Hành trình "tìm con" gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế

HN |

Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện, lắm nỗi niềm nhưng cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với họ. Sự kiên trì, nỗ lực của cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đã được đền đáp xứng đáng.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 1.

Chị H.T.T.T (1993) lập gia đình từ năm 2020. Cả hai vợ chồng cùng công tác tại một bệnh viện ở Bình Dương. Trong đợt tái khám sức khỏe hằng năm, bác sĩ phát hiện chị có vấn đề về buồng trứng nhưng không có triệu chứng nên được khuyên theo dõi thêm.

Tuy nhiên, dù "thả" nhưng mãi không thể "dính bầu". Vợ chồng chị đã quyết định đến một bệnh viện tại TP.HCM kiểm tra lại. Tại đây, chị được chỉ định làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 2.

"Khi bác sĩ chỉ định làm IVF thì 2 vợ chồng thật sự sốc. Lúc đó nghĩ, mình vẫn còn trẻ, lẽ nào không còn cách nào khác nhưng theo tư vấn của bác sĩ thì gần như đây là cách duy nhất. Hai vợ chồng cũng đồng ý thực hiện IVF nhưng vì cũng mới cưới, chưa dành dụm được gì nhiều nên cũng cần chút thời gian thu xếp chứ chưa làm ngay" – chị T. kể.

Khi đã sẵn sàng, vợ chồng chị trở lại bệnh viện để làm IVF. Ban đầu, mọi việc diễn ra rất thuận lợi. Những tưởng, chị sẽ có nhiều hy vọng ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả thất bại. Sau đó, bác sĩ chỉ định cho chị chụp HSG kiểm tra ống dẫn trứng, kết quả chị bị ứ dịch vòi trứng mức độ nặng. Lúc này, chị được chỉ định mổ nội soi bóc u lạc nội mạc buồng trứng trái, cắt ống dẫn trứng trái, bóc u bì buồng trứng phải, tình trạng ổn định mới chuyển phôi tiếp.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 3.

Tuy nhiên, ở lần chuyển phôi thứ hai, chị cũng không thành công. Đến lần thứ 3, trong đợt Covid bùng phát mạnh, chị tham gia chống dịch, phải hoãn lại việc chuyển phôi tiếp. Đến lần thứ tư, chị quyết định quay lại trung tâm IVF ban đầu để chuyển phôi trữ cuối cùng. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho chị biết là phôi cuối không tốt như những phôi đầu nên không nhiều khả năng thành công. Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng chị vẫn rất sốc khi ở lần chuyển phôi cuối, chị vẫn không có beta.

Chị P.T.K. Ngân (1995) và chồng - anh P.Q.Dương (SN 1995) cũng là nhân viên y tế. Anh chị công tác tại một bệnh viện khác ở Bình Dương và cũng mang nỗi niềm về chuyện con cái. Năm 2020, anh chị kết hôn. Sau kết hôn, dù không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng mãi chưa thể có con. Chị Ngân đi siêu âm thì phát hiện bị rối loạn phóng noãn nhưng không điều trị gì. Chị uống thêm các loại thuốc bổ trứng nhưng cũng không có kết quả.

Mặc dù gia đình không hối thúc hay gây áp lực nhưng thỉnh thoảng người ngoài không hiểu cứ hỏi "sao cưới lâu rồi mà không có con?", rồi lại thấy các gia đình khác có con cháu ẵm bồng, bản thân chị Ngân cũng buồn.

Chị cũng muốn điều trị can thiệp bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng kinh tế còn khó khăn chưa thể thực hiện được.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 4.

Cùng cảnh ngộ, chị N.T.B Lan (1991 – dược sĩ) và anh P.M.Huy (1991) cũng trải qua nhiều áp lực khi chậm con. Lấy nhau từ năm 2017, đằng đẵng mong con suốt hai năm trời, uống cả thuốc nam lẫn thuốc bắc, ai chỉ đâu theo đó nhưng vẫn không có kết quả. Cũng ngần ấy thời gian chị phải nếm trải những cảm giác mặc cảm, tự ti vì chưa thể làm mẹ.

Ngày Tết, gia đình, bạn bè tụ họp, bản thân chị Lan lại vô cùng áp lực vì đi tới đâu cũng nhận được câu hỏi thăm: "Chưa có bầu nữa hả? Sao không đi ông thầy A, bà thầy B? Sao không đi hốt thuốc uống hay đi mua trái bầu về luộc mà ăn cho nhanh có bầu?…". Bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho trái tim người phụ nữ ấy thắt lại, nghẹn ngào.

Nói về nguyên nhân khó có con, chị cho biết mình bị rối loạn phóng noãn, chu kỳ kinh cũng kéo dài, thường 6 tháng mới có 1 lần. Đến năm 2019, hai vợ chồng dành dụm được một số tiền để làm IUI nhưng cả hai lần đều thất bại. Lúc này, bác sĩ có tư vấn chị làm IVF nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên vợ chồng chị chưa thể thực hiện.

Đến đầu năm 2020, đại dịch Covid ập đến khiến cho kinh tế gia đình chị Lan lúc này khó khăn hơn. Hai vợ chồng tạm xa nhau để làm việc và cùng đội ngũ nhân viên y tế chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Giấc mơ làm cha, làm mẹ vì thế cũng tạm gác lại.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 5.
Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 6.

Đều công tác trong ngành y tế, hơn ai hết, các cặp vợ chồng hiểu rõ tình cảnh của mình. Họ đều tin vào y học hiện đại sẽ "có cách" nhưng áp lực kinh tế vẫn làm họ chùn bước. Thêm vào đó, ngay tại thời điểm dịch Covid bùng phát dữ dội, họ cũng là tuyến đầu chống dịch, áp lực vì thế càng đè nặng hơn.

Sau nhiều lần theo đuổi ước mơ tìm con, điều kiện kinh tế của gia đình chị H.T.T.T đã eo hẹp khá nhiều. May mắn, năm 2021, chị biết đến chương trình "Ươm mầm hạnh phúc – Khi thiên thần cũng có ước mơ" do hệ thống IVFMD tổ chức, hỗ trợ chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho cán bộ nhân viên y tế hiếm muộn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chị đã thử nộp đơn và được chọn.

Cũng như chị T., chị Ngân tình cờ biết được chương trình từ người đồng nghiệp cũng đã thử nộp đơn nhưng vẫn sợ mình không đủ điều kiện. Cuối cùng, khi nhận được cuộc gọi thông báo hồ sơ được duyệt, chị thấy "như chân trời mới mở ra với mình".

Còn chị Lan, khi biết đến chương trình, không chần chừ, chị xem đó chính là cơ hội tốt nhất để tìm con và đã nộp hồ sơ. "Sau những trắc trở, bệnh viện đã thấu hiểu và đồng hành cùng gia đình" - chị Lan bồi hồi kể lại.

Do cả ba trường hợp đều công tác tại Bình Dương nên IVFMD Bình Dương (bệnh viện Phương Chi) tiếp nhận điều trị. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Thị Dung – trưởng đơn vị IVFMD Bình Dương phụ trách điều trị chính cho cả ba cặp vợ chồng.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 7.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung – trưởng đơn vị IVFMD Bình Dương

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 8.

Tiếp nhận điều trị cho chị H.T.T.T (1993), bác sĩ Nguyễn Thị Dung cho biết: "Khi nhận hồ sơ, chúng tôi đánh giá đây là trường hợp khó khi đã trải qua 1 lần IVF với 4 lần chuyển phôi thất bại trên nền bệnh lý lạc nội mạc tử cung, tiên lượng khả năng thành công không cao. Thêm vào đó, do bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng kém nên khi chọc hút trứng chỉ được 6 trứng, tạo được 2 phôi ngày 3 và có cơ hội 1 lần chuyển phôi duy nhất".

Nhận thông báo từ bác sĩ, chị T. không dám hy vọng nhiều. Nhưng để tâm lý thoải mái nhất và có thời gian nghỉ ngơi, chị quyết định tạm nghỉ làm rồi ở nhà đợi kết quả. Vì quá trông ngóng, chỉ chưa đến 1 tuần sau chuyển phôi, chị đã liên tục kiểm tra tại nhà bằng que thử. Cuối cùng, sau 2 tuần, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chị đã đậu thai.

"Lúc đầu chỉ biết mình đậu thai cho đến ngày siêu âm thì bác sĩ Dung thông báo đậu cả 2 thai. Lúc đó mình mừng quá trời luôn" – chị T. kể lại khoảnh khắc hạnh phúc.

Tuy nhiên, thử thách vẫn không ngừng đeo bám chị khi 3 tháng đầu thai kỳ chị bị ra máu và siêu âm thấy tụ dịch bánh nhau, có nguy cơ sẩy thai bất kể lúc nào. Đây là dấu hiệu thường gặp ở thai phụ mang thai đôi. Hơn nữa, lúc mang thai chị lại chẳng may mắc Covid. Thêm một vấn đề nữa, bản thân chị T. có vấn đề về tim mạch, bị nhịp tim nhanh nên khi mang thai, huyết áp dễ tăng cao nhưng chị không dùng thuốc được.

Khi mang thai đến tuần thứ 35, chị có dấu hiệu dọa sinh non (một nguy cơ thường thấy ở thai kỳ sinh đôi), phải vào bệnh viện. Khi tình trạng thai nhi ổn định, bác sĩ khuyên cố gắng giữ tiếp. Đến tuần thứ 37, chị sinh mổ, 2 bé gái sinh đôi, mẹ tròn con vuông.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 9.

Hai bé song sinh của gia đình chị T.

Bé sinh ra khoẻ mạnh, ổn định nhưng chị lại bị tiền sản giật và nguy cơ tái đái tháo đường thai kỳ nên mẹ con phải tách ra chăm sóc riêng. Biết bao khó khăn mệt mỏi bám lấy người mẹ trẻ đến lúc sinh nhưng cuối cùng, chị cũng đều vượt qua.

Bé chào đời không chỉ mang đến niềm hạnh phúc tột cùng cho gia đình chị T. mà chính bác sĩ Dung – người theo dõi và hỗ trợ sát sao cho chị ngay từ đầu cũng thực sự "vỡ oà". Tiếp nhận một ca khó với cơ hội thành công "mong manh" như trường hợp chị T., bác sĩ Dung và ekip IVFMD Bình Dương đã dốc hết sức, không chỉ trong điều trị chuyên môn mà còn đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt chặng đường thai kỳ gian nan cho đến ngày "mẹ tròn con vuông".

Còn riêng chị K.Ngân, dù không phải rơi vào trường hợp khó như chị T. nhưng ngoài mắc hội chứng rối loạn phóng noãn – nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiếm muộn, khi đến khám, chị lại bị phát hiện có thêm vấn đề là tử cung nhỏ, cổ tử cung ngắn.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 10.

"Lúc đó, BS Dung cũng động viên, cho em thuốc tốt nhất có thể để tiêm. Thời điểm này chồng đi chống dịch suốt, có mũi em không thể tự tiêm được, phải nhờ, lên cả bệnh viện chỗ em làm nhờ tiêm giúp" - chị Ngân nhớ lại thời điểm gian nan.

Nhưng mọi khó khăn, tủi thân rồi cũng qua, niềm vui lại đến với chị khi bác sĩ báo được 11 trứng và được 9 phôi. Lúc ấy, chị chưa thể chuyển phôi ngay, 1 phần do công việc, phần khác do chị mắc Covid nên gần 5 tháng sau sức khoẻ ổn định, chị mới chuyển phôi.

Cuối cùng, quả ngọt cũng đến khi chị được thông báo có thai. Ngày 26/1/2023, bé trai kháu khỉnh chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Nói về "cột mốc" đó, chị Ngân không giấu được xúc động. Với chị, khoảnh khắc mà hai bố con lần đầu nhìn thấy nhau là khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc mà chị không thể nào quên.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 11.

Gia đình chị Ngân hạnh phúc bên thiên thần nhỏ

Hiện tại, chị Ngân cũng còn 8 phôi trữ tại bệnh viện Phương Chi. "Khi con trai được khoảng 2-3 tuổi thì hai vợ chồng sẽ quyết định có con tiếp" - chị chia sẻ dự định.

Còn với chị B.Lan, quyết định thực hiện IVF, đồng nghĩa với chị phải vượt qua nỗi sợ kim tiêm. "Vốn là một người rất sợ kim tiêm nhưng khi kích trứng phải trải qua biết bao mũi kim, chưa kể khi hút trứng lại phải gây mê, sau khi hết thuốc mê, tôi bị tác dụng phụ của thuốc mê, gây nôn, phải nằm lại viện đến 10 giờ đêm mới được xuất viện. Nhưng tôi tự nhủ, dù khó khăn đến đâu, cũng sẽ cố hết sức vượt qua" – chị Lan nhớ lại.

May mắn, quá trình thực hiện IVF của chị tại IVFMD Bình Dương tương đối thuận lợi. Chị được chỉ định chọc hút trứng ngày 31/5/2022 với 23 trứng, tạo được 13 phôi. Chị được chuyển 2 phôi ngày 5 và may mắn đậu thai.

Tuy vậy, quá trình mang thai của chị cũng gặp nhiều khó khăn. Nhận xét về trường hợp của chị Lan, BS Nguyễn Thị Dung cho biết: "Bệnh nhân bị rối loạn phóng noãn thường chỉ chiếm tỉ lệ 10% trong các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trường hợp của chị Lan tuy không phải là một ca bệnh khó nhưng phụ nữ mắc rối loạn phóng noãn, khi mang thai sẽ có những rối loạn chuyển hóa dẫn đến dễ sảy thai hay thai lưu, sanh non hoặc đái tháo đường thai kỳ".

Khi được 18 tuần, chị Lan bị ra huyết do nhau tiền đạo nên phải chuyển lên bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) nằm theo dõi đến lúc sanh là 34 tuần. Hiện tại, 2 bé sinh đôi nhà chị trộm vía khoẻ mạnh và đã được hơn 6 tháng.

Hành trình tìm con gian nan và quả ngọt đến với những cặp vợ chồng là nhân viên y tế - Ảnh 12.

Gia đình chị B.Lan đón bé song sinh

Không lời nào có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của các gia đình. Sau hành trình tìm con gian nan, cảm xúc động lại ở bác sĩ là sự kiên trì, nỗ lực, không bỏ cuộc của các bệnh nhân. Đặc biệt, khi họ thực hiện IVF và mang thai ở thời điểm dịch bệnh khó khăn thì nỗ lực đó phải tăng gấp đôi, gấp ba. Theo bác sĩ Dung, sự kiên trì lạc quan đó cũng là yếu tố giúp cho hành trình IVF thuận lợi hơn.

Riêng với các bệnh nhân, khi kể lại hành trình tìm con của mình, các chị luôn nhớ đến các bác sĩ đồng hành và sát cánh cùng họ trong suốt chặng đường khó khăn. Hành trình tìm con tuy dài và nhiều thử thách nhưng chính sự thấu cảm, tận tân của bác sĩ đã giúp các gia đình vơi đi âu lo, rút ngắn quãng đường để gặp các thiên thần nhỏ sớm hơn mong đợi.

"Ươm mầm hạnh phúc" là chương trình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của hệ thống IVFMD dành cho các cặp vợ chồng mong con, có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được.

Chương trình "Ươm mầm hạnh phúc – Khi thiên thần cũng có ước mơ" do hệ thống IVFMD thực hiện năm 2021 đến nay đã mang lại "quả ngọt" cho rất nhiều cặp vợ chồng là nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn, đang trăn trở với nỗi niềm mong con. Chương trình được thực hiện với mong muốn tôn vinh sự cống hiến, cũng như gửi lời tri ân đến các đồng nghiệp đã dành nhiều tâm sức giúp cả nước vượt qua dịch bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại