Hành động với mẹ trong lễ cưới khiến cô gái luôn ân hận

Ngân Hà |

“Trong lễ cưới sang trọng của tôi, mẹ mặc quê mùa. Vì sợ xấu mặt với mọi người mà tôi không để mẹ lên lễ đài. Nửa năm sau, trong đám cưới người bạn, tôi nhận ra mình đã sai..."

Câu chuyện nhiều nước mắt về bà mẹ nghèo trong đám cưới của con gái

Chỉ một câu nói của người bạn, cô con gái này đã thấm thía được nhiều điều và phải ân hận suốt đời vì hành động thiếu suy nghĩ trong ngày trọng đại nhất cuộc đời mình. Cô kể lại câu chuyện của mình:

"Năm 13 tuổi, bố tôi mất. Là mẹ tôi bao năm bươn chải nắng mưa kiếm sống nuôi tôi ăn học, cho nên tôi mới thuận lợi tốt nghiệp đại học. 

Tôi may mắn trúng tuyển vào một doanh nghiệp lớn làm việc, đãi ngộ rất cao. Làm việc được gần hai năm, thần tình yêu cũng mỉm cười với tôi. Người đó không ai khác lại chính là con trai chủ tịch tập đoàn.

Anh ấy vẻ ngoài tuấn tú, đẹp trai, lại tốt nghiệp trường danh tiếng, các mặt đều ưu tú khiến tôi không thể cưỡng lại được, tôi hạnh phúc không từ nào tả nổi. Yêu nhau chưa được nửa năm anh ấy đã cầu hôn với tôi.

Hôn lễ của chúng tôi diễn ra ở một nhà hàng lớn nhất, sang trọng nhất của thành phố. 

Hôm đó, chúng tôi đứng ngoài sảnh để tiếp đón khách, khách đến dự rất đông, ai cũng chúc phúc cho chúng tôi, khen ngợi chúng tôi khiến tôi tưởng như mình đang nằm mơ, cảm giác như đang ở trên chín tầng mây vậy.

Hôn lễ bắt đầu khai mạc, trong đó có một nghi thức đó là mời bố mẹ cô dâu và chú rể lên sân khấu. Khi dẫn chương trình tuyên bố hôn lễ chính thức bắt đầu, tôi nhìn thấy mẹ tôi ngồi ở một góc khuất, ăn mặc rất đỗi bình thường, đầu thì bạc trắng.

Tôi trách mẹ không trang điểm, ăn mặc đẹp vào một chút, nói cho cùng đây cũng là hôn lễ của con gái mà.

Tôi cũng tự trách mình bận quá không để ý đến trang phục của mẹ. Mẹ tôi nhìn có vẻ rất ngơ ngác, dường như mọi thứ ở đây đều lạ lẫm với mẹ. So với bố mẹ nhà người ta, khác biệt lớn quá. Để cho mẹ hiện diện trước mặt mọi người với bộ dạng đó sao? Không thể được.

Tôi chạy lại nói với dẫn chương trình: "Mẹ tôi hôm nay không được khỏe, lại sợ ồn, hay thôi đừng bắt bà phải lên sân khấu nữa!".

Dẫn chương trình gật đầu đồng ý, tuyên bố hôn lễ chính thức bắt đầu, nhạc nền nổi lên, chúng tôi từ từ bước vào lễ đường, dẫn chương trình mời bố mẹ chú rể lên lễ đài, nói: " Mời cô dâu chú rể hành lễ với cha mẹ, cảm ơn công sinh thành dưỡng dục của họ".

"Công sinh thành dưỡng dục" những lời này khiến cho lòng tôi thấy nghẹn lại, tôi nhìn xuống chỗ mẹ tôi đang ngồi, nhìn thấy mẹ đang lau nước mắt. 

Cổ họng tôi nghẹn đắng, suy cho cùng, tôi chính là cả thế giới của mẹ. Hạnh phúc của tôi chính là hạnh phúc của mẹ, lúc này mẹ đang khóc, có lẽ đó cũng là những giọt nước mắt hạnh phúc".

Hành động với mẹ trong lễ cưới khiến cô gái luôn ân hận - Ảnh 1.

Xấu hổ vì mẹ nghèo có dáng vẻ "quê mùa", cô con gái không cho mẹ lên lễ đài trong đám cưới mình. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện được kể đến đây, người đọc đã cảm nhận được phần nào sự ân hận, xót xa của cô con gái khi đành lòng không cho mẹ xuất hiện trên lễ đài chỉ vì e ngại dáng vẻ "quê mùa", bình dị của người mẹ nghèo quanh năm lam lũ.

Chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng nó đã phơi bày nhiều khía cạnh nhức nhối trong xã hội nay. Cách sống hời hợt, trọng hình thức, tiếng tăm mà quên đi công lao sinh thành, nuôi dưỡng của những người cha, người mẹ.

Người mẹ nghèo đã một mình đóng cả hai vai, vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy con gái ăn học nên người. Ấy vậy mà, khi nhận được thành quả ngọt, khi bước chân vào thế giới xa hoa, giàu có, cô con gái lại muốn chối bỏ đi những gì đã làm nên mình hôm nay. 

Câu chuyện một lần nữa đánh lên hồi chuông báo động, cảnh tỉnh lương tri con người.

Nếu thành thật với lương tâm, dám chắc không ít bạn trẻ đã từng xấu hổ về bố mẹ mình. Chỉ vì sợ bạn bè nghĩ mình nhà quê, con nhà nghèo, có bà mẹ nói đặc tiếng địa phương hay xấu xí, già nua....

Nếu không có sự hi sinh của mẹ, nếu không vì con mà mẹ tần tảo làm việc, không quản nắng mưa, không quản làm thuê cuốc mướn, đầu tắt mặt tối chỉ để mong có tiền lo cho con ăn học thì liệu cô con gái có được ngày hôm nay? 

Những giọt nước mắt người mẹ tuôn rơi có thể là giọt nước mắt của hạnh phúc, của sự tự hào và đằng sau đó là giọt nước mắt mặn chát vì tình cảm của đứa con mình đã mang nặng đẻ đau.

Cô con gái kể tiếp: "Sau lễ cưới vài ngày, mẹ tôi vẫn lưu luyến không muốn rời, lúc đi về, mẹ cứ khóc mãi. Nửa năm sau, tôi có đi tham dự hôn lễ của một người bạn. 

Khi dẫn chương trình mời bố mẹ hai bên lên lẽ đài, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một người ngồi xe lăn đi lên lễ đài. Dẫn chương trình giới thiệu: "Đây là mẹ của cô dâu".

Cô dâu rưng rưng khóc nói: "Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời tôi, tôi muốn cùng mẹ của mình cùng chia sẻ giây phút hạnh phúc này.

Mẹ tôi mặc dù không thể đi được như người bình thường, nhưng bà đã dành trọn tình yêu thương cho tôi, bà mãi mãi là người mẹ vĩ đại trong lòng tôi!". Nói xong, cả khán phòng rộ lên tiếng vỗ tay của quan khách.

Giây phút đó, tôi như bị một cây kim cắm thẳng vào trái tim, tôi nhớ lại đám cưới nửa năm trước của mình, nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ tôi hôm đó. 

So với bạn tôi, tôi xấu hổ đến bẽ bàng, bây giờ tôi mới hiểu ra sự hồ đồ nhất thời của tôi lại mang lại tổn thương lớn đến nhường nào."

Hành động với mẹ trong lễ cưới khiến cô gái luôn ân hận - Ảnh 2.

Phận làm con, có cha mẹ nghèo khó, lam lũ, bạn càng nên tự hào! (Ảnh minh họa)

Trong xã hội hiện đại, có  không ít người con cảm thấy xấu hổ vì cha mẹ mình nghèo. Họ lên thành phố lập nghiệp, gặp được những người được gọi là giàu có rồi họ hùa theo. 

Ăn mặc đẹp, chơi sang, họ quên mất mình đã từng là một cô con gái hay một câu con trai nhỏ bé của cha mẹ nghèo ở thôn quê.

Thậm chí, có nhiều người không dám thú nhận với người mình yêu rằng bố mẹ mình chân lấm tay bùn, nghèo khó. Họ cũng tìm hết lý do này đến lý do khác để từ chối dẫn người yêu về ra mắt. Họ sợ người ta nhìn thấy gia cảnh của mình, người ta sẽ chê bai, không còn yêu thương họ nữa.

Nhưng họ lại không nghĩ được rằng, những kẻ coi thường bố mẹ mình, coi thường sự vất vả nghèo khó của gia đình mình là những kẻ không đáng trân trọng, không đáng để yêu thương.

Thân làm con, có cha mẹ nghèo khó, bạn càng phải tự hào về bố mẹ. Vì dù nghèo như thế, bố mẹ vẫn nỗ lực vươn lên, vẫn cố gắng từng ngày nuôi con cái khôn lớn trưởng thành. Đó là tình yêu thương, là sự hi sinh cao thượng mà chẳng có thứ gì bù đắp được.

Đừng vì thế giới phù phiếm giàu sang bên ngoài mà quên mất bản thân và cha mẹ mình. Hãy là một người con có hiếu. 

Cha mẹ dù có nghèo, dù có xấu xí, có thế nào đi chăng nữa thì mãi mãi vẫn là người thân yêu ruột thịt của chúng ta. Vĩnh viễn không bao giờ có thể thay đổi được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại