Trước việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU, thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo nước Anh nếu vẫn muốn tiếp cận thị trường chung tại Châu Âu thì phải chấp nhập quyền tự do di chuyển của công dân trong khu vực.
Phát biểu trước quốc hội Đức, bà Merkel đã tuyên bố "Nếu nước nào muốn tiếp tục hưởng quyền lợi từ khối thị trường chung thống nhất thì cũng phải có nghĩa vụ thực thi hết những trách nhiệm của 1 nước thành viên… trong đó có việc chấp nhận quyền tự do di chuyển của người, hàng hóa, dịch vụ và vốn giữa các nước nội khối"
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Anh David Cameron tới Brussels tham dự cuộc họp cuối cùng với Hội đồng Châu Âu. Bà Merkel không quên nhấn mạnh rằng Anh sẽ không được quyền lựa chọn những nghĩa vụ nào và nghĩa vụ nào không tuân theo.
Còn tại Anh, thủ tướng Cameron phát biểu trước quốc hội nước này đã khẳng định Anh có nhiều lợi thế nếu ở lại thị trường chung Châu Âu.
Trước khi rời Anh tới Brussels, ông Cameron đã tuyên bố "Mặc dù nước Anh quyết định rời bỏ EU nhưng không nghĩa chúng ta sẽ quay lưng lại với Châu Âu. Các nước này là hàng xóm, bạn bè, đồng minh và đối tác của nước Anh.
Tôi rất hi vọng chúng ta sẽ thiết lập được một quan hệ thân thiết nhất mức có thể với EU trong lĩnh vực thương mại và an ninh, bởi vì điều này có lợi không chỉ cho nước Anh mà còn cho các nước EU nữa". Phát biểu này cũng nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính George Osborne.
Tuy nhiên, nội các Anh đang chứng kiến sự chia rẽ lớn trong quan điểm giữa các thành viên về tính chất mối quan hệ của nước này với EU thời hậu Brexit.
Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt đã từng bóng gió đề cập về quy chế "Nauy mở rộng" trong đó Anh sẽ vẫn tiếp tục hưởng lợi từ thị trường chung thống nhất giống như các nước tại vùng Scandinavi nhưng sẽ áp dụng giới hạn việc tự do đi lại giữa nước.
Theo ông Hunt, nước Anh cần đạt được một thỏa thuận tương tự như vậy với EU để đảm bảo sự đồng thuận hoàn toàn từ người dân trong nước trước khi khởi động quá trình rút lui kéo dài 2 năm theo điều 50.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị thủ tướng Merkel bác bỏ thẳng thừng và khẳng định sẽ không bao giờ có cuộc đàm phán theo hướng đó.
Bà Merkel còn khuyên nước Anh nên duy trì vị trí là đối tác và 1 người bạn với EU sau khi rời bỏ khối này và một lần nữa bác bỏ khả năng tiến hành đàm phán không chính thức trước khi điều khoản 50 chính thức được khởi động.
Một khả năng thường được cựu thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson đề cập tới, nhân vật đang được đánh giá khả năng cao sẽ thay thế ông David Cameron vào tháng 9 tới.
Phản ứng của nguyên thủ EU về vấn đề đàm phán với nước Anh, tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng EU "không nên chờ đợi thêm làm gì" mà không hoạch định các kế hoạch cho tương lai mà không có sự tham dự của nước Anh.
Còn phía Hà Lan, đất nước cũng đang đối mặt với nguy cơ về 1 cuộc bỏ phiếu rời bỏ EU, cho rằng "sẽ không khôn ngoan nếu việc ra đi diễn ra quá vội vã, nên cho nước Anh thêm thời gian chuẩn bị mọi thứ".
Chủ tịch hội đồng Châu Âu Jean Claude Junker thông báo các quan chức tại Brussels đã nhận được chỉ thị không được phép tiến hành bất cứ một cuộc đàm phán bí mật nào với Anh.
Ông nhấn mạnh sẽ tôn trọng ý kiến người dân Anh và khẳng định mọi việc liên quan tới vấn đề này cần phải diễn ra có trật tự và theo đúng quy định trong khối. Giới chức Anh nhận định các cuộc đàm phán giữa ông Cameron và lãnh đạo EU sẽ diễn ra ôn hòa và tính xây dựng.
Hôm nay, thị trường tài chính thế giới đã có dấu hiệu hồi phục sau những biến động lớn trong những ngày qua hệ quả từ sự kiện Brexit.
Chỉ số chứng khoán FTSE tại Anh đã bật tăng 2,6% sau khi lượng tài sản trị giá tới 100 tỉ bảng Anh của các tập đoàn lớn tại nước này đã bốc hơi khỏi thị trường ngay sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Đồng bảng Anh tăng 0,7% lên mức 1,33 USD/ bảng sau khi đã rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 3 thập niên hồi đầu tuần này.