1. Hơn 16 năm trước, Man United đã làm nên lịch sử với trận đấu giao hữu cùng Sporting Lisbon, mà ở đó họ mở ra một kỷ nguyên của Quỷ đỏ có sự góp mặt của một siêu sao bóng đá lừng lẫy tầm thế thế giới.
Hơn 17 năm trước, Man United khi đó thực hiện một thỏa thuận hợp tác với Sporting Lisbon, chia sẻ kinh nghiệm về tuyển trạch, huấn luyện và phát triển cầu thủ. Song mục đích thực sự của Quỷ đỏ là giành quyền được là đội bóng đầu tiên tiếp cận đầu tiên với những tài năng trẻ của CLB này, mà đích ngắm tối thượng đã được vạch ra: Cristiano Ronaldo.
Trận giao hữu với Sporting Lisbon hơn 16 năm về trước để khai trương sân vận động mới của CLB này, Sir Alex đồng ý cũng là vì Ronaldo.
Với các cầu thủ Man United, như Silvestre từng ca cẩm: "Không còn ai trong chúng tôi để tâm đến trận đấu này nữa, khi phải bay từ New York về Lisbon đêm ngay trước trận đấu, và 4g sáng vẫn loanh quanh trước sảnh khách sạn. Chúng tôi chỉ muốn chơi xong cho nhanh rồi về", nhưng với Sir Alex và Man United, nó là trận đấu quyết định để có được Ronaldo.
Không hề là "bất chợt" khi Quỷ đỏ bỏ ra đến hơn 12 triệu bảng Anh để mua Ronaldo cực kỳ chớp nhoáng, với việc Sir Alex nhờ Albert Morgan - người chuẩn bị trang phục cho đội chạy lên khán đài gọi giám đốc điều hành Man United - Peter Kenyon, xuống ngay trong giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp để trực tiếp truyền thông điệp: "Chúng ta sẽ không rời sân nếu chưa ký được hợp đồng với thằng nhóc này!".
Bởi từ khi Ronaldo chuyển đến Sporting Lisbon ở tuổi 12, anh đã có tên trong các báo cáo đầy ắp những đánh giá cao về tài năng trẻ hiếm có gửi về các CLB lừng danh châu Âu. Cả châu Âu khi đó đã râm ran cậu chuyện về một cậu nhóc Bồ Đào Nha có tất cả: tốc độ, sức mạnh, sự cân bằng và khả năng qua người thượng thừa.
Mùa hè năm 2002 - ở tuổi 17, khi Ronaldo quyết định chọn Jorge Mendes làm người đại diện mới cho mình, cả Valencia, Liverpool, Juventus, Inter Milan, Parma lẫn Barcelona đều dõi theo và sẵn sàng nhảy vào "xâu xé" cậu.
Thậm chí đầu năm 2003, Ronaldo đã đến Bắc London để gặp trực tiếp HLV Arsene Wenger, và tham quan sân bãi của Arsenal.
Suýt nữa thì Ronaldo đã lọt vào tay HLV Arsene Wenger.
Cậu chuyện vì sao Man United lại "nẫng" được Ronaldo trước mũi các "ông lớn" châu Âu khác, có lẽ thông tin từ đầu bài đã phần nào giải đáp được. Nhưng tại sao đến tận lúc ấy Sir Alex mới quyết định mua Ronaldo, để rồi phải trả cho Sporting Lisbon cái giá tạo nên kỷ lục của bóng đá Anh bỏ ra mua một cầu thủ trẻ?
2. Bởi với Sir Alex, tài năng chưa phải là tất cả, mà với ông, để một cầu thủ có thể phát triển được trong môi trường của Man United, điều quan trọng nhất là sự thích nghi. Với ông, sự nóng vội khi đưa một cầu thủ trẻ đến với đội hình 1 của Quỷ đỏ có thể "giết chết" tài năng của họ, bởi áp lực cực kỳ kinh khủng ở đây.
Như Jesse Lingard, Sir Alex từng gọi riêng anh và gia đình đến gặp mình để tâm sự: "Tôi đặt niềm tin vào cậu. Nhưng cậu phải kiên nhẫn. Cậu chưa sẵn sàng ra sân ở đội một, cậu phải chờ cho đến 22, 23 tuổi".
Hơn 16 năm về trước, trước cả trận giao hữu ấy, một bản hợp đồng mua Ronaldo đã từng được đặt lên bàn của Sir Alex, nhưng chi tiết của bản hợp đồng ấy nói rằng Man United mua Ronaldo, nhưng sau đó cho Sporting Lisbon mượn lại một mùa, để cậu có đủ thời gian trưởng thành và thích nghi với bóng đá chuyên nghiệp.
Trận giao hữu ấy, màn trình diễn ấy của Ronaldo khiến Sir Alex đổi ý, lập tức muốn đem anh về Old Trafford ngay, nhưng ngay trên bàn đàm phán đêm ấy, ông cũng đã có một thỏa thuận với Jorge Mendes rằng Ronaldo rất có thể sẽ không được ra sân hàng tuần, dù chắc chắn được chơi cùng đội 1. Bởi Ronaldo sẽ phải điều chỉnh lối chơi cho phù hợp với Man United, đồng thời phải chứng minh rằng mình thực sự thích nghi được với Old Trafford.
Bên cạnh đó, ông cũng có một lời hứa với người đại diện của Ronaldo, rằng Old Trafford sẽ chăm sóc cậu chu đáo nhất có thể.
Người ta chỉ thấy Ronaldo được "chào sân" ở Man United chỉ 10 ngày sau trận giao hữu giữa Man United và Sporting Lisbon năm ấy, mà ít người biết rằng CR7 hòa nhập cực nhanh với Quỷ đỏ trên sân tập, với sự tự tin đáng ngạc nhiên, khác hẳn với vẻ ngoài nhút nhát ngoài sân cỏ.
Mark Lynch - cựu hậu vệ của Man United, từng nhận xét: "Cậu ấy chẳng còn chút ngượng ngập nào cả. Cậu ấy bước vào CLB, bước vào sân tập như thể đã ở đây từ lâu lắm rồi. Tôi đã thấy rất nhiều chàng trai trẻ lo lắng và sợ hãi khi chơi bóng bên cạnh các siêu sao, nhưng với Ronaldo, thì cậu ấy đã là một thành viên của chúng tôi, cậu ấy làm rất tốt".
Nên nhớ rằng, ngày ấy Ronaldo đến một chữ tiếng Anh bẻ đôi còn chưa biết.
Ngày ấy, Ronaldo đến với Man United - một trong những CLB lẫy lừng nhất châu Âu từ Bồ Đào Nha, nơi có nền bóng đá kém hẳn so với Premier League. Nó có khá nhiều điểm tương đồng với việc Văn Hậu chuyển sang thi đấu cho Heerenveen - bước từ một nền bóng đá kém hơn, đến một CLB chuyên nghiệp hơn hẳn.
Và những gì Heerenveen đang làm với Văn Hậu cũng có rất nhiều nét tương đồng với Sir Alex làm với Ronaldo ngày nào. Đội bóng của HLV Johnny Jansen đang chăm sóc Văn Hậu cực kỳ chu đáo, và đang làm rất tốt giúp tuyển thủ Việt Nam này hòa nhập với đội bóng Hà Lan.
Nhưng cũng như Sir Alex ngày nào, HLV Johnny Jansen không vội đẩy cầu thủ trẻ ra "tuyến lửa", dù vẫn cho Văn Hậu vị trí trên ghế dự bị. Sự hòa nhập mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải "thành tích" để đáp ứng sự mong mỏi của người hâm mộ anh.
Theo thông tin mới nhất, để tạo điều kiện cho Đoàn Văn Hậu sớm có được thể trạng tốt nhất cũng như nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, Heerenveen sẽ thuê chuyên gia dinh dưỡng, trợ lý ngôn ngữ cho hậu vệ tài năng đến từ Việt Nam trong vài ngày tới.
Theo dõi những trận đấu vừa qua của Heerenveen, cả ở cấp độ đội 1 hay dự bị, dễ dàng nhận thấy về mặt chuyên môn, nó khác "một trời một vực" với lối chơi bóng tốc độ chậm của V.League. Nếu tung Văn Hậu vào sân ở các trận đấu thuộc giải VĐQG Hàn Lan, khả năng hậu vệ trẻ này bị "ngợp" là khá cao, và nếu dính lỗi, điều đó chắc hẳn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của anh.
Văn Hậu vui vẻ ăn mừng chiến thắng của Heerenveen cùng các đồng đội
Bên cạnh đó, ngoài việc Lucas Woudenberg - hậu vệ cánh trái của Heerenveen đang chơi rất tốt, thì lối chơi của Văn Hậu và đội bóng Hà Lan vẫn còn sự vênh nhau, và có lẽ trong thời gian tới, cầu thủ trẻ Việt Nam vẫn cần phải có sự điều chỉnh nhất định để phù hợp hơn với các đồng đội.
Nên nhớ, Văn Hậu mới đặt chân đến với Heerenveen có hơn 10 ngày, nên dù cho cực kỳ quyết tâm và hòa nhập tương đối suôn sẻ với đội bóng mới, thì vẫn cần thêm nhiều thời gian để có được bước khởi đầu tốt nhất ở đây. Và dù có sốt ruột đến mấy, người hâm mộ cũng nên để cho Heerenveen quyết định thời điểm thích hợp để ra mắt Văn Hậu.
Dù gì đi nữa, Văn Hậu cũng chỉ mới có 20 tuổi, và còn cả một tương lai hứa hẹn phía trước cơ mà! Vội gì...