1. Giữa lòng Hà Nội có một cái làng nho nhỏ, tên là Triều Khúc. Giữa Hà Nội đô thị hóa đến chóng mặt, nhưng nơi đây vẫn giữ được đất lề, quê thói, từ giọng nói đặc trưng khác với người Hà Nội, cho đến điệu múa "Con đĩ đánh bồng" trong ngày hội làng - mùng 10 tháng Giêng hàng năm.
Cái làng con con ấy có một đội bóng đá, tham gia giải Ngoại hạng phủi Hà Nội - giải đấu phong trào hàng đầu Việt Nam đã trải qua 4 mùa. Trong khi các đội bóng khác dùng quân tứ xứ, thậm chí thuê cả "ngoại binh" từ giải Hạng Nhất, V-League về đá, thì Triều Khúc chỉ dùng người làng, không cho người ngoài bất kỳ cơ hội nào, dù đá hay đến mấy.
Mỗi trận đấu của Triều Khúc là một ngày hội. Người làng, từ trẻ con còn ẵm ngửa đến ông già 80 tuổi râu tóc bạc phơ đều kéo ra sân, khua chiêng đánh trống cổ vũ cho đội nhà.
Ba ngày trước trận Việt Nam bị Indonesia loại trên sân Mỹ Đình, đội bóng Triều Khúc lần đầu tiên phải xuống hạng, mùa sau phải đá giải Hạng Nhất phủi. Cả làng buồn, tiếc, thương, nhưng tuyệt đối chẳng ai trách móc. Với họ, bóng đá là niềm vui, là thứ để gắn kết người làng, chứ chẳng phải để cay cú ăn thua.
2. Hôm qua, sau trận thắng đến 4-0 trước Myanmar đưa Thái Lan lọt vào trận chung kết AFF Cup, HLV Kiatisak đã nhận xét về đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Indonesia trên sân Mỹ Đình.
Theo nhà cầm quân người Thái này, thầy trò Hữu Thắng thua là bởi không hiểu vì lý do gì lại tự nhiên chuyển từ lối chơi tấn công nhịp nhàng, chững chạc và điềm tĩnh sang lối chơi vội vàng, hấp tấp, để rồi phải chơi rắn và mất tập trung.
Rất nhiều năm về trước, nhà văn Vũ Bão đã viết truyện ngắn "Người chưa có chiến công", kể về anh lính Giang Văn Rãng. Đoạn cuối của truyện ngắn ấy là thế này:
"Từ trước đến giờ, mỗi lần bắt tay vào việc, Rãng vẫn chuẩn bị chu đáo đến mức người ngoài cuộc tưởng rằng anh chẳng bao giờ gặp khó khăn. Thật ra, anh chẳng bao giờ tự gây thêm khó khăn cho mình để rồi sau đó lại dũng cảm khắc phục hậu quả do chính bệnh cẩu thả của anh vừa gây ra để lập một chiến công nổi bật hơn anh em khác trong đại đội".
Nếu như người Thái, hay nói riêng HLV trưởng Kiatisak là Giang Văn Rãng, thì đội tuyển Việt Nam của HLV Hữu Thắng đích thực là "anh em khác trong đại đội".
Trên Mỹ Đình tối 7/12, thầy trò HLV người Hà Tĩnh Việt Nam đích thực đã lập một chiến công nổi bật sau khi ghi 2 bàn trong thế mất người, để đẩy Indonesia bước vào hiệp phụ. Hai bàn thắng ấy đã làm nổ tung cầu trường, trước khi nhận thất bại thảm hại.
Trên Mỹ Đình hôm ấy, rất nhiều quyết định của Hữu Thắng là quyết định phi chuyên môn, từ bố trí đội hình, cho đến thay đổi lối chơi như Kiatisak đã phân tích, và đỉnh điểm là quyết định xua quân "ăn thua đủ" với Indonesia ở hiệp phụ, trong tình trạng mất người, mất thủ môn, toàn đội kiệt sức sau 90 phút thi đấu chính thức.
Nhưng không có những sai lầm đấy, thì chắc gì người hâm mộ Việt Nam đã có được giây phút vỡ òa đầy tự hào. Thử hỏi, nếu đội tuyển Việt Nam hòa 0-0, hay thậm chí thắng 1-0, để rồi thua tan nát Thái Lan trong 2 trận chung kết như Myanmar vừa rồi ở bán kết, thì lấy đâu ra những giây phút "quý hơn kim cương" ấy để tặng cho người yêu bóng đá nước nhà.
Đêm đấy, những giọt nước mắt của Hữu Thắng là những giọt nước mắt kim cương, là giọt lệ làm tối đen cả đất trời. Sai lầm của những Đình Đồng, Nguyên Mạnh, Đình Luật, Quế Ngọc Hải... và trên hết là của Hữu Thắng thì đã rõ, nhưng không có những sai lầm ấy, người ta làm sao hiểu hết được giá trị chiến công mà những Văn Thanh, Vũ Minh Tuấn đem lại?
Người hâm mộ Việt Nam liệu yêu cái giây phút vỡ òa trong vui sướng ấy, hay yêu cái lối đá nhuần nhuyễn, mạnh mẽ đến dửng dưng của người Thái, cứ đá là thắng, chưa đá đã biết kết quả của thầy trò Kiatisak hơn?
3. Phát biểu sau trận, HLV Alfred Riedl đã mong VFF không sa thải HLV Hữu Thắng. Ông thầy cũ của bóng đá Việt đã sai, ông chẳng hiểu gì về bóng đá và con người Việt Nam cả. Có lẽ ngày xưa, đấy cũng là lý do ông thất bại và phải ngậm ngùi khăn gói rời Việt Nam.
VFF sẽ không bao giờ sa thải HLV Hữu Thắng, sau những cảm xúc trào dâng hiến tặng cho người hâm mộ. Những giọt nước mắt, lời phát biểu: "Tôi đã thoáng qua trong đầu ý nghĩ từ chức" chỉ làm người hâm mộ cả nước càng giang rộng vòng tay để ôm Hữu Thắng vào lòng hơn mà thôi.
Hơn thế, việc đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi trận chung kết AFF Cup, thực tế chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.
Nếu đánh giá cao khả năng bước qua được Indonesia để bước vào chung kết, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã chẳng vội vàng trao phần thưởng đến 1 tỷ đồng cho đội tuyển ngay trước trận lượt đi cả, cũng như Công Vinh sẽ chẳng bao giờ khóc ngay trước trận lượt về, bởi nước mắt ấy phải dành cho trận chung kết.
AFF Cup 2016: Việt Nam 2-2 Indonesia
Trên mạng xã hội, người ta đang chia sẻ với nhau một câu chuyện gây xúc động. Chuyện về một bà già ăn cắp, bị xét xử. Quan tòa quyết định phạt bà 1.000 đồng, nhưng bắt mọi người có mặt tại phiên tòa mỗi người nộp 100 đồng, vì đã để cho bà già nghèo khổ đến mức phải đi ăn cắp. Kết lại, sau khi nộp phạt, bà cụ vẫn thừa một số tiền để không phải đi ăn cắp nữa.
Câu chuyện nhận được rất nhiều sự đồng cảm, nhiều like và chia sẻ. Rất nhiều người yêu bóng đá Việt Nam đã trách móc đội tuyển vì những sai lầm liên tục và trở thành hệ thống của hàng thủ trong thời gian HLV Hữu Thắng cầm quân. Nhưng nếu người ta đồng cảm, chia sẻ về một câu chuyện không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, sao không thể đối xử như thế với những con người bằng xương bằng thịt, đồng bào của mình?
Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra đi nữa, có bao giờ người hâm mộ Việt Nam tự hỏi tại sao lại để các tuyển thủ quốc gia phải hành động như thế, và liệu họ có giang rộng vòng tay như vị quan tòa kia, để các cầu thủ của chúng ta không phải tủi thân không?
4. Hữu Thắng đã bảo vệ các học trò của mình một cách vô điều kiện khi nhận hết lỗi về mình, đứa ra chịu mọi trách nhiệm với người hâm mộ, thậm chí đã khóc. Đã lâu lắm rồi, người Việt mới được chứng kiến một đội tuyển trò vì thầy, thầy vì trò đến thế.
Niềm tin tuyệt đối của Hữu Thắng với các học trò, dù cho lần lượt Đình Luật, Quế Ngọc Hải, Đình Đồng, rồi Nguyên Mạnh đưa đội tuyển vào thế khó, thậm chí vùi dập niềm hi vọng của cả nước xuống bùn đen là điểm sáng, là điều còn quý hơn mọi tấm huy chương AFF Cup, hay SEA Games. Đấy là điều đáng quý, là vốn liếng đáng trân trọng của đội tuyển dưới thời HLV này.
Chiến dịch chuẩn bị cho SEA Games 2017 đã bắt đầu. Ở đấu trường khu vực, khi lại phải đối đầu với những Thái Lan, Indonesia, Malaysia... một lần nữa, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ là sự kết hợp giữa lứa U19 vừa đoạt hạng 3 châu Á với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh - những chiến tướng đã được giũa rèn dưới tay Hữu Thắng.
Ngay lúc này, thay vì tiếc nuối, trách móc, hãy trao ngay lứa U19 cho Hữu Thắng, để học được lối đá không chỉ bằng kỹ thuật, chiến thuật hay nền tảng thể lực, mà còn phải thi đấu bằng niềm tin.
Nếu Hữu Thắng đã đặt niềm tin tuyệt đối vào những Quế Ngọc Hải, Đình Đồng, Đình Luật, Nguyên Mạnh... thì người hâm mộ hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào Hữu Thắng, dù cho HLV này có xây dựng đội tuyển theo kiểu làng Triều Khúc, bởi xét cho cùng, cái đích cuối cùng bóng đá là niềm vui, chứ chẳng phải những tấm huy chương...