Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch "hội con sen" Việt Nam

Xuân Phương |

Để trở thành giám khảo tập sự, Nguyễn Xuân Sơn phải bỏ tiền túi đi hàng chục cat show quốc tế. Trong đó, chỉ riêng chi phí cho mèo đi máy bay đã lên đến gần 20 triệu đồng một chuyến.

Lại đi à? Bố của Nguyễn Xuân Sơn thở dài đánh thượt một cái khi thấy con vừa mới về vài ngày, quần áo giặt còn chưa khô hết đã xếp đồ vào vali. Trong năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, cứ mỗi tháng, anh lại dành đến 15 ngày để đi công tác, chấm điểm cho các cuộc thi mèo trên khắp thế giới.

Giám khảo các cuộc thi mèo là một nghề được trọng vọng vì không chỉ chấm điểm, giám khảo còn đưa ra lời khuyên cho chủ mèo để nuôi dưỡng các "bé" tốt hơn. Làm giám khảo nghĩa là có cơ hội đi khắp thế giới, nâng cấp bản thân, tiếp xúc với vô vàn mèo đẹp. Nhưng để đến cái đích ấy là hành trình gian nan kéo dài cả chục năm.

Chi nghìn USD đưa mèo xuất ngoại

Hẹn phóng viên ở một quán cà phê, Nguyễn Xuân Sơn đến sớm, cặm cụi lướt trang web của Liên đoàn mèo thế giới (WCF) ghi chép đặc điểm, mã gen, mã màu của 70 giống mèo khác nhau vào cuốn sổ nhỏ mà anh luôn mang theo mình. Cứ rảnh lúc nào, Sơn lại mở sổ ra đọc, ra ôn đến mức thuộc lòng. Ghi nhớ các tiêu chuẩn giống là một trong những yêu cầu bắt buộc trên con đường học tập nghiêm túc để trở thành giám khảo mèo quốc tế chuyên nghiệp.

Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch hội con sen Việt Nam - Ảnh 1.

Ít ai biết rằng, Sơn đã bắt đầu từ con số 0 vào 6 năm trước. Là dân công nghệ thông tin, vốn tính hướng nội, Nguyễn Xuân Sơn nuôi chim và cá để làm thú vui sau 8 tiếng nhìn màn hình. Năm 2016, anh nuôi con mèo đầu tiên trong sự phản ứng dữ dội của bố mẹ. Mèo rụng lông, đi đại tiện lung tung, cào cấu đủ thứ là những lý do bố mẹ anh đưa ra. Nhưng khi thấy con trai cương quyết, cộng với sự dễ thương của chú mèo đầu tiên, ông bà dần siêu lòng. Từ chỗ phản đối, bố mẹ Sơn lại chăm bẵm, bế ẵm mèo như em bé.

Năm 2017, anh "chơi lớn" khi rước một bé mèo thuần chủng từ Nga về. Chú có phả hệ đàng hoàng. Anh đặt câu hỏi, liệu tổ chức nào cung cấp những thông tin này? Và khi biết về Liên đoàn mèo Thế giới (WCF), anh quyết định đem mèo ra nước ngoài đi thi để học hỏi, mở mang tầm mắt.

Lần đem mèo đi thi (cat show) đầu tiên, anh và vợ (chị Nguyễn Thị Hồng Thắm) gặp nhiều rắc rối khi kiến thức, kinh nghiệm chỉ là trang giấy trắng. Việc mang mèo lên máy bay là cả một vấn đề vì chi phí quá đắt đỏ. Mức giá thấp nhất mà Sơn tìm được là 800 USD (khoảng 18,7 triệu đồng) để vận chuyển bé mèo 6 kg sang Thái Lan; chưa kể vô vàn thủ tục nghiêm ngặt về kiểm dịch, xuất cảnh.

Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch hội con sen Việt Nam - Ảnh 2.

Chưa dừng lại ở đó, do không tìm hiểu kỹ nên anh không biết khách sạn không cho thú cưng ở cùng. Nửa đêm, anh chị lại lật đật tìm khách sạn khác.

Kết quả đi thi không được như kỳ vọng nhưng điều đọng lại lớn nhất với Sơn là sự uyên bác của các vị giám khảo. Vốn kiến thức phong phú về mèo và các trại mèo trên thế giới của ông Jurgen Trautmann - Giám khảo người Đức và bà Tatjana Cernova (người Latvia, thư ký Liên đoàn Mèo Thế giới) đã truyền cảm hứng cho anh. Anh càng khao khát mãnh liệt một ngày sẽ đứng vào vị trí ấy.

Hành trình chục năm trở thành giám khảo

Theo lộ trình, một người muốn trở thành giám khảo mèo quốc tế phải đạt được hai cột mốc là trợ lý giám khảo và giám khảo thực tập với các tiêu chí khắt khe. Sau khi tích lũy đủ 10 chứng chỉ trợ lý giám khảo được cấp bởi Liên đoàn mèo thế giới, Sơn nộp đơn thi và được công nhận là giám khảo thực tập. Giám khảo thực tập chia theo hạng mục lông: lông ngắn, lông dài, lông lở, không lông. Để được dự thi thành giám khảo chính thức ở mỗi hạng mục lông, giám khảo thực tập cần thu thập đủ 20 đến 30 chứng chỉ và mất thêm 2 năm nữa nếu muốn thi tiếp cho hạng mục lông khác.

Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch hội con sen Việt Nam - Ảnh 3.

"Tương tự như đường một chiều, người đi đường chỉ có thể tiến về phía trước bằng cách đi không ngừng nghỉ. Mỗi chặng lại có trạm kiểm duyệt", Sơn so sánh.

Đi con đường chưa ai đi, ban đầu Sơn cũng đối mặt nhiều nỗi sợ. Thay vì lảng tránh, Sơn đối diện với những nỗi sợ ấy. Anh thừa nhận, khó khăn lớn nhất với một người sống khá khép kín như anh là giao tiếp. "Giống đa số người nuôi mèo, mình sống nội tâm, không tự tin trước đám đông. Mình chưa từng nghĩ đến một ngày sẽ theo đuổi sự nghiệp giám khảo mèo, phải gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người, từ những nền văn hóa khác nhau. Nhưng có lẽ, nghề đã chọn mình, mình cứ đón nhận bằng tâm thế không ngừng học hỏi", Sơn trải lòng.

Không những thế, trong những cat show đầu tiên, với vốn liếng tiếng Anh gần như bằng 0, Sơn thấy mình "như vịt nghe sấm". Anh cũng bất lực trong việc diễn giải suy nghĩ của mình. Sơn tự thấy bị cô lập. Nhưng anh không cô đơn. Mỗi lần đi nước ngoài, anh có vợ đồng hành và phiên dịch từng câu.

Sau khi dịch Covid xảy ra, vợ anh sinh con không thể đi cùng. "Lúc ấy, mình phải buộc phải ra nước ngoài một mình. Tình thế buộc mình phải cố nghe và vượt qua sự xấu hổ, mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình. Khi không nghe rõ, mình bảo người đối diện nói chậm lại. Dần dần, mình có thể hiểu được hầu hết những gì mà người khác muốn truyền đạt", Sơn hồi tưởng.

Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch hội con sen Việt Nam - Ảnh 4.

Ngoài việc rèn giũa kiến thức và giao tiếp, giám khảo mèo còn phải luyện tập con mắt quan sát tinh tường và sự điềm tĩnh trong ứng xử, không chỉ với mèo mà còn với chủ mèo. "Có mèo rất ngoan, hợp tác, nhưng cũng có các bé tương đối bướng bỉnh, hay gầm gừ. Mình phải thật sự bình tĩnh để kiểm soát. Còn với chủ mèo, giám khảo phải khéo léo, mềm dẻo trong từng lời nói để không gây cảm giác khó chịu và thất vọng".

Bên cạnh đó, qua nhiều cat show, Sơn cũng tập giải bài toán cân bằng giữa con tim và lý trí, không để cảm xúc và sở thích cá nhân lấn át những tiêu chí chuyên môn. "Ngoài sân khấu, mình có thể lựa chọn theo ý mình. Nhưng trong cuộc thi, mình phải dành thời gian để cân đo đong đếm, cái gì đúng theo tiêu chuẩn tiếp nhận từ WCF mới được phép chọn".

Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch hội con sen Việt Nam - Ảnh 5.
Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch hội con sen Việt Nam - Ảnh 6.

Trải qua quá trình học hành, thi cử dài đằng đẵng, Nguyễn Xuân Sơn là người Việt Nam đầu tiên trở thành giám khảo mèo tập sự WCF. Hiện anh cũng là Chủ tịch Liên chi hội Mèo Việt Nam (VCA). Hiện ở Việt Nam, VCA trực thuộc Bộ Nội vụ, là hiệp hội duy nhất tại Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Mèo Thế giới.

Nhìn lại chặng đường dài đã qua, Sơn cảm thấy bí quyết để dung nạp khối kiến thức đồ sộ ấy không có gì khác ngoài lòng kiên trì. Nhưng những thách thức vẫn chưa bao giờ dừng lại và anh vẫn luôn phải cố gắng vượt qua. Trong chuyến đi vào tháng 11/2022, sau 2 giờ đi từ Jakarta đến Bando (Indonesia) chấm giải, vừa đặt chân đến khách sạn, Sơn hốt hoảng nhận ra mình đã để quên vali. Cho dù đã đi nước ngoài rất nhiều, Sơn vẫn vô cùng bối rối. Trong chốc lát, anh đã lấy lại bình tĩnh và cấp tốc mua lại toàn bộ áo quần mới. Với Sơn, nghịch cảnh là lúc bản thân học hỏi và trưởng thành nhanh nhất.

Hành trình gian khổ, kéo dài hàng chục năm để trở thành giám khảo mèo của chủ tịch hội con sen Việt Nam - Ảnh 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại