Nợ ngầm của chính quyền địa phương là một nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc. Ảnh: VCG
Theo các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, con số này tương đương với 52% GDP của Trung Quốc và tăng mạnh so với mức nợ 16.000 tỉ nhân dân tệ ghi nhận từ LGFV năm 2013. Khoản nợ ngầm cấp chính quyền địa phương này cũng đã lớn hơn tổng số nợ chính phủ được Trung Quốc công bố chính thức.
LGFV là công cụ để cho các chính phủ vay mượn tiền, nhưng không làm số tiền vay này xuất hiện trên bản cân đối kế toán. Về bản chất, các thị trường tài chính đều coi đây là nợ chính phủ. Tại Trung Quốc, các khoản vay từ LGFV chủ yếu tập trung đầu tư cho xây dựng, vận tải, các tập đoàn công nghiệp quy mô, với ba lĩnh vực này chiếm đến 40% tổng nợ LGFV.
Trong năm 2020, tiền thu được từ khoảng 60% lượng trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành là để trả khoản nợ vay cho kỳ thanh năm tài khóa 2020-2021, chứ không phải là cho các dự án đầu tư mới. Giang Tô là tỉnh đứng đầu về nợ LGFV, với tổng 8.000 tỉ nhân dân tệ (1.237 tỉ USD). Tính theo tỉ lệ nợ trên tổng GDP, Thiên Tân, Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Cam Túc là những tỉnh, thành phố có mức nợ LGFV cao nhất cả nước.
Đầu năm 2021, Chính phủ Trung Quốc triển khai chủ trương giảm nợ LGFV, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, tạo dư địa để nhà điều hành tập trung xử lý nguy cơ tài chính. Nhưng ở thời điểm hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang đối diện với chiều hướng không thuận, khi tiêu dùng nội địa giảm, thị trường nhà đất suy yếu, thiếu hụt điện năng ảnh hưởng đến sản xuất, đứt gãy chuỗi cung. Điều này sẽ buộc chính phủ phải tính toán lại biện pháp mạnh tay trong kiểm soát nợ.
“Cần mở rộng phát hành trái phiếu địa phương và tăng cường độ linh hoạt của tài chính địa phương để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh doanh số từ khu vực bất động sản đang chậm lại”, nhóm chuyên gia của Goldman Sachs do Maggie Wei đứng đầu nêu quan điểm trong báo cáo.