Ngày 8/12, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM) để điều tra sai phạm trong việc chuyển giao gần 5.000 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) không qua đấu giá, giao dự án cho doanh nghiệp không đủ năng lực, chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia hợp tác sai quy định, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
"Tôi không tư lợi, tôi chỉ thiếu sót khi quá sốt ruột muốn tạo điều kiện cho DN sớm triển khai sớm dự án..." - ông Nguyễn Thành Tài từng có những chia sẻ với báo chí khi có kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ (TTCP).
Hành trình bán rẻ đất "vàng"
Theo kết luận của TTCP về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn thì khu đất trên có diện tích gần 5.000 m2 thuộc sở hữu Nhà nước.
Theo đó, khu đất này được cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở, có đóng góp cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue).
Năm 2007, UBND TP chủ trương thu hồi để đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, kinh nghiệm xây dựng khách sạn 5 sao, khu thương mại – dịch vụ, căn hộ cho thuê. Tuy nhiên, vào năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài đương nhiệm Phó chủ tịch UBND TP đã ký quyết định giao lô đất này cho Công ty Lavenue để thực hiện dự án.
Sau đó, Lavenue đã nộp tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất hơn 700 tỷ đồng. Kết luận của TTCT cho rằng việc này là sai nguyên tắc khi UBND TP không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản.
Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài bị cho rằng có liên quan trực tiếp đến sai phạm ở lô đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1).
TTCP khẳng định việc UBND TP không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư là vi phạm Điều 54 Luật đầu tư năm 2005. TP giao, cho thuê đất đối với Công ty cổ phần Lavenue không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định tại Điều 6, khoản 1 Điều 7 Quyết định 09/2007 của Thủ tướng và tại khoản 3 Điều 2 Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008.
“Trách nhiệm chung thuộc về UBND TP HCM. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2015. Ông Tài là người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án" - kết luận của TTCP nêu rõ việc ông Tài không xin ý kiến của Thường trực HĐND TP và không báo cáo với HĐND TP tại kỳ họp gần nhất.
Bên cạnh đó, TTCP cũng kiến nghị thu hồi lại lô đất 8-13 Lê Duẩn để bán đấu giá. Theo đó, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm tới trên 400 triệu đồng/m2. Nếu đấu giá khu đất này có thể thu về trên 2.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần số tiền cho Lavenue thuê đất.
"Tôi sai sót nhưng không tư túi"
Trong nhiệm kỳ 2004-2009 kéo dài đến năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài được phân công làm Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM phụ trách nhiều mảng. Cuối năm 2008, ông Nguyễn Hữu Tín (khi đó là Phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị, hiện đang bị tạm giam trong 1 vụ án khác) bận ra nước ngoài đi học, nên ông Tài phải kiêm thêm mảng đô thị.
Khi TTCP ra kết luận sai phạm, Ông Tài đã gặp gỡ báo chí và có nhiều chia sẻ. Cựu Phó chủ tịch TP cho rằng cần phải hệ thống lại rõ ràng và "trách nhiệm của cá nhân đến đâu thì ông nhận đến đó".
Theo ông Tài, hồi năm 2007, Chủ tịch UBND TP thời điểm đó là ông Lê Hoàng Quân quyết định và thông báo chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao và căn hộ thương mại cao cấp tại khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Ông Tài từng chia sẻ bản thân sai sót nhưng không hề tư lợi.
Cụ thể chủ trương chung là phải đấu thầu để chọn ra nhà đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ lô đất đã được 4 doanh nghiệp của Bộ Công Thương tiếp quản từ trước, lại đang có tranh kiện với Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP HCM về việc không thanh toán tiền thuê. Ông Tài cho rằng do không thể thu hồi mặt bằng nên không thể tổ chức đấu thầu, chọn nhà đầu tư đúng quy định.
“Cái khó nữa là chúng tôi là cấp địa phương, còn 4 đơn vị kia thuộc cấp Trung ương thì sao có thể vào cưỡng chế thu hồi đất. Nếu muốn đấu giá chọn nhà đầu tư thì phải là đất sạch, nên nhiệm vụ này không thể thực hiện được", ông Tài trong một lần chia sẻ với báo chí.
Sau đó, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP thời điểm đó đã xin ý kiến Chủ tịch UBND TP cho chuyển qua hình thức chọn chủ đầu tư dự án theo phương thức huy động vốn. Tuy nhiên, 4 công ty của Bộ Công Thương kiện kiện do không được tham gia góp vốn.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Tài nói: "Tôi không chịu sự tác động của bất cứ ai và cho đến thời điểm này, tôi cũng tự hào mình không tư túi, không có một đồng cắc bạc nào để mình bị chi phối.
Tôi thấy mình làm chưa tốt trong chỉ đạo điều hành, chưa kiểm tra chặt chẽ. Có phần nôn nóng, sợ quá chậm lại mất thời cơ nên tôi không kiểm soát, không lường định được các tình huống phát sinh".
Các công ty của Bộ Công Thương "lật kèo"
Ông Tài cho rằng khi ông Tín đi học nước ngoài, bản thân ông phải tiếp quản công việc còn dang dở, thành lập công ty Lavenue với sự tham gia góp vốn 50% cổ phần của bốn đơn vị Bộ Công Thương để cùng Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP HCM thực hiện dự án.
Sau đó, do thiếu vốn, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP HCM đề xuất cho Công ty THHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác đầu tư. Cựu Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài được cho là ký quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn, nắm giữ 30% cổ phần của Lavenue.
Đến năm 2010, cả 4 công ty trên đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kido. Sau khi chuyển nhượng, Công ty Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP HCM chiếm 20% cổ phần, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư Kido (công ty tư nhân) chiếm 80%. Công ty Lavenue chính thức rơi vào tay tư nhân.
Ông Tài cùng 4 cán bộ, cựu cán bộ khác bị khởi tố để điều tra.
Kết luận của TTCP cho rằng việc ông Nguyễn Thành Tài ký quyết định giao đất cho Công ty Lavenue mà không thẩm định năng lực tài chính của công ty này. Cụ thể là không thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm của các công ty thuộc Bộ Công thương.
"Việc thực hiện sai trái trên là nhằm chuyển dịch quyền sử dụng hai khu đất trung tâm TP từ nhà nước sang tư nhân với giá rẻ" - TTCP nhận định.
"Các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương luôn khiếu nại và đòi cho bằng được quyền tham gia hợp vốn đầu tư dự án... Mọi tính toán của tôi không lường được tình huống là 4 doanh nghiệp của Bộ Công Thương 'lật kèo', đi bán toàn bộ cổ phần cho công ty Kinh Đô" - ông Tài từng chia sẻ.
Ông cũng khẳng định không có ý biện minh về sai sót của mình, nhưng cũng muốn được xem xét, đánh giá khách quan: "Thực sự tôi tin cậy các cơ quan tham mưu nên có thiếu sót khi ký các quyết định. Còn nói tôi có ưu ái tạo điều kiện gì để tư lợi từ các công ty này là không có.
Thời điểm đó giá đất phải khác giờ, thanh tra kết luận tôi gây thất thoát hay có dấu hiệu cố ý làm trái như vậy là không thuyết phục. Giá đất của tám năm trước khác giá bây giờ".