Trương Ngọc Bảo Trân, 29 tuổi, kinh doanh tự do, sống tại quận 8, TP.HCM, vừa cùng 15 thành viên trong gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của bệnh tật. Đến khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm PCR âm tính, cô mới dám kể lại "cuộc chiến" của gia đình và đặc biệt là hành trình giành lại mẹ từ "tay tử thần".
Cả gia đình 16 người cùng mắc Covid-19 trải qua 23 ngày dài nhất cuộc đời
16 thành viên sống chung nhà, gồm 10 người lớn và 6 trẻ nhỏ (bé nhất mới 10 tháng tuổi). Mẹ của Trân 67 tuổi, bị tiểu đường nặng và huyết áp. Người khởi phát bệnh đầu tiên là em gái Trân. Sau khi tiêm vaccine Covid-19, người em về nhà có dấu hiệu mệt mỏi và sốt, nhưng chỉ nghĩ là tác dụng phụ bình thường sau tiêm chủng. Tuy nhiên, tình trạng kéo dài 4 - 5 ngày liên tục.
Hôm sau, mẹ của Trân ho nhẹ, gia đình vẫn không nghi ngờ gì, cho rằng là cảm cúm thông thường. Rồi cháu gái lớn bị viêm họng, kế tiếp là Trân. Tối đó, cô sốt 38 độ C và bắt đầu lo lắng.
Trân nhờ người mua hộ kit test nhanh cho cả nhà, kết quả mọi người đều dương tính với SARS-CoV-2.
"Ai cũng hoang mang. Hai đứa cháu học cấp 2 còn bật khóc nức nở vì sợ hãi. Người mình lo lắng nhất là mẹ, vì bà lớn tuổi lại có bệnh nền. Cả nhà cũng sợ cháu nhỏ 10 tháng tuổi không đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật", Trân kể.
Gia đình có 16 thành viên đều mắc Covid-19. Họ đã trải qua 23 ngày dài nhất cuộc đời để đánh bại virus
Dấu hiệu bệnh của mỗi thành viên khác nhau, nhưng tất cả đều sốt hoặc ho, tiêu chảy, đau họng và mất khứu giác. Trân là người ít triệu chứng nhất và khỏe nhất nhà, nên ngoài chăm mẹ, cô kiêm luôn việc nấu ăn.
Trước khi bước vào "cuộc chiến", anh trai của Trân tất bật nhờ người quen mua thuốc, thiết bị đo SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) và 6 máy phun khí dung.
Căn nhà có 6 phòng, mỗi gia đình một phòng. Trân ở cùng mẹ dưới tầng 1 để tiện chăm sóc. Cô và chị gái thay phiên nấu ăn, rồi đem lên từng phòng. Ai ở phòng nào tự cách ly với nhau và cách ly với các phòng khác, chủ động vệ sinh phòng ốc và xịt khuẩn thường xuyên. Mọi người đều đeo khẩu trang và uống thuốc theo hướng dẫn của trạm y tế cộng đồng.
16 F0 duy trì chế độ ăn uống bình thường, hạn chế đồ chiên dầu mỡ, tập trung ăn nhiều rau quả, thức ăn nóng và nạp thêm nước ấm. Buổi sáng, họ cùng phơi nắng và tập thể dục nhẹ nhàng. Do mẹ không thể vận động, Trân giúp bà xoa bóp chân tay để máu lưu thông.
Mấy ngày đầu của bệnh, mọi người xông gừng, sả, thêm vài giọt dầu, đều đặn 2 lần/mỗi ngày, ngoài ra xịt mũi bằng dung dịch hoặc nước muối, khò họng bằng nước sát khuẩn.
"Chúng mình không cảm thấy lo lắng khi tự điều trị tại nhà, vì sợ khi đi cách ly tập trung mỗi người một nơi, không được chăm sóc lẫn nhau", Trân nói.
Đến ngày thứ 17 của bệnh, 14 người (gồm 8 người lớn và 6 trẻ nhỏ) âm tính với SARS-CoV-2, riêng mẹ và anh trai Trân đến ngày thứ 23 mới âm tính. Những đứa trẻ dù ban đầu hơi lo lắng, nhưng sau nhanh chóng quay về dáng vẻ vô tư, hồn nhiên, chỉ ho nhẹ và không triệu chứng.
Trân kể, em bé 10 tháng rất ngoan, không quấy khóc, chỉ thỉnh thoảng bỏ bú nên mặt mày bơ phờ. Bé không ăn cháo, chỉ bú 2-3 bình mỗi ngày, được uống hạ sốt, siro ho và vitamin C dành cho trẻ em. Qua 4 ngày, bé hết các triệu chứng.
Vitamin và thuốc gia đình Trân sử dụng trong thời gian tự điều trị Covid-19 tại nhà
Hành trình giành mẹ từ tay "tử thần"
Trân nhớ lại, khi đã chuẩn bị xong mọi thứ để bước vào cuộc chiến, thì tối thứ 4 của bệnh, mẹ cô trở nặng và nguy kịch. Lúc đó khoảng 21h, bà chóng mặt và khó chịu, Trân chỉ nghĩ bà tăng huyết áp hoặc lên đường huyết áp, vừa quay đi lấy máy đo thì mẹ nôn dồn dập, cơ thể bắt đầu run lên.
Chỉ số SpO2 của bà tụt xuống dưới 90%, tiếp tục nôn. Huyết áp tăng 19,3; đường huyết hơn 500. Các chỉ số đều báo động nguy cơ đột quỵ.
Trong lúc cả nhà vô cùng hốt hoảng, Trân bình tĩnh tiêm cho bà một liều hạ đường huyết, cho uống một viên ngừa đột quỵ và một viên hạ huyết áp. Gia đình lập tức nhờ người quen mua bình oxy ngay trong đêm. Trong khi chờ oxy về, Trân cho mẹ thở máy phun khí dung tạm.
Khi bình oxy vừa về tới nhà, bà thở gấp và được uống thuốc chống đông máu, tình trạng dần ổn định, cả nhà thở phào nhẹ nhõm. Đêm hôm đó, các thành viên thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh của mẹ.
Thời điểm mẹ của Trân nguy kịch, thở tạm máy phun khí dung trong khi chờ oxy về
Ngày thứ 5, Trân liên hệ nhóm y tế cộng đồng và được hỗ trợ tận tình. Do bình oxy trong nhà dung tích chỉ 5 lít, mà theo tư vấn mẹ đang trở nặng thì không đủ oxy đáp ứng, trạm y tế cho gia đình mượn bình oxy 40 lít. Mọi người đều khuyên đưa mẹ đi bệnh viện nhưng Trân sợ một mình bà không có người thân bên cạnh thì không thể chống chọi. Gia đình thống nhất trường hợp xấu nhất sẽ đưa bà đi cấp cứu.
Hôm đó, thêm anh trai của Trân vì quá lo lắng cho mẹ mà trở nặng, sốt cao 40 độ C, hạ oxy trong máu. Cô cho anh thở bình oxy 5 lít, uống hạ sốt và thuốc chống đông, theo dõi sát tình hình.
Một mình Trân chạy lên chạy xuống 2 tầng để canh mẹ và anh, bởi cô là người duy nhất trong nhà có kiến thức về Covid-19 và được nhân viên y tế hướng dẫn cách chăm sóc các trường hợp trở nặng.
Ngày thứ 6, mẹ dường như ngủ suốt trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, không ăn uống được gì. Trân xay cháo thật nhuyễn, động viên bà mở mắt và ăn uống thì mới có sức chống lại bệnh tật. Bà cũng ráng húp được 2 -3 thìa rồi lắc đầu. Trân cố "ép" mẹ uống nước, yến và sữa. Cô kiên trì cứ 15-30 phút tiếp tục cung cấp dinh dưỡng cho mẹ. Cả ngày, bà chỉ ăn được khoảng 1 bát cháo loãng và nửa hộp sữa.
"Mình ép mẹ uống thuốc, đút từng viên một, dù nửa tỉnh nửa mê, nhưng bà vẫn cố gắng nghe theo lời con gái", Trân cho biết.
Mỗi ngày, Trân đều tìm cách liên hệ với các trạm khắp nơi để "tìm oxy cho mẹ", rồi kiên nhẫn đút từng thìa cháo. Bà dần ăn được 2 bát cháo loãng, gần hết một hộp sữa và ít nước yến. Đối với Trân, tiến triển từng ngày của mẹ giúp cô có thêm động lực.
Đến ngày thứ 8 của bệnh, Trân lại chịu một phen "đứng tim nhiều tập". Cả ngày, mẹ chỉ đi tiểu 1 lần duy nhất và cực khó khăn. Đến tối, các con dìu bà vào nhà vệ sinh, lăn theo bình oxy 40 lít, động viên và lấy chai nước nóng chườm bụng dưới của mẹ.
"Cuối cùng, mẹ cũng đi vệ sinh được, chưa bao giờ mình cảm giác hạnh phúc như thế", Trân kể.
Tuy nhiên, khi vừa dìu mẹ vào phòng và lấy máy đo SpO2 thì chỉ số của bà tụt xuống 60% rất nguy kịch. Trân cố gắng không khóc, bình tĩnh hết mức, lấy dây thở bằng mũi của bình oxy 5 lít và chụp thêm mặt nạ thở của bình 40 lít, để giúp mẹ tăng oxy tối đa. Cô cẩn thận đỡ mẹ nằm nghiêng, ráng vỗ bên hông sườn cho khí vào phổi, từ từ chỉ số tăng lên 80-83%.
"Cả đêm mình chỉ nhìn mẹ, chốc chốc lại khẽ gọi mẹ mở mắt rồi đút nước, sữa và yến, không dám để mẹ ngủ... Cứ như vậy tới sáng, ban ngày thì mẹ đỡ hơn, chỉ số SpO2 tăng lên 90%, nhưng đêm xuống mẹ lại nguy kịch", Trân nhớ lại.
Mẹ Trân sau khi dần hồi phục, vượt qua cơn nguy kịch
Ngày thứ 9, gia đình may mắn liên hệ được với bác sĩ cấp cứu xuống khám cho mẹ và cả gia đình. Bác sĩ kê thêm thuốc cho mẹ và dặn theo dõi kĩ chỉ số SpO2, nếu không đáp ứng đủ oxy thì nên nhập viện. Ngày thứ 10 và 11, chỉ số tăng lên 92, 94 rồi 95%, mẹ ăn được nhiều hơn chút, uống hết một hộp sữa.
Từ ngày thứ 12 đến 15, mẹ tiến triển nhiều hơn, hạ mức thở từ bình oxy 40 lít xuống bình 5 lít, Trân không còn phải chạy vạy khắp nơi để kiếm oxy cho mẹ nữa.
Sau 15 ngày chiến đấu với "tử thần", mẹ dần hồi phục, ăn đủ 3 cữ cơm và 2 hộp sữa, 1 chai yến mỗi ngày. Mặc dù vẫn phải thở máy, nhưng bà dần tỉnh hơn, môi không còn tím tái. Từ ngày thứ 20, bà cai máy thở và sau 23 ngày thì nhận kết quả PCR âm tính với SARS-CoV-2. Cơ thể vẫn còn yếu và oxy vẫn chưa hoàn toàn ổn định.
"Trở về sau 'cửa tử', mẹ hơi lú lẫn và mất nhận thức một số thứ, quên khá nhiều, kể cả tên con cháu. Nhưng không sao, mẹ hồi phục được như vậy là kì tích của cả nhà", Trân tâm sự.
Những em bé dù mắc Covid-19 vẫn luôn hồn nhiên và vui tươi
Cùng gia đình trải qua 23 ngày dài nhất cuộc đời, Trân muốn kể câu chuyện của bản thân để các F0 khác có thêm động lực và sức mạnh "chiến đấu" với Covid-19. Theo cô, nếu không may mắc Covid-19, điều đầu tiên, bệnh nhân cần bình tĩnh và lạc quan.
Những ngày đầu của bệnh, F0 nên thường xuyên rửa mũi, khò họng, ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin, chịu khó tắm nắng, vận động, tập thể dục nhẹ nhàng để tránh virus xâm nhập vào phổi sẽ chuyển nặng rất nhanh.
Đặc biệt, người bệnh không uống thuốc "lung tung", vì bệnh chưa có thuốc đặc trị nên chữa trị từng triệu chứng. "Gia đình mình vì hoang mang nên mua quá nhiều thuốc, ai chỉ gì cũng mua nên không biết uống loại nào là đúng nhất".
Với người già và có bệnh nền, trong nhà nên có sẵn thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp, có máy đo đường huyết càng tốt. Nếu quá nguy kịch, cần liên hệ và chuyển bệnh nhân đi cấp cứu nhanh nhất có thể.
"Dù là người mạnh mẽ thì những lúc nhìn mẹ và anh trai trở nặng, mình chỉ muốn khóc. Nhưng may mắn, mọi chuyện đã qua. Hi vọng rằng đại dịch sớm được khống chế, để cuộc sống chúng ta bình thường như trước đây", Trân nhắn nhủ.