Hậu Á quân U.23 Châu Á, kịch bản nào cho bóng đá Việt?

KỲ QUAN |

Bóng đá thế giới từng chứng kiến những đội bóng bị đánh giá yếu nhưng gây sốc với thành tích ngoạn mục như U.23 Việt Nam tại VCK U.23. Và sau đó, chuyện gì đã đến? Phần nhiều trường hợp đã “trở lại chính mình”, từ đỉnh cao bỗng chốc rơi xuống vực sâu nhưng không ít trường hợp trở thành cú hích cho cả một nền bóng đá phát triển...

Từ đó lớn lên

Một đội bóng “thường thường bậc trung” bất ngờ lập kỳ tích để rồi từ “cú hích” ấy, đội bóng vươn mình lớn lên, kéo theo sự phát triển của cả một nền bóng đá. Kịch bản loại này được viết hay nhất có lẽ thuộc về những cầu thủ Đức.

Trước năm 1954, bóng đá Đức không có vị trí cao ở Châu Âu. Sau thời gian dài vắng bóng, năm 1954 đội bóng CHLB Đức tham dự World Cup tại Thụy Sĩ. Trước khi giải khai mạc, Đức bị đánh giá thấp và ở lượt trận thứ 2 vòng bảng họ bị Hungary đè bẹp đến 5 bàn cách biệt (8-3). 

Cái mà sau này mới được giới bình luận bóng đá gọi là “tinh thần Đức” đã giúp họ vượt qua các chướng ngại và đi đến trận chung kết gặp lại Hungary. Không ai tin rằng họ có thể làm được “Điều kỳ diệu ở Bern”: Thắng Hungary 3-2 trong trận chung kết nghẹt thở.

Từ “cú hích” ấy, bóng đá Đức như lột xác, đội tuyển Đức có mặt ở hầu hết các kỳ World Cup, EURO và đều vào rất sâu, có thứ hạng cao: 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch EURO và khoảng hơn 10 lần vào bán kết, chung kết các giải đấu đỉnh cao của thế giới.

Ở Châu Á, trường hợp “từ đó lớn lên” tiêu biểu có thể kể đến Nhật Bản. Trước năm 1988 chưa có nhiều người biết đến bóng đá xử sở Hoa anh đào. Lần đầu tham dự một giải đấu lớn là Cup Châu Á 1988, Nhật Bản không để lại nhiều ấn tượng. 

Nhưng đến lần thứ hai năm 1992, các cầu thủ đến từ “Đất nước Mặt trời mọc” đã tạo cơn địa chấn khi tiến thẳng đến ngôi vô địch để rồi sau đó, bóng đá Nhật Bản luôn ngồi “chiếu trên” ở Châu Á với 4 lần vô địch, chen chân vào cuộc chơi tầm thế giới với 6 lần dự World Cup, trong đó 2 lần vượt qua vòng bảng.

Đỉnh cao và vực sâu

Hành trình đến với ngôi vị Á quân VCK U.23 Châu Á năm 2018 của U.23 Việt Nam phần nào giống với hành trình đến với ngôi vô địch của Hy Lạp tại EURO 2004: Bị đánh giá yếu nhất, chật vật vượt qua vòng loại rồi thắng trận tứ kết ở thế yếu và càng vào sâu đá càng hay… 

Đội bóng không có ngôi sao, bị đánh giá là “lót đường”, các tuyển thủ Hy Lạp dựa vào sức mạnh tập thể, cùng với một chút may mắn. Giống như U.23 Việt Nam, họ cũng một thắng, một hòa, một thua ở vòng bảng, nhờ kịp ghi được bàn trong thất bại 1 - 2 trước Nga mà vào được tứ kết. 

Ở vòng 8 đội, Hy Lạp đã thắng đội Pháp đang thời suy yếu còn bán kết, họ vượt qua Czech trong tình thế thủ quân Nedved của đội này bị dính chấn thương phải rời sân ngay trong hiệp 1. Thi đấu như “lên đồng” trong trận chung kết, Hy Lạp đã hạ đội chủ nhà Bồ Đào Nha, mang vinh quang về cho quê hương của Olympic.

Thế nhưng đó là tất cả những gì đội tuyển Hy Lạp làm được. Tại EURO 2008, họ không qua nổi vòng bảng. Rồi các kỳ EURO và World Cup tiếp theo, Hy Lạp cũng rơi rớt sau vòng bảng 2 giải đấu lớn gần đây nhất là EURO 2016, World Cup 2018 thậm chí còn không qua nổi vòng loại.

Từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu, đó cũng là câu chuyện của đội Tuyển Bulgaria. Thập niên 1960 và 1970, Bulgaria thuộc hạng khá ở Châu Âu khi liên tiếp tham dự World Cup, dù đều loại ở vòng bảng. 

Mùa đông năm 1984, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Bulgaria lúc ấy đã ban hành hẳn một nghị quyết về phát triển bóng đá nước nhà. Từ cú hích đó đã ra đời một thế hệ “cầu thủ Vàng” trên đất nước Hoa hồng gồm những tên tuổi như Stoichkov, Costadinov, Ivanov, Lechkov… 

Chính họ đã làm nên cơn địa chấn trên đất Mỹ khi đánh bại Đức ở World Cup 1994, trở thành một trong 4 đội bóng mạnh nhất thế giới. Ngày ấy, gần 20% dân số Bulgaria đã xuống đường mừng chiến thắng. 

Các cầu thủ được đón tiếp như “anh hùng của anh hùng” khi trở về quê hương. Và chỉ có vậy, ở kỳ EURO và World Cup sau đó, họ đều dừng lại ở vòng bảng. Sau đó, bóng đá Bulgaria thật sự rơi xuống vực sâu khi từ năm 2006 đến nay hoàn toàn vắng bóng ở sân chơi EURO và World Cup.

Giữa 2 thái cực nói trên là một loại “kịch bản” trung dung: Đội bóng sau khi đạt kỳ tích đã trở lại chính mình, không hay hơn mà cũng không tệ hơn. Tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể đến Đan Mạch và Croatia. Họ vốn là đội bóng “thường thường bậc trung”. Sau khi lập kỳ tích (Đan Mạch vô địch Euro 1992, Croatia hạng 3 World Cup 1998), họ trở lại với nơi đã xuất phát.

Sau thời gian được bao phủ bởi hào quang đem về từ VCK U.23 Châu Á 2018, kịch bản nào đang chờ đợi đội U.23 và bóng đá Việt Nam nói chung?

Kịch bản hoàn hảo nhất, bóng đá Việt vươn vai trở thành Phù Đổng, có những thay đổi để sang một trang mới. Kịch bản thông thường, bóng đá Việt trở lại với chính mình, nằm đâu đó ở hạng 2 - 3 của vùng trũng Đông Nam Á. Còn kịch bản tệ hơn, như để Myanmar, Indonesia qua mặt chẳng hạn, người hâm mộ Việt không đủ can đảm để nghĩ đến.

Tất cả tùy thuộc vào cách ứng xử của những người trong cuộc và những người có trách nhiệm với nền bóng đá này. Bình tĩnh, tỉnh táo nhận ra chính mình đang ở đâu, cần làm gì để tìm cách vươn lên hay tự bằng lòng, ru mình trong chiến thắng với ảo giác và vinh quang từ một giải đấu trẻ...

Cần và phải hỏi để trả lời, sau một chiến công!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại