác thoát lũ khẩn cấp và cứu hộ hoàn tất.
Aerospace Shenzhou Smart System, đơn vị phát triển hệ thống giám sát lũ lụt, đã không trả lời các cuộc gọi và fax yêu cầu bình luận. Trung tâm Đường hầm Trịnh Châu, nơi chịu trách nhiệm vận hành đường hầm, cũng không trả lời các yêu cầu bình luận.
Các câu hỏi về hệ thống thành phố thông minh đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng đưa ra ý kiến cho rằng các dự án thành phố thông minh ở Trịnh Châu là "lãng phí tiền bạc và hoàn toàn vô dụng".
Các phân tích khác đặt câu hỏi về vai trò của bộ máy quan liêu của chính quyền địa phương trong thảm họa. Sự thiếu hiệu quả hoặc sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau có thể đã không chuyển tín hiệu từ hệ thống thành cảnh báo công khai kịp thời.
Ví dụ, cơ quan khí tượng thành phố Trịnh Châu đã gửi 5 "cảnh báo đỏ" về mưa lớn, mức cảnh báo thời tiết cao nhất, nhưng chính quyền thành phố Trịnh Châu đã không có hành động đình chỉ trường học hoặc giao thông.
Patrick Zhan, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn CNTT IDC cho biết, việc ban hành thông tin phòng ngừa thảm họa thường cần sự phối hợp giữa các bộ phận khác nhau. Ông nói: "Liệu người nhận có ghi nhận cảnh báo một cách nghiêm túc hay không là việc nằm ngoài tầm kiểm soát của người gửi".
Zhan nói thêm rằng nhiều dự án thành phố thông minh ở Trung Quốc còn lâu mới sẵn sàng đối phó với thiên tai, và hầu hết các thành phố của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ "đặt nền móng" cho thành phố thông minh bằng cách lắp đặt camera, lưu trữ đám mây, trung tâm dữ liệu và nền tảng xử lý.
Các nhà phân tích khác cho biết lượng mưa tuần trước quá lớn, có thể đã vượt quá công suất thiết kế của hệ thống. Lượng mưa khoảng 63 cm đã trút xuống trong 24 giờ vào ngày 20/7 đã được chính quyền địa phương cho biết là điều không được nhìn thấy "trong một nghìn năm".
Carman Lee, phó giáo sư tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, nói rằng các hệ thống giám sát lũ lụt như hệ thống được sử dụng ở Trịnh Châu, áp dụng công nghệ tương tự như các hệ thống giám sát ở Hồng Kông, và thời tiết khắc nghiệt có thể áp đảo những hệ thống này.
Một người đàn ông đứng trên chiếc xe bị mắc kẹt trên con đường ngập lụt sau trận mưa lớn ở Trịnh Châu, ngày 22/7/2021.
Thành phố thông minh đã trở thành một từ thông dụng trong những năm gần đây ở Trung Quốc khi các chính quyền địa phương mong muốn sử dụng công nghệ mới để số hóa việc quản lý thành phố và cải thiện mức sống của người dân. Thuật ngữ này cũng đã được sử dụng để bao gồm tất cả mọi thứ từ giám sát đến cơ sở hạ tầng đô thị, dịch vụ thành phố, giao thông vận tải và quản lý năng lượng.
Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc bao gồm Alibaba, Tencent, Baidu và Huawei đều tham gia vào việc tranh giành thị phần trong lĩnh vực này, cung cấp đủ các dịch vụ từ lưu trữ đám mây đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như trung tâm dữ liệu và các giải pháp điện toán toàn bộ.
Vào cuối năm 2019, hơn 500 thành phố ở Trung Quốc đã bắt tay vào các loại dự án thành phố thông minh khác nhau, nhưng chỉ có 8,4% thành phố thông minh đã đạt đến mức độ hoàn thiện, với hơn 43% còn lại chỉ trong giai đoạn sơ bộ, theo một báo cáo từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đơn vị hoạch định kinh tế của Trung Quốc.
Qian-ming Lu, giám đốc điều hành của DHI Trung Quốc, một nhà cung cấp giải pháp môi trường nước, cho biết một số chính quyền địa phương đã lựa chọn các dự án thành phố thông minh chỉ mang tính "trưng bày" thay vì nhắm vào các vấn đề thực tế. Ông Lu cho biết giám sát, ngăn ngừa và quản lý ngập lụt đô thị nên là "một trong những vấn đề quan trọng nhất khi nhìn vào việc xây dựng thành phố thông minh".
Một chuyên gia khác cho biết khoảng cách giữa tầm nhìn và thực tế là một vấn đề đối với nhiều dự án do chính phủ lãnh đạo ở Trung Quốc, mặc dù việc quản lý dữ liệu lớn đang tạo ra sự khác biệt.
"Thành phố thông minh chỉ là một khái niệm trong các dự án thiết kế đô thị, hơn là một thực tế ở Trung Quốc. Nhưng việc thu thập, xử lý và hợp nhất dữ liệu lớn đang dẫn đến những trải nghiệm đô thị mới ở các thành phố lớn nhất của đất nước", Pan Anyi, một chuyên gia quy hoạch đô thị người Pháp đã làm việc hơn một thập kỷ tại Trung Quốc cho biết.
Tham khảo SCMP