Dự án bí ẩn
Khác với Hải quân Mỹ, cả Nga và Trung Quốc đều tiếp tục vận hành các tàu ngầm tấn công phi hạt nhân để bổ sung cho tàu ngầm hạt nhân. Chúng có giá thành rẻ hơn và có một số lợi thế so với tàu ngầm hạt nhân, đặc biệt là khi ở ven bờ. Ngoài ra, các tàu ngầm phi hạt nhân có thể được xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Theo tạp chí Forbes (Mỹ), mới đây Nga và Trung Quốc đã quyết định hợp tác phát triển một thế hệ tàu ngầm phi hạt nhân mới. Song, thông tin cụ thể về dự án này vẫn là một điều bí ẩn.
Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti cho biết, Nga và Trung Quốc đang hợp tác trong một thiết kế tàu ngầm mới (tại Nga). Dự án này do Cơ quan Liên bang về Hợp tác kỹ thuật-quân sự của Nga khởi xướng.
Nga có một truyền thống đáng tự hào về lĩnh vực đóng tàu ngầm, họ đã tạo ra nhiều mẫu tàu ngầm mạnh nhất và lớn nhất trên thế giới. Do đó, theo Forbes, không ngạc nhiên khi công nghệ tàu ngầm của Nga được đánh giá là đi trước Trung Quốc ở mức độ đáng kể.
Thiết kế tàu ngầm phi hạt nhân lớp Lada của Nga và lớp Yuan của Trung Quốc. Ảnh: H I SUTTON
Nga đã giúp Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu ngầm, cung cấp cho Bắc Kinh bản kế hoạch đóng tàu ngầm tên lửa lớp Golf và tàu ngầm tấn công lớp Romeo thời Chiến tranh Lạnh. Gần đây nhất, Nga đã xuất khẩu sang Trung Quốc các tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phát triển con đường riêng trong lĩnh vực thiết kế tàu ngầm và họ đã có năng lực nội địa để chế tạo tàu ngầm hạt nhân/phi hạt nhân. Mặc dù vẫn có một số loại tàu ngầm mà Nga rõ ràng đang dẫn trước nhưng chắc chắn năng lực của Trung Quốc trong lĩnh vực này không nên bị xem nhẹ.
Một khía cạnh quan trọng mà Bắc Kinh có vẻ đang đi trước Nga là động cơ đẩy. Trung Quốc đang chế tạo các tàu ngầm mang động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), trong khi Nga lại gặp khó khăn khi triển khai công nghệ này, mặc dù họ từng là người đi tiên phong trong công nghệ AIP ở giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.
Tàu ngầm lớp Lada của Nga được kỳ vọng sẽ mang động cơ AIP nhưng đến nay vẫn chưa được trang bị. Xét tới năng lực của Nga trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng tàu ngầm thì vấn đề ở đây có lẽ nằm ở khâu đầu tư nhiều hơn là khâu kỹ thuật. Song, hiện nay, công bằng mà nói, Trung Quốc đang dẫn đầu trong công nghệ AIP.
Các loại pin tàu ngầm tiên tiến là một khía cạnh khác cần phải nhắc tới. Các tàu ngầm hiện nay đang chuyển sang sử dụng pin lithium-ion. Những tàu ngầm đầu tiên trên thế giới trang bị loại pin mới là tàu ngầm của Nhật Bản, tiếp đó là Hàn Quốc và Italia. Có tin đồn Trung Quốc cũng đang áp dụng công nghệ này. Nếu quả thật như vậy thì có lẽ Bắc Kinh đang dẫn trước Nga ở một khía cạnh khác nữa.
Triển vọng chưa rõ ràng
"Nếu vai trò bị đảo ngược, phải chăng Nga sẽ tìm mua tàu ngầm phi hạt nhân từ Trung Quốc?" – Tờ Forbes đặt giả thuyết.
Ngoài ra, theo tạp chí Mỹ, một khả năng khác trong dự án hợp tác này sẽ là kết hợp công nghệ thân tàu của một bên với các hệ thống chiến đấu và vũ khí do bên còn lại cung cấp. Ví dụ, lắp đặt cho tàu ngầm Trung Quốc sonar và các loại vũ khí của Nga, hoặc cung cấp cho tàu ngầm Nga loại pin mới và công nghệ AIP của Trung Quốc.
Trong lúc này, cục thiết kế tàu ngầm nổi tiếng của Nga Malachite đang quảng bá thiết kế tàu ngầm mới. Mẫu P-750B "Serval" dài 65m và trang bị công nghệ AIP, trong đó động cơ turbine khí sử dụng oxy lỏng được dự trữ.
Mặt cắt của mẫu tàu ngầm P-750B Serval. (Nguồn: Top War)
Mẫu tàu ngầm mới đã được trưng bày tại một số triển lãm vũ khí gần đây của Nga, trong đó có Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2020 đang diễn ra ở Moscow.
Các hãng đóng tàu Trung Quốc cũng đang quảng bá thiết kế riêng của họ. Do đó, hiện không rõ đích xác dự án hợp tác tàu ngầm mới sẽ phù hợp với vị trí nào trong đội hình tương lai của hải quân hai phía.
Cũng có khả năng nó sẽ không được trang bị cho hải quân Nga hay Trung Quốc, mà sẽ dành cho thị trường xuất khẩu.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chủ yếu ở hạng mục tàu ngầm tấn công phi hạt nhân.
Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường này nhờ các thỏa thuận đạt được với Thái Lan, Bangladesh và Pakistan. Dự án tàu ngầm hợp tác với Nga có thể là một cân nhắc mang tính thương mại.
Tuy nhiên, cần lưu ý thêm là hiện nay, Hải quân Nga vẫn đang tiếp tục đặt mua thêm các thiết kế tàu ngầm phi hạt nhân hiện có của họ. Mới đây nhất, họ đã ký hợp đồng chế tạo tàu ngầm lớp Lada, cũng như các tàu ngầm lớp Kilo cải tiến.
Do đó, theo Forbes, triển vọng về dự án hợp tác phát triển tàu ngầm phi hạt nhân giữa Nga-Trung làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn là cung cấp đáp án. Và giống như nhiều dự án quốc phòng khác, dự án này có khả năng sẽ chẳng đi tới đâu. Chúng ta cần phải chờ đợi thêm mới biết được câu trả lời.