Hạt nhân: Mùa cải lão hoàn đồng của các hệ thống vũ khí

Quân sự |

TG đang bước vào thời kỳ thứ ba của vũ khí hạt nhân, sau thời kỳ phát triển vũ khí huỷ diệt trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và thời kỳ giải trừ quân bị những năm 1990 và 2000.

Một tuần lễ trước kỳ thương lượng đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc về một hiệp ước quốc tế mới cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân (từ ngày 27/03 đến 31/03/2017), báo Le Monde (Pháp) có hồ sơ phác họa bức tranh toàn cầu về cuộc tranh đua phát triển các vũ khí nguyên tử thế hệ mới, với tựa đề "Hạt nhân: Mùa cải lão hoàn đồng của các hệ thống vũ khí".

Cuộc chạy đua mới khiến viễn cảnh thế giới không hạt nhân, được dự kiến trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí nguyên tử (ra đời năm 1968), trở nên xa vời.

Có thể nói thế giới đang bước vào thời kỳ thứ ba của vũ khí nguyên tử, sau thời kỳ phát triển hệ thống vũ khí huỷ diệt trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và thời kỳ giải trừ quân bị những năm 1990 và 2000.

Theo một số chuyên gia, các hệ thống vũ khí mới sẽ "chính xác hơn, nhỏ hơn, linh hoạt hơn", an toàn hơn trong sử dụng, nhưng đồng thời nguy cơ loại vũ khí "của ngày tận thế " này được đưa vào sử dụng cũng sẽ cao hơn.

Thách thức từ các hệ thống phòng thủ mới

Le Monde nêu 2 lý do khiến các cường quốc hạt nhân đang nỗ lực phát triển một loạt các vũ khí nguyên tử thế hệ mới.

Thứ nhất là, trên bình diện kỹ thuật, các hệ thống vũ khí hiện nay đã qua gần hết một chu kỳ sử dụng, cần được đại tu.

Thứ hai là với sự phát triển của các hệ thống lá chắn phòng không tân kỳ như hiện nay, với các tên lửa S-400 của Nga, hay Patriot của Mỹ, hay các vùng phòng thủ "chống tiếp cận", các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang đứng trước đòi hỏi phải phát triển chiến lược mới.

Để tiếp tục là phương tiện tấn công hiệu quả và có giá trị "răn đe", tên lửa hạt nhân cần phải vượt qua được "các hàng rào phòng thủ mới".

Điều đó có nghĩa là các tên lửa phải được cải tiến để tốc độ di chuyển nhanh và lộ trình trở nên phức tạp hơn gấp bội, các đầu đạn hạt nhân cũng phải trở nên kiên cố hơn, để duy trì khả năng năng tấn công, một khi lọt qua được hệ thống lá chắn, sử dụng nguồn năng lượng bức xạ cực mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSGN) là loại vũ khí sẽ được ưu tiên phát triển, bởi tính chất kín đáo của chúng, có thể tấn công bất ngờ, làm vô hiệu hoá các hàng rào phòng thủ.

Le Monde điểm lại trước hết cuộc chạy đua của hai siêu cường hạt nhân, Mỹ và Nga.

Theo Trung tâm không phổ biến hạt nhân (CNS), một nhóm chuyên gia rất có uy tín trong lĩnh vực này, Mỹ có chương trình phát triển trong 30 năm, với ngân sách từ 800 đến 1.000 tỷ USD.

Đỉnh điểm của đầu tư sẽ là từ năm 2025 đến 2035. Sau nhiều năm đầu tư ít, chương trình này vừa được coi là cơ hội để tránh tụt hậu, vừa để phát triển một số vũ khí mới tối tân hơn.

Đầu đạn đa chức năng và ưu tiên dành cho tàu ngầm

Chính quyền Mỹ đã cam kết hiện đại hoá bộ ba hạt nhân trên bộ, trên không và dưới biển, với 4.571 đầu đạn đã triển khai. Tổng số vũ khí hạt nhân không tăng, nhưng các đầu đạn có thể được cải biên để thích ứng với nhiều phương tiện mang, và các vũ khí cũng có thể được sử dụng linh hoạt theo nhiều tình huống.

Hạt nhân: Mùa cải lão hoàn đồng của các hệ thống vũ khí - Ảnh 1.

Bom hạt nhân B61-12

Ví dụ bom đa chức năng B61-12, dự kiến sẽ được triển khai tại châu Âu, có thể cùng lúc tấn công vào nhiều mục tiêu khác loại, như các hầm ngầm trong lòng đất, hay phủ lên một vùng rộng lớn. Các tên lửa Trident-D5 và Minuteman III cũng sẽ được cải tiến.

Kể từ năm ngoái, Mỹ bắt đầu có kế hoạch 5 năm phát triển tầu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới, để thay thế cho tàu ngầm lớp Ohio hiện nay.

Về phía Nga, theo hai chuyên gia Hans Kristensen và Robert Norris (Bulletin of the Atomic Scientists), Moskva đang ở "giữa chừng của dự án hiện đại hoá qui mô lớn" đối với các phương tiện kế thừa từ thời Liên Xô, với tổng số 4.300 đầu đạn, nhằm đạt được thế ngang bằng về chiến lược với Mỹ.

Tổng thống Nga cũng đã tái khẳng định vị trí của vũ khí hạt nhân trong học thuyết quân sự quốc gia.

Cũng tương tự như Mỹ, Nga tập trung cải tiến tính năng tên lửa hạt nhân, ví dư như SS-27 Mod 2 hay Yars, mang đến 4 đầu đạn, có khả năng đi theo các lộ trình khác nhau, để tấn công các mục tiêu khác nhau. Một loại tên lửa khác là SS-30 có thể mang tới 10 đầu đạn.

Nga hiện có 16 tầu ngầm tấn công hạt nhân, mang tổng cộng 800 đầu đạn. Trong tương lai, tàu Borei - hệ tàu ngầm đầu tiên của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, tầm quan trọng chiến lược của phương tiện này sẽ tăng lên. Các oanh tạc cơ Tu-160 và Tu-95MS cũng đang trên đường hiện đại hóa để mang nhiều đầu đạn hơn.

Hạt nhân: Mùa cải lão hoàn đồng của các hệ thống vũ khí - Ảnh 2.

Thử tên lửa đạo đạo Trident II-D5 từ tàu ngầm tấn công nguyên tử lớp Ohio, tại Đại Tây Dương, năm 2014.

Trung Quốc, cường quốc quân sự khu vực, cũng lao vào cuộc chạy đua phát triển tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn xa hơn, tốc độ nhanh hơn (với chương trình Wu-14).

Đảo Hải Nam đang được xây dựng thành một căn cứ tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc. Theo chuyên gia Pháp Nicolas Roche, một phần tình hình căng thẳng tại Biển Đông liên quan đến tham vọng của Trung Quốc muốn biến khu vực này thành một lãnh địa của tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Pháp và Anh đều có các kế hoạch phát triển tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới.

Theo nhiều nhà quan sát, tình trạng bất trắc về chiến lược liên quan đến những tham vọng mới của Nga, đặc biệt sau khi Moskva dùng sức mạnh sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine (và đối với khu vực Đông Bắc Á, tham vọng hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian gần đây), khiến không khí nghi kị gia tăng, thúc đẩy các cường quốc nguyên tử tiếp tục cuộc chạy đua hạt nhân.

Cuộc chạy đua giờ đây không chỉ còn là cuộc chạy đua giữa hai siêu cường như thời Chiến tranh Lạnh, mà mang tính tác động dây chuyền.

Bên cạnh 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, còn có một số nước mới tham gia vào nhóm các cường quốc hạt nhân, như Ấn Độ, Pakistan, Israel và giờ có thêm Triều Tiên. Chưa kể nguy cơ công nghệ vũ khí nguyên tử bị lọt vào tay các thế lực khác.

Nỗ lực mới thúc đẩy giải trừ hạt nhân

Trong khi đó, các đối thoại quốc tế về hạt nhân và giải trừ vũ khí nguyên tử trong khuôn khổ của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân đang rơi vào bế tắc.

Tháng Năm tới tại Vienna, sẽ diễn ra một hội nghị mới, để chuẩn bị cho hoạt động đánh giá việc thực thi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, dự kiến được tổ chức vào năm 2020. Các chuyên gia không mấy hy vọng, bởi một dịp tương tự vào năm 2015 đã thất bại.

Trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, có điều khoản thứ VI về nỗ lực hướng đến cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Theo đó, các bên "cam kết tham gia một cách thiện chí vào các đàm phán về các biện pháp hiệu quả để ngừng chạy đua vũ trang hạt nhân… và về một hiệp ước giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân dưới sự kiểm soát quốc tế".

Hiệp ước này đã được gần như toàn bộ cộng đồng quốc tế tham gia (189 nước), ngoài Ấn Độ, Pakistan, Israel, Sudan (và Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước năm 2003). Thế nhưng, trong bối cảnh bất trắc về an ninh ngày càng gia tăng hiện nay, liệu các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, trước hết là Mỹ và Nga, có đủ lòng tin để bước vào thương lượng theo hướng này?

Hạt nhân: Mùa cải lão hoàn đồng của các hệ thống vũ khí - Ảnh 3.

Tranh cổ động của phong trào quốc tế vận động hủy bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN)

Hồi năm ngoái, hội nghị các nghị viện thành viên khối OSCE, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, ra một tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử từ bỏ "nguyên tắc tấn công trước", để gây dựng lòng tin.

Trong khi chờ đợi các cường quốc nguyên tử, trước hết là hai siêu cường Mỹ, Nga, có các nỗ lực mới để thực thi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, và cũng là để gây áp lực, cuối năm ngoái, đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lịch sử (nghị quyết L41), nhằm chuẩn bị cho một hiệp định giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, bên ngoài Hiệp ước không phổ biến.

Đối với giới tranh đấu vì một thế giới không vũ khí hạt nhân, đây là một bước tiến quan trọng kể từ khi phong trào quốc tế hủy bỏ vũ khí nguyên tử ra đời năm 2007 (ICAN/International Campaign to Abolish Nuclear Weapons). Hà Lan, một trong 5 nước thành viên NATO, nơi bố trí tên lửa hạt nhân của Mỹ, cũng quyết định chọn quan điểm trung lập.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, như Oliver Meier, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh của Đức (SWP), nỗ lực của phong trào này có nguy cơ trở thành không tưởng, nếu các cường quốc nguyên tử không tham gia vào tiến trình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại