Hệ thống Vampire có thể phù hợp với hầu hết mọi xe bán tải. Ảnh: Defensenews
Lầu Năm Góc đang gửi cho Ukraine bộ dụng cụ có tên “Vampire” (Ma cà rồng) có thể biến xe bán tải và các phương tiện phi chiến thuật khác thành bệ phóng tên lửa cơ động cao.
Là một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ USD dành cho Ukraine mà Lầu Năm Góc đã công bố hôm 24/8, Hệ thống Thiết bị Tên lửa ISR Mô-đun hóa phương tiện là một bộ thiết bị di động có thể lắp đặt trên hầu hết các phương tiện có thùng xe để khởi động Hệ thống Vũ khí Tiêu diệt Chính xác Tiên tiến (APKWS) hoặc các loại vũ khí dẫn đường laser khác.
Hệ thống “Ma cà rồng” do L3Harris chế tạo gồm một bệ phóng tên lửa 4 nòng nhỏ và một quả cầu cảm biến, tất cả có thể được lắp trong hai giờ và chỉ cần một người vận hành. Nó có thể được trang bị tên lửa để tấn công các mục tiêu trên mặt đất hoặc trên không bao gồm cả hệ thống máy bay không người lái (UAS).
“Bản thân 'Ma cà rồng' là một hệ thống chống UAS”, ông Colin Kahl, Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 24/8. "Đó là một hệ thống động học sử dụng các tên lửa nhỏ chủ yếu để bắn các UAV trên trời”.
Mặc dù hệ thống "Ma cà rồng" không được quảng cáo là vũ khí chống máy bay không người lái trên trang web của nhà sản xuất L3Harris, nhưng Ukraine đã sử dụng các loại vũ khí cùng kiểu đạn tương tự để hạ gục máy bay không người lái trong suốt cuộc xung đột với Nga.
Gói viện trợ khổng lồ vừa được Mỹ công bố là nhằm cung cấp các lựa chọn bền vững và giá cả phải chăng cho Ukraine. Bên cạnh “Ma cà rồng”, Lầu Năm Góc cũng sẽ gửi cho Kiev máy bay không người lái Puma và một loạt đạn dược.
“Hệ thống Vampire của chúng tôi sẽ cung cấp cho người Ukraine những khả năng mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục bảo vệ đất nước và nền dân chủ ở châu Âu”, đại diện nhà sản xuất L3Harris có trụ sở tại Melbourne (Australia) cho biết.
“Ma cà rồng”, còn được gọi là Thiết bị tên lửa ISR mô-đun hóa phương tiện, sẽ được gửi đến Ukraine như một phần trong gói viện trợ mới nhất của Lầu Năm Góc. Ảnh: L3Harris
Máy bay không người lái đã được cả hai phía Nga và Ukraine sử dụng rất nhiều trong cuộc xung đột kéo dài 6 tháng, với nhiều loại có nguồn gốc từ các quốc gia đứng ngoài cuộc chiến. Kiev thu hút sự ủng hộ từ Mỹ và Anh, cả hai đều cam kết viện trợ máy bay không người lái mới và công nghệ chống máy bay không người lái. Trong khi đó, Nga đã tìm đến Iran để duy trì nguồn cung cấp máy bay không người lái - theo các quan chức Mỹ.
Hệ thống “Ma cà rồng” là một phần của gói viện trợ lớn hơn cho Ukraine, nâng tổng chi phí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền lên hơn 13,5 tỷ USD.
Chính quyền Mỹ đã chọn “Ma cà rồng” - một loại vũ khí giá rẻ và dễ lắp ráp so với các biện pháp chống máy bay không người lái khác, chẳng hạn như công nghệ chiến tranh điện tử. Thiết bị này nằm trong gói vật tư được giới thiêu là nhằm hỗ trợ nhu cầu lâu dài của Ukraine.
“Chúng tôi đang cố gắng cân nhắc kỹ lưỡng về những hệ thống nào hợp lý nhất đối với Ukraine trong bối cảnh đó. Bên cạnh đó những vấn đề khác cũng rất quan trọng là họ có thể duy trì nó không? Họ có đủ năng lực không?”, Thứ trưởng Kahl nói.
Trong lúc Lầu Năm Góc còn chưa tiết lộ hệ thống "Ma cà rồng" nào mà họ đang gửi tới Ukraine, trên mạng xã hội đã dấy lên những đồn đoán về loại vũ khí mà người Ukraine sẽ nhận. Đến tối 24/8, công ty L3Harris xác nhận rằng hệ thống được đề cập là thiết bị tên lửa.