Hậu phán quyết Biển Đông: TQ giơ tập séc, EU hạ giọng thì thào

Thi Anh |

Thông cáo của EU đã được Hoàn Cầu đưa tin là "hầu như toàn bộ châu Âu đều giữ lập trường trung lập". Rõ ràng, Bắc Kinh hài lòng với thông cáo này.

Với EU, tranh chấp biển Đông là một vấn đề phức tạp, cần phải cẩn trọng.

Khối này không muốn gây bất mãn cho Trung Quốc, đối tác kinh tế, an ninh của mình. Nhưng EU cũng phụ thuộc vào mối quan hệ với Mỹ và mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản, cường quốc kinh tế thương mại của thế giới, cũng như nhóm kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng Đông Nam Á.

Ngày 11/3, Brussels ra thông cáo công khai lập trường ủng hộ luật pháp quốc tế thực thi ở biển Đông. Thông cáo ngắn ngủi này đã khiến Bắc Kinh khó chịu dù theo các nhà quan sát, văn kiện "không nhắm tới bên nào, không đưa ra thực tế, cũng không gây áp lực ngoại giao".

Thế nhưng, thông cáo EU đã ra sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7, sự kiện được giới nghiên cứu đánh giá là diễn biến quan trọng nhất ở Biển Đông trong năm nay thậm chí còn không được như vậy.

Chiến lược chia rẽ

Theo Ling Shengli, học giả của Đại Học Đối ngoại (Bắc Kinh), chiến lược chia rẽ (wedge strategy) là công cụ mà một quốc gia (hoặc một nhóm quốc gia) sử dụng để ngăn chặn sự hình thành của một liên minh thù địch với mình hoặc chia rẽ, phá hủy, làm sụp đổ một liên minh thù địch sẵn có.

Sự xói mòn chậm rãi trong những giá trị của châu Âu cũng như việc họ mất khả năng sát cánh bên nhau và nói một tiếng nói chung dựa trên luật pháp đã góp phần vào cấu trúc đang tan rã của cơ chế quản trị toàn cầu.

Theo nhà phân tích Theresa Fallon của Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP), chiến lược chia rẽ (wedge strategy) của Bắc Kinh tại châu Âu là thắng lợi mà không cần đổ máu.

EU "xuống nước"

Sau khi PCA ra phán quyết, phải mất 3 ngày tranh luận kéo dài, EU mới cho ra được thông cáo. Trái với kỳ vọng của giới phân tích, EU không "ủng hộ" hay "hoan nghênh" phán quyết mà chỉ dùng từ "công nhận". Ba quốc gia thành viên EU: Hy Lạp, Hungary và Croatia còn phản đối sử dụng ngôn từ mạnh mẽ.

Học giả Peter Dutton, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Đại học Hải chiến Mỹ, đã phân tích thông cáo của EU.

Ông Dutton chỉ ra rằng thông cáo của EU kêu gọi các bên "làm rõ yêu sách của mình và theo đuổi yêu sách theo đúng luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)".

Luận điểm này chỉ có thể hướng đến Trung Quốc bởi các quốc gia khác có liên quan tới tranh chấp đều tỏ rõ rằng họ hoàn toàn tuân thủ UNCLOS. Theo Duntton, thông cáo đã chừa lại một lỗ hổng, rằng yêu sách có thể dựa vào các luật quốc tế khác ngoài UNCLOS.

Thông cáo của EU sau đó đã được Hoàn Cầu đưa tin là "hầu như toàn bộ châu Âu đều giữ lập trường trung lập". Rõ ràng, Bắc Kinh hài lòng với thông cáo này.

Một ngày sau thông cáo của EU, Hungary ra thông cáo riêng, nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng các nước nên giải quyết tranh chấp "thông qua đối thoại trực tiếp" và "các áp lực lẫn can thiệp từ bên ngoài có thể gây tác dụng không mong muốn cho tình thế hiện tại".

Nghệ thuật quản trị kinh tế (sử dụng yếu tố kinh tế để tác động đến ngoại giao và ngược lại) của Bắc Kinh đã có hiệu quả.

Trung Quốc "đi đêm"

Trước khi PCA ra phán quyết, giới phân tích đã hình dung ra một thông cáo chung đầy mạnh mẽ giữa Mỹ và EU để khuếch đại mức độ ủng hộ cho phán quyết PCA. Dự đoán trước được điều này, như Đại sứ Trung Quốc tại EU Yang Yanyi nói, Trung Quốc đã nhắm tới mục tiêu trung lập hóa EU trong các cuộc thảo luận về biển Đông.

Hậu phán quyết Biển Đông: TQ giơ tập séc, EU hạ giọng thì thào - Ảnh 2.

Đại sứ Trung Quốc tại EU Yang Yanyi.

Bắc Kinh đã nỗ lực bí mật tác động nhằm hạ uy tín của Tòa trọng tài thường trực, tăng cường sự ủng hộ cho yêu sách của mình và phản đối ngay khi phán quyết được công bố.

Tại hội nghị G7 hồi tháng 5, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk đã tuyên bố rằng, Liên minh châu Âu cần thể hiện lập trường rõ ràng và mạnh mẽ đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Sau thông cáo về an ninh hàng hải của G7, hoạt động hành lang của Trung Quốc đối với các nước thành viên EU trở nên dày đặc hơn.

Hy Lạp, Hungary và Croatia là những quốc gia nhận đầu tư của Trung Quốc thông qua sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Bắc Kinh.

Tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Ba Lan và Croatia. Đầu tháng 7, Tổng thống Hy Lạp Alexis Tsipras công du Bắc Kinh và bàn thảo vấn đề này với các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Các hoạt động liên lạc được khởi động theo cấp số nhân.

Ngoài "miếng mồi" kinh tế, Croatia còn có lý do khác. Nước này vốn đang tranh chấp biên giới với Slovenia và cũng đang đợi phán quyết. Croatia cho rằng phán quyết đó sẽ không nghiêng về phía mình nên không muốn kêu gọi thực thi phán quyết.

Lối ngoại giao kiểu "sổ chi phiếu" của Trung Quốc đã thu về thành quả. Đó là sự chia rẽ dẫn tới thông cáo yếu ớt của EU về phán quyết biển Đông. Và mặc dù lần này chỉ có 3 quốc gia thành viên lên tiếng thì về sau, các quốc gia khác được lợi từ nguồn đầu tư Trung Quốc hoàn toàn có thể đóng vai trò tương tự trong các cuộc thảo luận của khối trong tương lai.

Nhà phân tích Theresa Fallon nhận xét: Phản ứng của EU đối với phán quyết PCA gây thất vọng sâu sắc, đặc biệt khi EU coi mình là một trong những cộng đồng ủng hộ luật pháp quốc tế mạnh mẽ nhất.

Trong khi khối này đang tiến dần theo con đường thực dụng thay vì gìn giữ các nguyên tắc nền tảng của mình, thông cáo yếu ớt, xuống nước về phán quyết PCA nhắc cho chúng ta một điều, rằng giờ đây EU không thể nói chung một tiếng nói đối với những vấn đề quan trọng liên quan tới Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại