Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải 'đứng vào hàng'

Bảo Nam |

Một cuộc chiến tranh để giành lấy tương lai của ngành công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.

Các quốc gia và hàng loạt công ty công nghệ đang bị cuốn vào một màn đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất cả buộc phải chọn một trong hai phe, trong một cuộc xung đột có khả năng phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy mọi doanh nghiệp ra khỏi thị trường sinh lợi.

Và kẻ thương vong mới đây nhất chính là TikTok, ứng dụng video phổ biến với thanh thiếu niên và có hàng trăm triệu người dùng trên khắp các thị trường lớn như Ấn Độ và Bắc Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ ứng dụng này thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, nhưng đang được điều hành bởi một CEO người Mỹ.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng trước, khi TikTok bị chặn ở Ấn Độ, sau cuộc đụng độ biên giới căng thẳng giữa quân đội hai bên. Ngay sau đó, chính quyền Mỹ lên tiếng cho biết sẽ xem xét việc cấm ứng dụng này với lý do đây có thể là "mối đe dọa" đối với an ninh quốc gia. Mọi thứ kết thúc bằng việc TikTok cho biết sẽ rời Hồng Kông vì lo ngại về luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt.

"Việc trở thành một nền tảng công nghệ toàn cầu đang thực sự trở nên khó khăn hơn", Dipayan Ghosh, đồng giám đốc Dự án Dân chủ và Nền tảng Kỹ thuật số tại Trường Harvard Kennedy, nói.

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 1.

Giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cả Mỹ và Trung Quốc lại lao vào cuộc cạnh tranh mới đầy gay gắt về trí tuệ nhân tạo, mạng di động 5G và một loạt công nghệ khác. Mặc dù trong quá khứ, hai quốc gia có mối quan hệ kinh tế lâu dài cho phép tồn tại một số mối quan hệ hợp tác, nhưng những căng thẳng gần đây về an ninh quốc gia đã thúc đẩy cả chính phủ và các doanh nghiệp của họ xem xét lại các quan hệ đối tác đó.

Và xung đột không chỉ dừng lại ở đây mà đang có dấu hiệu lan rộng, ảnh hưởng tới các mối quan hệ mà hai quốc gia có với các cường quốc toàn cầu khác. Vương quốc Anh là một ví dụ, đang kiểm tra lại quyết định cấp phép cho công ty công nghệ Trung Quốc Huawei khả năng hỗ trợ trong việc xây dựng mạng 5G của quốc gia. Đánh giá đó được đưa ra sau khi Mỹ thực hiện một loạt các hành động nhắm vào Huawei, như áp đặt các biện pháp trừng phạt để ngăn các công ty khác cung cấp chipset để công ty Trung Quốc sử dụng trong việc xây dựng công nghệ thế hệ kế tiếp.

“Ấn tượng của tôi là các công ty công nghệ phải thức tỉnh với thực tế là cuộc sống trong tương lai sẽ kém toàn cầu hóa hơn", Michael Witt, giáo sư cấp cao về chiến lược và kinh doanh quốc tế tại INSEAD, chia sẻ. "Họ thực sự đang ở trong tình trạng khó xử."

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 2.

Mỹ và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã có những quan điểm trái ngược nhau về cách sử dụng công nghệ. Trong khi IBM và Microsoft thúc đẩy sự đổi mới của Mỹ vào những năm 1980, Trung Quốc đã đặt nền móng cho Great Firewall - một cơ chế kiểm duyệt khổng lồ nhằm loại bỏ các nội dung có sẵn rộng rãi ở mọi nơi trên Internet. Kể từ những năm đó, quốc gia Đông Á này đã tạo ra một mạng Internet khép kín và có kiểm soát. Nga sau đó cũng có động thái học hỏi, chuyển sang quá trình tái cấu trúc lại mạng Internet với sự hỗ trợ công nghệ từ Trung Quốc.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ đã tăng nhanh hơn nữa trong những năm gần đây theo "Made in China 2025", kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào công nghệ nước ngoài bằng cách chi hàng tỷ USD cho các lĩnh vực như truyền thông không dây, vi mạch và robot. Để làm được được đó, năm ngoái, quốc gia này đã nhập khẩu số chipset trị giá 206 tỷ USD, tương đương 15% giá trị tổng nhập khẩu của cả nước.

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 3.

Mỹ đã đáp trả bằng cách tìm cách hạn chế bước tiến của Trung Quốc.

Chính quyền Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ, một vấn đề trọng tâm của cuộc chiến thương mại đã gây thiệt hại đã bôi đen mối quan hệ giữa hai bên kể từ năm 2018. Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc đó và cho rằng bất kỳ bí mật công nghệ nào được trao đổi là một phần của các thỏa thuận đã được hai bên đồng ý. Mỹ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các hãng công nghệ nổi bật của Trung Quốc, thậm chí tiến hành các bước để giới hạn sự thâm nhập của Bắc Kinh vào thị trường vốn khổng lồ của Mỹ.

Và khi cuộc chiến giữa Washington chống lại Bắc Kinh leo thang, việc hợp tác công nghệ quốc tế dường như ngày càng biến mất.

"Bắc Kinh đã kết luận rằng việc tách rời là không thể tránh khỏi", Ian Bremmer và Cliff Kupchan, Tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị của Eurasia Group, viết trong một báo cáo được công bố đầu năm nay. Cả hai cũng lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang kêu gọi nước này phá bỏ sự phụ thuộc công nghệ vào Mỹ.

"Trung Quốc sẽ mở rộng nỗ lực định hình lại công nghệ quốc tế, thương mại và kiến ​​trúc tài chính để thúc đẩy tốt hơn các lợi ích của mình trong một thế giới ngày càng phân hóa", họ viết.

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 4.

Khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi, một số nhà phân tích cảnh báo rằng hệ quả của nó sẽ ảnh hưởng lan rộng tới mọi cường quốc trên toàn cầu, cùng với đó là các công ty công nghệ đang hoạt động xuyên biên giới.

Các nhà phân tích của Eurasia Group đã viết rằng một xu hướng mới sẽ thúc đẩy các thực thể trong nền kinh tế thế giới lựa chọn lại vị trí đứng của mình. Ví dụ, các đồng minh truyền thống của Mỹ như Đài Loan và Hàn Quốc, có thể nghiêng về phía Trung Quốc vì họ đang cung cấp các chất bán dẫn tiên tiến mà các công ty Trung Quốc đang dựa vào để cạnh tranh với các đối thủ.

Căng thẳng toàn cầu cũng đang khiến các nước coi các công ty công nghệ là "các thực thể quốc gia" chứ không chỉ là các "tác nhân toàn cầu", theo Samm Sacks, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Paul Tsai của Trường Luật Yale, chuyên nghiên cứu về an ninh mạng và quan hệ Mỹ-Trung.

"Đó là ý tưởng rằng một công ty công nghệ đang tiến vào một thị trường ở phía bên kia của thế giới, giờ đây đang được yêu cầu mang theo quốc kỳ của đất nước mình", cô nói thêm. "Đây là một sự thay đổi lớn mang tính quyết định, thậm chí khi so với một thập kỷ trước."

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 5.

Và Huawei có lẽ đã trở thành ví dụ nổi bật nhất của sự thay đổi đó.

Hơn một năm qua, chính quyền Washington đã gây sức ép với các đồng minh để ngăn chặn thiết bị viễn thông của công ty Trung Quốc này được sử dụng trong các hệ thống mạng 5G của họ. Chiến dịch đó dường như đã tạo ra một số kết quả ở châu u: Chính quyền Anh mới đây cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty Trung Quốc có thể sẽ làm tổn hại khả năng tồn tại của Huawei với tư cách là nhà cung cấp mạng 5G ở đó; trong khi Reuters đưa tin hôm 9/7 rằng công ty viễn thông lớn nhất của Ý đang loại trừ Huawei khỏi danh sách đấu thầu thiết bị 5G.

Theo Kislaya Prasad, giáo sư nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Robert H. Smith của Đại học Maryland, thì sự tiến bộ công nghệ ở các nơi khác trên thế giới cũng đang gợi ý rằng đã xuất hiện nhiều "diễn biến mới" bên ngoài cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ví dụ như ở nước láng giềng của Trung Quốc - Ấn Độ - quốc gia đang thúc đẩy tăng trưởng giữa các ngành công nghiệp địa phương đồng thời tận hưởng sự bùng nổ của Internet. Khi chính quyền New Delhi cầm TikTok và một loạt các ứng dụng lớn khác của Trung Quốc vào cuối tháng 6, các nhà phát triển ứng dụng địa phương như Chingari đã vội vã vùng lên để lấp đầy khoảng trống.

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 6.

Đối với các công ty công nghệ bị mắc kẹt khi cố gắng để tìm ra hướng đi trong bối cảnh "thế chiến công nghệ" này, dường như không có lựa chọn nào là dễ dàng.

"Các công ty phải lựa chọn giữa việc từ bỏ một phần của thế giới, hoặc phân cấp hoạt động của họ đến mức mà về cơ bản, công ty sẽ trở thành hai hoặc nhiều thực thể khác nhau", Witt, giáo sư tại INSEAD nói.

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 7.

Hãy nhìn vào TikTok - công ty thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh - để thấy nó dường như đang thử cách tiếp cận thứ hai. Vào tháng 5, TikTok đã thuê một cựu giám đốc điều hành của Disney, Kevin Mayer - một người Mỹ - về làm CEO và liên tục đưa ra các tuyên bố nói rằng các trung tâm dữ liệu của họ nằm hoàn toàn bên ngoài Trung Quốc, nơi dữ liệu không tuân theo các quy định và luật pháp Trung Quốc.

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 8.

Chưa dừng lại ở đó, công ty này có thể đang cố gắng để tạo ra một động thái thậm chí còn ấn tượng hơn. Báo cáo từ Tạp chí Phố Wall mới đây đã trích dẫn một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, nói rằng ByteDance đang xem xét việc thành lập một trụ sở riêng cho ứng dụng video bên ngoài Trung Quốc, hoặc thậm chí một ban quản lý mới để tách dịch vụ ra khỏi Trung Quốc. Người phát ngôn của TikTok sau đó cũng xác nhận với CNN rằng công ty mẹ của họ đang cân nhắc các thay đổi đối với việc cấu trúc công ty.

"Mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc là điều đã khiến Huawei phải đóng cửa ở rất nhiều thị trường", giáo sư Dipayan Ghosh, thuộc trường Harvard Kennedy, nói.

"Tôi nghĩ TikTok nhận thấy điều đó và muốn làm khác với Huawei", ông nói thêm.

Nhưng điều đó có thể là không đủ. Các nhà lập pháp Mỹ đã liên tục chĩa mũi dùi mới lên TikTok trong những tuần gần đây. Và trong khi công ty nói rằng họ không đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn đề cập đến những lo ngại này.

"Vấn đề là - theo tôi nghĩ - mọi thứ đối với TikTok đã quá muộn", ông Witt nói. "Ánh sáng từ sự chú ý của công chúng, nó đã tỏa sáng quá rực rỡ đối với họ. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ không mang lại kết thúc tốt đẹp với họ."

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 9.

Trên thực tế, vấn đề của cuộc chiến công nghệ này chưa bao giờ là câu chuyện về... công nghệ. Bởi khi xem xét vấn đề dưới góc độ kỹ thuật, trước sự thất bại về quyền riêng tư trên quy mô của Cambridge Analytica hoặc vi phạm của Yahoo thì những gì TikTok đã làm là chưa đủ.

Giống như Huawei, TikTok đã trở thành một hình mẫu đại diện cho những lo lắng của chính quyền Washington về hoạt động gián điệp của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi các xung đột trong quá khứ về các hoạt động trộm cắp tài sản trí tuệ. Những lo ngại đó có nghĩa là nhiều người dùng sẽ không bao giờ chấp nhận một mạng xã hội do Trung Quốc hậu thuẫn trên những chiếc điện thoại Mỹ.

Cách khắc phục vĩnh viễn và sạch sẽ nhất là chia cắt hẳn TikTok khỏi công ty mẹ Trung Quốc ByteDance. Và có một cách dễ dàng để Washington thực hiện điều đó, thông qua cơ quan gọi là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Năm ngoái, cơ quan này đã buộc một công ty Trung Quốc từ bỏ quyền sở hữu ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr trên cơ sở tương tự.

Nhưng đây có phải là biện pháp chu toàn?

Hệ quả cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi các công ty buộc phải đứng vào hàng - Ảnh 10.

WeChat chủ yếu được sử dụng ở Trung Quốc, nhưng nó có hơn một triệu người dùng ở Mỹ. Nhiều người dùng trong số này sử dụng WeChat để liên lạc với người thân ở Trung Quốc. Game di động PUBG Mobile được sản xuất bởi Tencent, tập đoàn phần mềm khổng lồ của Trung Quốc, cũng là đơn vị tạo ra WeChat. Ứng dụng này mới đây cũng bị phát hiện rình mò dữ liệu người dùng, liệu chính quyền Mỹ có nên đàn áp cả trò chơi này?

Giải quyết vấn đề theo cách này có nghĩa là phải tách từng người dùng Mỹ khỏi các ứng dụng Trung Quốc và loại bỏ các công ty trong nền kinh tế Mỹ khỏi sự đầu tư từ nguồn vốn Trung Quốc. Vậy sau đó, ngành công nghiệp công nghệ Mỹ sẽ còn lại gì?

Nhiều năm qua, từng nền tảng Internet lớn như Google, Facebook... đã lần lượt cố gắng tiếp cận người dùng Trung Quốc và thất bại, bởi họ nhận ra rằng không có cách nào để hoạt động phía sau Great Firewall mà không có sự thỏa hiệp. Thay vì Twitter và WhatsApp, Trung Quốc có Weibo và WeChat. Mỗi năm, càng ngày càng có ít không gian mà hai bên có thể chồng chéo lên nhau.

Đây là cách mà hệ thống Internet toàn cầu đang phân chia, khi từng bộ phận mạng của các quốc gia khác nhau ngày càng xa cách hơn. Sự phân tách đó là không thể tránh khỏi, giống như việc cuộc đối đầu này đã không thể ngăn chặn. Và các ứng dụng như TikTok hay cả các công ty lớn như Huawei đã cho thấy mức độ khó khăn của việc chống lại logic cơ bản này, với độ khó vượt ra khỏi tầm với của chính những người đang mắc kẹt.

Tham khảo CNN, The Verge

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại