Tài liệu trên được chia sẻ trên tài khoản Twitter nổi tiếng của một viên sĩ quan dự bị quân đội Ukraine. Được biết, quân đội Ukraine đã điều anh này đến gần tiền tuyến ở Vuhledar.
Theo tài khoản này, tài liệu trên mô tả một cấu trúc tổ chức mới có tên gọi “Phân đội tấn công”, trong đó bộ binh hành tiến về trước và được xe thiết giáp yểm trợ hai bên sườn.
Về mặt lý thuyết, người ta tin rằng một cấu trúc tổ chức như thế có thể giúp các sĩ quan cấp thấp thêm phương tiện tiến hành các nhiệm vụ chiến trường thay cho việc chỉ dựa vào các vũ khí khí tài do các cấp chỉ huy cao hơn kiểm soát.
Binh sĩ Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Nhóm tác chiến tiểu đoàn (giai đoạn đầu)
Ban đầu, quân đội Nga dựa vào cấu trúc tổ chức gồm các nhóm tác chiến tiểu đoàn (BTG), theo đó mỗi trung đoàn hoặc lữ đoàn sẽ tập hợp trang thiết bị lại để hình thành 2 hoặc 3 nhóm BTG tăng cường, lấy nòng cốt là bộ binh cơ giới được yểm trợ bằng 1 đại đội xe tăng và 2 đến 3 pháo đội.
Tuy nhiên, các nhóm tác chiến tiểu đoàn này không giành được nhiều thắng lợi trong giai đoạn đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, vì mặc dù tổ chức này được trang bị xe lớn và hỏa lực tầm xa, nó lại thiếu bộ binh để bảo vệ các vũ khí hạng nặng đó. Mô hình này phản ánh ý đồ của quân đội Nga tiến đánh các vị trí của quân đội Ukraine từ khoảng cách lớn thay vì tiến hành cận chiến.
Trong giai đoạn đầu xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine , phía Nga không bố trí bộ binh cho nhiệm vụ “tùng thiết” (hộ tống bảo vệ xe tăng, xe thiết giáp), đồng thời chưa chiếm được các vị trí bên trong đô thị của Ukraine trước khi sử dụng tăng thiết giáp để thọc sâu. Điều này giúp binh sĩ Ukraine dễ chiếm lĩnh vị trí thuận lợi để phục kích xe quân sự của Nga bằng các loại súng chống tăng.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu, Nga tổ chức đồng loạt nhiều mũi tiến công, khiến tuyến tiếp tế của họ bị kéo dài và do đó dễ bị Ukraine đánh phá. Hậu quả, Nga phải bỏ lại chiến trường một số xe quân sự do hết nhiên liệu và linh kiện thay thế.
Chính thực tiễn chiến trường nói trên đã thúc đẩy lãnh đạo quân đội Nga xem xét lại khái niệm BTG và đưa ra nhiều điều chỉnh trong năm 2023.
Trong giai đoạn mới, quân đội Nga dường như đang ưu tiên tấn công trường kỳ vào các vị trí kiên cố của Ukraine ở vùng Donbass, trong đó Nga sẽ mở các trận đánh cận chiến nhằm giành các thắng lợi chiến thuật có thể tạo ra lợi thế chiến dịch cho Nga sau này. Thực tế này đang diễn ra ở các mặt trận như Bakhmut, Avdeevka và tỉnh Donetsk.
Giới chuyên gia cũng nhận định Nga không muốn mạo hiểm sử dụng vũ khí hạng nặng trong điều kiện thời tiết hiện nay - vốn khiến cho phía Ukraine dễ ngắm bắn.
Do vậy, Nga khả năng cao đã không lựa chọn chiến thuật tác chiến cơ động cơ giới mang tính truyền thống hơn.
Các báo cáo dựa trên các video ghi tại khu vực Bakhmut cho thấy, các lực lượng Nga đã giành được nhiều bước tiến chiến thuật đáng kể nhờ áp dụng các chiến thuật mới.
Tổ chức phân đội tấn công
Theo bản hướng dẫn của quân đội Nga mà phía Ukraine tuyên bố thu giữ được, cấu trúc “Phân đội tấn công” mới là tương đương với một tiểu đoàn tăng cường gồm 2 hoặc 3 đại đội tấn công.
Tổng thể, một phân đội tấn công như vậy có thể được tùy biến theo đòi hỏi của nhiệm vụ cụ thể và gồm 2-3 đại đội tấn công, một đơn vị chỉ huy, một đơn vị yểm trợ pháo và các đơn vị khác như trinh sát, tăng, tác chiến điện tử, phòng không, thiết bị bay không người lái (UAV), quân y, pháo phản lực, công binh, dự bị, và sửa chữa thiết bị.
Cơ cấu này cũng gồm 1 hoặc 2 pháo đội hỏa lực tầm ngắn hơn, trong đó 1 đội được vũ trang bằng 6 lựu pháo kéo D-30 122mm, đội còn lại được trang bị cối tự hành 2S9 120mm. Còn các đơn vị xe tăng được trang bị 3 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, các đơn vị “quăng lửa” thì được trang bị các bệ phóng rocket nhiệt áp 12x RPO-A, đơn vị hỗ trợ hỏa lực được trang bị 2 súng phóng lựu tự động AGS-17, 2 súng đại liên Kord 12,7mm, các đơn vị phòng không được trang bị 2 pháo tự động ZU-23 và 3 hệ thống phòng không vác vai như Igla-M, còn các nhóm sửa chữa thiết giáp được cấp xe kéo BREM-L.
Đại đội tấn công
Đại đội tấn công là đơn vị trung tâm của phân đội tấn công, xoay quanh 2 trung đội tấn công gồm 12-15 người được tăng cường thêm bằng 3 trung đội hỗ trợ hỏa lực.
Tổng thể, đại đội này có 1 đơn vị chỉ huy, 1 đội UAV, các trung đội tấn công, 1 trung đội hỗ trợ hỏa lực pháo, 1 trung đội hỗ trợ hỏa lực, 1 nhóm xe thiết giáp chiến đấu bộ binh, 1 nhóm dự bị, và một bộ phận quân y.
Trung đội hỗ trợ hỏa lực có 1 lựu pháo D-30 hoặc chiến xa 2D0 và 2 khẩu cối hạng trung 82mm hoặc cối hạng nặng 120mm. Cối được giao về trung đội tấn công, còn chỉ huy đại đội sẽ kiểm soát các khẩu lựu pháo.
Trung đội hỗ trợ hỏa lực được trang bị các vũ khí hỗ trợ hỏa lực trực xạ khác nhau, gồm 2 súng phóng lựu AGS-17, 2 súng đại liên Kord, 2 bệ phóng rocket chống tăng tầm xa có dẫn đường, và có thể cả 2 đội bắn tỉa tầm xa.
Nhóm xe chiến đấu bộ binh gồm có 2 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và 4 xe chiến đấu bộ binh BMP hoặc xe thiết giáp hạng nhẹ BMD-2. Tuy nhiên, các xe chở quân này không tích hợp vào tiểu đội bộ binh do vai trò chính của chúng là hỗ trợ hỏa lực cơ động bằng cách sử dụng pháo tự động, còn chuyển quân chỉ là vai trò phụ. Từ góc độ tác chiến , chúng có thể vẫn được nhóm lại hoặc phân tán giữa các trung đội tấn công. Ngoài ra, còn có một xe tăng chiến đấu chủ lực cung cấp hỏa lực mạnh hơn.
Trung đội tấn công
Đơn vị này gồm 12-15 người, chia làm 4-5 tổ 3 người, mỗi tổ trang bị nhiều loại súng kết hợp với nhau dựa trên nhu cầu nhiệm vụ.
Các đội trong trung đội này gồm 2 nhóm chiến thuật, 1 nhóm đi trước, 1 nhóm chỉ huy, và 1 nhóm dự bị hỗ trợ hỏa lực.
Theo tài liệu, trung đội này được khuyên hành tiến theo đội hình kim cương.
Chỉ đạo chiến thuật cho 1 cuộc tấn công
- Tấn công vào vị trí kiên cố phải bắt đầu trong vòng 1 phút kể từ khi dứt màn pháo kích dọn đường.
- UAV được khuyến nghị chỉ sử dụng cho mục đích trinh sát trước chứ không phải là theo dõi trận đánh, để tránh gây tổn thất cho thiết bị này.
- Cấm sử dụng chiến hào do quân Ukraine bỏ lại, do có nguy cơ gặp phải bẫy mìn của đối phương gài ở đây trước khi rút cũng như nguy cơ nơi đây đã nằm trong tầm ngắm của pháo binh đối phương.
- Trung đội hoặc đại đội tấn công không được sơ tán thương binh. Thay vào đó, các đơn vị này cung cấp cho các đơn vị quân y tọa độ của người bị thương.
- Phương pháp tác xạ khuyến nghị cho súng phóng lựu tự động là bắn gián tiếp (bắn cầu vồng), với tầm bắn đề xuất là từ 600-1.700m. (Quân Ukraine cũng sử dụng súng phóng lựu tự động theo cách này).
- Các đơn vị tấn công được khuyên tránh di chuyển qua khoảng trống trải và phải được yểm trợ bằng hỏa lực.
Chiến thuật mới xuất phát từ lực lượng quân sự tư nhân Wagner?
Tài khoản Twitter nói trên rằng quyết định chuyển sang Phân đội tấn công dường như lấy cảm hứng từ các thắng lợi của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (của Nga) ở khu vực Bakhmut.
Tài khoản trên nhận xét: “Nhân viên Wagner thường chia lực lượng thành các đội tấn công nhỏ gồm 3-4 người. Đội đầu tiên do một trinh sát dẫn đường. Trinh sát này được giao nhiệm vụ quan sát và định vị các khu vực có gài mìn ở phía trước. Đi theo anh này là 2 tay súng tiểu liên và một xạ thủ súng máy.
Các đơn vị tấn công này được yểm hộ bằng hỏa lực hỗ trợ triển khai theo tuyến vuông góc với tuyến hành tiến. Các đơn vị hỏa lực hỗ trợ được trang bị súng cối, súng phóng lựu tự động và thậm chí các súng phóng rocket.
Ngay khi hỏa lực pháo binh kết thúc, các đội hỏa lực hỗ trợ lập tức khai hỏa bằng súng phóng lửa tự động, súng B41 hoặc một súng máy nhằm chế áp lực lượng phòng ngự của đối phương, cho phép các đội tấn công di chuyển về phía chiến hào Ukraine. Khi đã đến đủ gần chiến hào đối phương, quân Nga sẽ tung lựu đạn và tấn công vào chiến hào…/.