Hé lộ hình ảnh dàn xe tăng Trung - Ấn "gườm nhau" ở biên giới tranh chấp

Minh Thu |

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi mới đây bức ảnh về dàn xe tăng của quân đội hai nước “gườm nhau” mới được công bố.

Bức ảnh dàn xe tăng của quân đội Trung - Ấn xuất hiện đối diện nhau ở khoảng cách chỉ vài trăm mét ở khu vực tranh chấp biên giới thuộc dãy núi Himalaya vừa được truyền thông Trung Quốc công bố.

Hé lộ hình ảnh dàn xe tăng Trung - Ấn gườm nhau ở biên giới tranh chấp - Ảnh 1.

Dàn xe tăng của quân đội Trung - Ấn “gườm nhau” ở vùng biên giới tranh chấp. (Ảnh: Twitter)

Các bức ảnh cho thấy, một hàng dài xe bọc thép xuất hiện dọc các điểm cắm chốt trên đường biên giới mang tên Đường Kiểm soát thực (LAC) dài 3,200 km thuộc dãy núi Himalaya, nơi từng xảy ra vụ ẩu đả đẫm máu hồi tháng 6/2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số lượng binh sĩ thương vong sau trận giao tranh với quân đội Ấn Độ. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Vào thời điểm xảy ra cuộc đụng độ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc phá vỡ thỏa thuận tôn trọng LAC nằm trong thung lũng Galwan. LAC còn được biết tới là đường biên giới không chính thức của Trung - Ấn trên dãy Himalaya.

Theo Sputnik, hình ảnh dàn xe tăng của quân đội Trung - Ấn “gườm nhau” lần đầu tiên xuất hiện trên mạng xã hội Weibo do một “blogger quân sự” chia sẻ và sau đó được truyền thông Trung Quốc đăng tải.

Hồi đầu tuần này, trang China.com còn cho đăng bài viết ca ngợi các xe tăng Type 15 của Trung Quốc có sức mạnh vượt trội hơn so với dàn T-17 và T-90 của Ấn Độ.

“Ấn Độ đang hoạt động ở biên giới phía tây trong suốt nhiều năm qua và đã thành thục trong việc sử dụng các loại xe tăng và xe bọc thép. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc có khả năng nhanh chóng thiết lập đội hình xe tăng với số lượng lớn hơn ở nhiều địa điểm cụ thể và mức độ hiện đại cũng như công nghệ hoàn toàn vượt trội hơn”, China.com viết.

Sau trận giao tranh vào tháng 6/2020, quân đội Trung - Ấn đã cho điều động hàng ngàn binh sĩ tới vùng tranh chấp, đồng thời trang bị thêm các vũ khí hạng nặng tới những nơi chiếm đóng ở bang Ladakh.

Theo tờ Times of India, Bắc Kinh đã tái điều động 10.000 quân dự bị tới LAC, làm dấy lên mối quan ngại về khả năng bùng phát chiến tranh biên giới Trung - Ấn.

Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các nguồn tin hôm 11/1 cho hay, Ấn Độ đã trao trả một binh sĩ Trung Quốc, người trước đó được cho đã đi lạc ở vùng biên giới Trung - Ấn vào sáng ngày 8/1 và bị quân đội Ấn Độ bắt giữ.

Theo lực lượng biên giới Trung Quốc xác nhận hôm 9/1, do trời tối và địa hình phức tạp, một binh sĩ Trung Quốc đã không may đi lạc ở khu vực biên giới Trung - Ấn vào sáng sớm ngày 8/1. Sau đó, quân đội Trung Quốc đã hối thúc phía Ấn Độ thả người.

Trước đây, các binh sĩ Trung - Ấn cũng đã vài lần đi lạc và vượt biên sang vùng đất của nhau. Nguyên nhân là do Trung - Ấn có chung đường biên giới dài và nhiều nơi không có bóng người sinh sống. Do đó, nếu không hiểu rõ địa hình, binh sĩ hai nước có thể bị đi lạc.

Trong những tháng qua, hai nước đã tổ chức nhiều vòng đàm phán ngoại giao và quân sự để giảm thiểu căng thẳng, song tới nay, chưa đột phá nào đạt được.

Hiện tại, quân đội Trung - Ấn đã triển khai mỗi bên gần 50.000 binh sĩ và được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao ở nhiều địa điểm tranh chấp trên vùng núi bất chấp thời tiết mùa đông rét buốt.

Ngoài ra, trong năm 2020, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại LAC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại