Tổng thống Nga Putin theo dõi vụ phóng tên lửa Sarmat vừa diễn ra.
Theo hãng tin TASS, nhận định trên được ông Rogozin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya 24.
"Đây là loại tên lửa mạnh hơn nhiều so với các loại vũ khí chiến lược khác, kể cả tên lửa Minuteman-III hiện có của Mỹ", ông Rogozin nói.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Roscosmos, các dữ liệu kỹ thuật khiến tên lửa Sarmat trở nên bất khả xâm phạm đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO hiện tại cũng như trong tương lai.
"Đây là một thành công lớn đối với các nhà thiết kế và kỹ sư của chúng tôi. Chúng tôi rất tự hào", ông nói thêm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/4 thông báo Nga đã thực hiện thành công vụ phóng đầu tiên của tên lửa) Sarmat từ trung tâm Plesetsk ở Vùng Arkhangelsk.
Tên lửa Sarmat được phát triển tại Trung tâm Tên lửa Nhà nước Makeyev (thuộc Roscosmos) và được sản xuất tại xí nghiệp Krasmash.
Theo các chuyên gia, tên lửa RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRVed nặng tới 10 tấn tới bất kỳ điểm nào trên thế giới qua Bắc Cực và Nam Cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã theo dõi vụ phóng thành công tên lửa Sarmat và chúc mừng quân đội Nga về việc này.
"Đây là một sự kiện trọng đại và mang tính bước ngoặt trong quá trình phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến trong quân đội Nga", Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga cho biết, hệ thống tên lửa mới có các đặc tính kỹ chiến thuật cao nhất và có khả năng né tránh bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nào.
Ông Putin nhấn mạnh việc tên lửa chỉ sử dụng các bộ phận do Nga sản xuất. "Điều này sẽ giúp việc sản xuất hàng loạt tên lửa này dễ dàng hơn và đẩy nhanh quá trình cung cấp nó cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược", ông Putin nói.
Là tên lửa tối tân của Nga, tên lửa Sarmat được cho là có thể vượt qua được các hệ thống phòng không tối tân hiện nay.
Tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ. Một số nguồn tin cho rằng Nga cũng trang bị cho tên lửa Sarmat 24 đầu đạn siêu thanh Yu-74.
Giới chức Nga khẳng định tên lửa có độ chính xác gần như tuyệt đối nhờ sự hỗ trợ dẫn đường từ hệ thống vệ tinh toàn cầu GLONASS, với độ sai lệch tối đa chỉ khoảng 10m.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội hồi năm 2018, Tổng thống Nga Putin gọi đây là tên lửa "bất khả chiến bại".
Một số nguồn tin khẳng định tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Sarmat của nước này có thể "xé nát" bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Tại diễn đàn kỹ thuật quân sự Armia 2019, các thông số về tên lửa này đã lần đầu được công bố, theo đó, siêu tên lửa Sarmat có chiều dài 35,5m, với tầm bắn 18.000km, trọng lượng phóng là 208,1 tấn và có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 24.000km/h.
Một quan chức Nga giấu tên khẳng định, đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
Các đầu đạn có tốc độ tối đa 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn.