Hậu Brexit: Bóng đá Anh rất khó khăn

Đông Linh |

Bản quyền truyền hình cao ngất ngưởng sắp bị mất giá, 65% lượng cầu thủ trở thành ngoại binh và các CLB mất sức mạnh cạnh tranh ở đấu trường châu Âu là những nguy cơ đang dần hiện hữu sau khi nước Anh rời bỏ Liên minh châu Âu.

Nước Anh chính thức chia tay Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-2-2020, mở ra một thời kỳ mới, đồng thời làm thay đổi rất nhiều về các mối quan hệ trong tương lai của vương quốc này trên mọi lĩnh vực. Nền bóng đá xứ sở sương mù cũng theo đó phải đối mặt với những thách thức cực lớn.

Hậu Brexit: Bóng đá Anh rất khó khăn - Ảnh 1.

Liverpool vô địch Champions League với 2 cầu thủ chính thức, 6 dự bị có quốc tịch Anh - Ảnh: Reuters

Người Anh lâu nay rất tự hào với giải bóng đá Ngoại hạng, không chỉ đáng xem nhất châu Âu vì sự hấp dẫn, tính đại chúng mà còn là sự kiện thể thao đem lại vô số nguồn lợi, thậm chí đã trở thành một ngành giải trí được theo dõi nhiều nhất trên thế giới. 

Tuy nhiên, khi tiến trình Brexit đã hoàn tất, khép lại 47 năm "chung sống hòa bình" giữa nước Anh và khối EU, những người hâm mộ bóng đá Anh không khỏi lo lắng với vô vàn hệ lụy.

Theo thống kê của Hiệp hội Bóng đá Anh (FA), hiện có hơn 330 cầu thủ nước ngoài thi đấu tại 20 đội bóng thành viên Giải Ngoại hạng Anh, tức chiếm đến 65% quân số. Đa số các cầu thủ này đến từ các quốc gia EU, được hưởng quy chế chung khi chơi bóng ở Anh. 

Giờ đây, khi nước Anh rời bỏ EU, các cầu thủ không có quốc tịch Anh sẽ phải xin giấy phép lao động mà các thủ tục pháp lý rất khắt khe và nhiêu khê. 

Các ngoại binh này cần phải chứng minh họ không chiếm chỗ trên thị trường lao động của các đồng nghiệp người Anh, phải có một số lần nhất định khoác áo đội tuyển quốc gia nước mình hoặc đạt được một giá trị ở mức nào đó trên thị trường chuyển nhượng.

FA xem Brexit là cơ hội để thực hiện một cuộc "cách mạng" khi đang xúc tiến việc giảm số lượng ngoại binh ở mỗi CLB từ 17 xuống còn 13 người, đồng thời tăng số lượng cầu thủ người Anh từ 8 lên 12 người mỗi đội. 

Tuy nhiên, điều quan trọng là FA lại không thể chứng minh được việc sử dụng cầu thủ nước ngoài tại giải ngoại hạng ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng của đội tuyển Anh nếu không muốn nói thực tế đang khẳng định điều ngược lại.

Với những quy định khá ngặt nghèo của FA đối với ngoại binh, dự kiến sẽ có hơn 100 cầu thủ phải chia tay các CLB Ngoại hạng Anh khi mùa giải 2019-2020 kết thúc. 

Nếu vậy, cơ hội thành công của các đội bóng Anh tại đấu trường châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi chất lượng của từng CLB và của cả giải ngoại hạng chắc chắn giảm sút, góp phần khiến giá trị kinh tế của sân chơi này đi xuống, thậm chí mất cả vị trí giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.

"Nội công, ngoại kích"… Bóng đá Anh không chỉ lo đối phó với FA mà còn phải đương đầu với UEFA thông qua quy định mỗi trận đấu ở cúp châu Âu chỉ có 5 cầu thủ ngoài khối EU được đăng ký thi đấu. Arsenal, Chelsea, Man City hay Liverpool nhiều lần ra sân mà không có bất kỳ cầu thủ người Anh nào trong đội hình xuất phát nhưng tình trạng này chắc chắn phải chấm dứt. 

Các cầu thủ có quốc tịch trong khối EU giờ đây cũng phải mang tư cách ngoại binh và phải tuân theo "hạn ngạch" 5 cầu thủ cho một trận.

Thương hiệu Ngoại hạng Anh được xây dựng từ cơ sở tự do lưu thông và hội nhập mọi nguồn lực khắp nơi. Doanh thu của giải trong năm 2018 đạt 5,4 tỉ euro, bỏ xa mọi giải đấu khác và cũng thu hút hầu hết các cầu thủ tài năng trên khắp châu Âu. 

Nếu không có quy chế đặc biệt để cầu thủ được tự do đến Anh thi đấu, Ngoại hạng Anh chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi thương lượng các hợp đồng tài trợ cũng như bản quyền truyền hình, vốn chiếm tới 40% thu nhập của các đội bóng chuyên nghiệp tại Anh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại