Liên quan vụ "hóa kiếp" xe Lexus 570 biển trắng thành xe biển xanh cho ông Trịnh Xuân Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng, nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết Tỉnh ủy đã hoàn thành báo cáo theo chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chiều cùng ngày, Tỉnh ủy cũng phân công một tổ công tác do ông Huỳnh Thanh Tạo - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy - dẫn đầu ra Hà Nội làm việc và báo cáo vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh cho Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Báo cáo chủ yếu nhận xét quá trình làm việc từ khi ông Thanh được luân chuyển vào Hậu Giang. Báo cáo nhận xét ông Thanh hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp cho địa phương nhưng cũng chỉ ra mặt hạn chế về phong cách của ông Thanh.
“Ông Thanh làm lãnh đạo doanh nghiệp khi chuyển qua làm lãnh đạo chính quyền thì phong cách chưa phù hợp, cần được chấn chỉnh” - nguồn tin này cho hay.
Đề nghị xem xét nhiều vấn đề liên quan
Từ câu chuyện chiếc xe, nhiều người cho rằng cần phải xem lại quy trình luân chuyển cán bộ của ông Thanh, đặc biệt là nên xem xét cả tư cách đại biểu Quốc hội của ông này.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, nói: “Tôi rất mừng khi Tổng bí thư chỉ đạo kiểm tra vụ xe tư nhân gắn biển xanh của ông Trịnh Xuân Thanh.
Tổng bí thư đã nhiều lần nói về tình trạng chạy chức, chạy quyền nhưng lần này ông đề cập tới một con người cụ thể. Đặt vấn đề ông Thanh để điều tra là hoàn toàn đúng vì ông này có nhiều chuyện quá.
Chuyện ông Thanh không chỉ là cái xe biển xanh mà còn vấn đề khác.
Chẳng hạn khi làm ở ngành dầu khí, ông ấy làm thất thoát trong xây dựng cơ bản của ngành dầu khí bao nhiêu, ông ấy chịu trách nhiệm thế nào trong thất thoát đó...
Những vấn đề này phải kiểm tra, phải có kết luận cho kỹ”.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, ông Thanh là trường hợp cán bộ trung ương luân chuyển về địa phương. Chủ trương luân chuyển cán bộ là tốt, nhưng luân chuyển thế nào cho đúng nhân tài lại là vấn đề.
“Đừng có nấp dưới chuyện luân chuyển để chạy chức, chạy quyền. Tôi biết họ chạy ai, chạy cỡ nào nhưng chuyện này hạ hồi sẽ phân giải.
Từ dầu khí ông Thanh chạy sang Bộ Công thương, từ Bộ Công thương đi luân chuyển, rồi giờ vào Quốc hội. Mà đi luân chuyển thì hiểu là để lên chức cao hơn. Vậy ai chịu trách nhiệm cho ông ấy đi luân chuyển? Câu chuyện này là câu chuyện đáng quan tâm” - ông Hương nhấn mạnh.
Cần làm rõ quy trình bổ nhiệm ông Thanh
Ông Thanh nằm trong danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Hậu Giang thì bây giờ xử lý thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Hương nói: “Tôi cho rằng phải kiểm tra xem như thế thì ông Thanh còn đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội không.
Cử tri người ta không biết, chỉ thấy trung ương giới thiệu đây là trường hợp cán bộ trung ương luân chuyển nên họ nghĩ là tốt.
Ông Thanh được tiếng trung ương giới thiệu luân chuyển nên coi như được gắn tem bảo đảm. Nhưng nếu kiểm tra thấy có vấn đề thì phải bác tư cách đại biểu Quốc hội.
Với tư cách một cử tri, tôi không bỏ phiếu cho ông Thanh, tôi thấy ông Thanh không đủ tư cách là đại biểu Quốc hội vì tôi đã theo dõi và biết ông Thanh. Do đó, tốt nhất là ông Thanh nên tự xin rút”.
Đồng tình với ông Hương, đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến cũng cho rằng từ vụ việc cấp biển số xanh sai quy định cho chiếc xe Lexus 570 của ông Trịnh Xuân Thanh, cơ quan có trách nhiệm nên tiến hành đối chiếu các quy định của pháp luật xem ông Thanh có đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội không.
“Việc cấp biển số xanh cho xe tư như vậy là sai quy định. Lẽ ra là lãnh đạo đi luân chuyển thì anh phải gương mẫu, đằng này anh lại chơi sang, thách thức dư luận, như vậy là lối sống có vấn đề.
Tuy ông Thanh vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhưng với những vấn đề dư luận đặt ra, Tổng bí thư cũng chỉ đạo làm rõ, cơ quan có trách nhiệm cần đối chiếu với quy định của pháp luật xem ông Thanh có đủ phẩm chất, đạo đức, tiêu chuẩn của một đại biểu Quốc hội không.
Đặc biệt là phải làm rõ quy trình bổ nhiệm ông Thanh từ lãnh đạo tổng công ty làm ăn thua lỗ cả ngàn tỉ đồng lại chuyển sang làm quan chức” - ông Tiến phân tích.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cơ quan này đã tiếp nhận thông tin về vụ việc Tổng bí thư chỉ đạo làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, việc có hay không xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Thanh thì phải đảm bảo quy trình pháp luật, ít nhất là phải chờ các cơ quan có trách nhiệm làm rõ, kết luận những nội dung Tổng bí thư yêu cầu.
“Hiện nay chưa có kết luận chính thức nào liên quan đến vụ việc này nên chúng tôi chưa tiến hành xem xét. Chúng tôi cũng chưa nhận được đơn từ khiếu nại, tố cáo nào về ông Thanh cho đến thời điểm này” - vị này cho hay.
Ông Trịnh Xuân Thanh là ai?
Ông Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966, quê quán Đông Anh, Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1990. Sau khi học xong, ông Thanh sang Đông Âu làm ăn, năm 1995 mới về nước.
Từ năm 1996-2000, ông Thanh được bổ nhiệm làm phó giám đốc Công ty Detesco của Trung ương Đoàn. Năm 2000-2004, ông được giữ chức phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng công ty Sông Hồng.
Từ năm 2005-2007, lần lượt được cất nhắc làm phó tổng rồi tổng giám đốc của Tổng công ty Sông Hồng.
Cuối năm 2007, ông chuyển về Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Tại đây, ông lần lượt được cất nhắc giữ chức tổng giám đốc rồi chủ tịch hội đồng quản trị PVC.
Tháng 9-2013, ông Thanh được bổ nhiệm phó chánh văn phòng Bộ Công thương kiêm trưởng đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Trước khi được trung ương luân chuyển về Hậu Giang giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, ông Thanh là vụ trưởng, chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
Ngày 13-5-2016, tại phiên họp HĐND tỉnh Hậu Giang bất thường, nhiệm kỳ 2011-2016, ông Trịnh Xuân Thanh được bầu làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh là người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV với tỉ lệ cao nhất tỉnh.