Khi đưa ra quyết định vào chiều thứ Ba (9/5), ông Trump không gọi cho Comey. Thay vào đó, Tổng thống yêu cầu nhân viên mật vụ thân tín đem lá thư sa thải đựng trong phong bì tới trụ sở FBI.
Hai cố vấn cho biết, Trump cảm thấy giận dữ trước vụ điều tra về nghi án nhóm vận động tranh cử của ông liên lạc với Nga, và cảm thấy bực bội vì không thể kiểm soát được cơn bão dư luận xoay quanh vụ việc này.
Trump liên tiếp hỏi các cộng sự rằng tại sao cuộc điều tra này không biến mất, và yêu cầu họ lên tiếng thay cho ông. Một cố vấn cho hay, có vài lúc Trump còn hét về phía chương trình TV nhắc đến cuộc điều tra này.
Việc sa thải giám đốc FBI vào ngày thứ 110 kể từ khi nhậm chức đã đánh dấu tiếp một bước chuyển mình nữa, sau khi chính quyền Trump sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates và Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Ông Comey tỏ ra khá sốc khi nhìn thấy tin mình bị sa thải trên TV trong lúc đang phát biểu tại văn phòng FBI ở Los Angeles. Các quan chức cấp cao khác biết tin này ngay trước khi nó bắt đầu xuất hiện trên truyền thông - trước đó họ không hề hay biết Trump cân nhắc việc sa thải Comey.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói: "Điện thoại của chúng tôi đều rung và ai cũng nói, có chuyện gì thế?"
Qua việc loại bỏ vị giám đốc FBI đang điều tra các cộng sự và nhóm vận động tranh cử của mình, Trump có thể đã đổ thêm dầu vào đống lửa mà ông đang gắng sức kiểm soát. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse cho biết, "Thời điểm vụ việc này vỡ lở rất đáng lo ngại."
Tin tức sa thải dường như đã khiến toàn bộ Nhà Trắng bất ngờ. Trump thực hiện nhiều cuộc gọi vào khoảng 17h để tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sĩ. Quan chức Nhà Trắng cho rằng đây sẽ là tình huống có lợi cho cả đảng Dân chủ và Cộng hòa vì cả hai phe đều không hài lòng với ông James Comey.
Tuy nhiên, lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer lại nói với Trump rằng ông đang mắc sai lầm lớn - và Trump có vẻ "hết sức ngạc nhiên", theo một nguồn thạo tin.
Đến tối thứ Ba (9/5), Tổng thống Trump theo dõi tin tức về quyết định của ông và cảm thấy hết sức bực bội vì không có ai biện hộ hay ủng hộ quyết định của ông, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Thay vào đó, các cố vấn đang đổ lỗi cho nhau vì không lường trước được mức độ nghiêm trọng của sự việc khi mọi chuyện bắt đầu bùng nổ.
Hai quan chức Nhà Trắng cho biết gần như không có chiến lược truyền thông gì trong vụ việc này, và nhiều người phải vội vã chuẩn bị cho kịp giờ lên sóng vào phút cuối.
Tại trụ sở chính của FBI, một quan chức cấp cao cho biết cơ quan này đang trong tình trạng tạm ngưng, không trả lời hàng trăm cuộc điện thoại từ truyền thông và đưa toàn bộ câu hỏi phỏng vấn sang cho Bộ Tư pháp.
Đến tối thứ Ba (9/5), cú sốc đang lan rộng trong hàng ngũ quan chức và cựu quan chức FBI đan xen với cảm giác giận dữ ngày một lớn từ những người trung thành với ông Comey, khiến họ yêu cầu câu trả lời tại sao vị giám đốc FBI lại bị sa thải vào lúc này.
Hiện chưa có ứng viên nào thay thế vị trí của ông Comey. "Nếu có danh sách thì tôi chưa thấy," một quan chức Nhà Trắng cấp cao cho biết. Tổng thống Trump cũng cam kết giám đốc FBI tiếp theo "sẽ tốt hơn rất nhiều".