Hành động của Nga sau lời dọa "không cho phi hành gia Mỹ về Trái đất bằng tàu vũ trụ Nga"

Hữu Hiển |

Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga từng tuyên bố cân nhắc để phi hành gia Mỹ Mark Vande Hei ở lại trong không gian, chỉ đưa hai phi hành gia Nga trở về Trái đất.

Sau khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine bùng nổ, Mỹ đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Nga.

Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ áp đặt "các biện pháp trừng phạt tàn khốc" đối với Nga, nói rằng: "Chúng tôi ước tính sẽ cắt giảm hơn một nửa nhập khẩu công nghệ cao của Nga; điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hiện đại hóa quân đội và làm suy yếu ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của họ, bao gồm cả chương trình không gian".

Nga ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ

Ngay sau khi tuyên bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra, Dmitry Rogozin - người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) – đã rất tức giận, đăng 7 bài liên tiếp lên Twitters để "phản pháo".

Hành động của Nga sau lời dọa không cho phi hành gia Mỹ về Trái đất bằng tàu vũ trụ Nga - Ảnh 1.

Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) - ông Dmitry Rogozin. Ảnh: Sohu

Ông Rogozin nhắc nhở rằng, quỹ đạo và vị trí của Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) được điều khiển bởi động cơ của Nga, nếu ngừng hợp tác với Nga, ai sẽ cứu trạm vũ trụ? ISS mất kiểm soát, có thể lao xuống Mỹ hoặc châu Âu. Một khả năng khác là thiết bị nặng 500 tấn này rơi xuống Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Mỹ có muốn đe dọa những nước này bằng một viễn cảnh như vậy hay không? Mỹ đã sẵn sàng gánh vác rủi ro của việc ISS bị rơi chưa?

Ông Rogozin cũng chỉ trích công ty Space X của tỷ phú Elon Musk: "Các người – những nhà kinh doanh tài ba – đang làm ô nhiễm quỹ đạo Trái đất thấp bằng rác".

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc từng đệ trình lên Liên hợp quốc công hàm về việc vệ tinh Starlink do công ty SpaceX phóng lên không gian đã hai lần tiếp cận Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Vì lý do an toàn, tổ hợp trạm vũ trụ Trung Quốc đã phải hai lần thực hiện các biện pháp tránh va chạm khẩn cấp.

Để chống lại các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, ông Rogozin hôm 3/3 cho biết: "Kể từ bây giờ, chúng tôi quyết định ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ và sẽ không thực hiện bảo trì kỹ thuật đối với các động cơ đã giao trước đó nữa".

Ông Rogozin nói: "Trong tình hình này, chúng tôi không thể cung cấp cho Mỹ động cơ tên lửa tốt nhất trên thế giới. Hãy để họ bay bằng một thứ khác, chẳng hạn như... chổi".

"Tôi xin nhắc lại rằng, kể từ giữa những năm 1990, Mỹ đã khá phụ thuộc vào động cơ tên lửa của chúng tôi, bán cho họ hàng chục chiếc mỗi năm", Ông Rogozin nói.

Ông Rogozin nói rằng, tên lửa Atlas-5 của United Launch Alliance (ULA) - nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ của Mỹ - sử dụng động cơ tên lửa RD-180 hoặc RD-181 trong phân đoạn đầu tiên và tên lửa này được quân đội Mỹ tin dùng nhất trong vận chuyển vũ trụ.

"Chúng tôi đã ký hợp đồng với ULA về việc cung cấp 12 động cơ tên lửa RD-181 từ năm 2022 đến năm 2024, và trong tương lai, sẽ có các cuộc đàm phán liên quan để cung cấp động cơ RD-181M với hiệu suất tiên tiến hơn. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi không nghĩ có thể tiếp tục cung cấp những sản phẩm này đến Mỹ", ông Rogozin cho biết.

Hành động của Nga sau lời dọa không cho phi hành gia Mỹ về Trái đất bằng tàu vũ trụ Nga - Ảnh 2.

Tên lửa Atlas-5 của United Launch Alliance (ULA) sử dụng động cơ tên lửa của Nga. Ảnh: Sohu

Theo trang Sohu của Trung Quốc, trong một thời gian dài, Mỹ đã không thu được nhiều thành quả trong việc phát triển động cơ tên lửa nên phải dựa vào động cơ của Nga.

Cố Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa (Mỹ) John McCain đã nhiều lần cảnh báo trong các phiên chất vấn của Quốc hội Mỹ trong vài năm gần đây rằng: "Thật đáng xấu hổ khi sử dụng động cơ do Nga sản xuất trong tên lửa của Mỹ". Ông kêu gọi ULA hoặc các đơn vị công nghiệp vũ trụ khác của Mỹ phát triển ngay lập tức động cơ tên lửa của riêng mình, để tránh bị Nga chèn ép trong ngành công nghiệp vũ trụ.

Phi hành gia Mỹ về Trái đất

Ngoài ra, Nga cũng đã quyết định ngăn cản các phi hành gia của mình tiến hành các thí nghiệm chung với các phi hành gia Đức.

Ông Rogozin cho biết: "Do những nhận xét không phù hợp của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR), chúng tôi sẽ ngừng mọi hoạt động tương tác với tổ chức này, bao gồm cả các thí nghiệm trên ISS".

Hiện tại, trên ISS có 7 phi hành gia, trong đó có 2 phi hành gia Nga, 4 phi hành gia Mỹ và 1 phi hành gia Đức.

Anton Shkaplerov và Pyotr Dubrov - hai phi hành gia người Nga trên ISS - vừa hoàn thành chuyến đi bộ trong không gian đầu tiên trong năm 2022 và sửa chữa các tấm pin mặt trời của ISS vài ngày trước. Nhưng họ hiện đang rất khó xử khi được lệnh không hợp tác với các phi hành gia khác.

Tuy nhiên, tình thế khó xử của các phi hành gia trong không gian vẫn là chuyện nhỏ. Nếu Mỹ và Nga cắt đứt thỏa thuận hợp tác không gian, các phi hành gia Mỹ đã vào không gian trên tàu vũ trụ của Nga có thể sẽ không thể quay trở lại Trái đất.

Ngày 26/2, ông Rogozin đã đăng một video bằng tiếng Nga nói rằng, ông đang cân nhắc để phi hành gia người Mỹ Mark Vande Hei ở lại trong không gian, chỉ đưa hai phi hành gia người Nga trở về Trái đất, và còn tách mô-đun của Nga khỏi ISS.

Hành động của Nga sau lời dọa không cho phi hành gia Mỹ về Trái đất bằng tàu vũ trụ Nga - Ảnh 3.

Theo kế hoạch, Mark Vande Hei - phi hành gia của Nasa (ngoài cùng bên phải) sẽ trở về Trái đất cùng với hai phi hành gia người Nga bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga vào ngày 30/3. Ảnh: Sohu

Tháng 4/2021, phi hành gia Mark Vande Hei đã lên ISS bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Theo kế hoạch ban đầu, nhiệm vụ kéo dài 355 ngày của Vander Hei ​​sẽ kết thúc vào cuối tháng 3. Vande Hei và hai phi hành gia khác người Nga khác sẽ trở về Trái đất ba tuần sau trên một tàu vũ trụ của Nga, dự kiến hạ cánh ở Kazakhstan.

Gia đình của Mark Vande Hei rất lo lắng về việc anh sẽ không thể trở lại Trái đất.

Mẹ của Mark Vande Hei nói với các phóng viên: "Tôi đã khóc trong nhiều ngày và cảm thấy rất sợ hãi, nhưng con trai tôi sẽ không dễ sợ hãi như vậy".

Mark Vande Hei năm nay 55 tuổi, là cha của hai đứa trẻ. Vợ của Vande Hei cho biết, anh là một người rất hòa hợp và có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các phi hành gia khác.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, họ tin tưởng rằng Mark Vander Hei vẫn có thể được đưa về về nhà một cách suôn sẻ.

Dù ông Rogozin đưa ra lời đe dọa, nhưng ngày 14/3, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã bác bỏ tin đồn rằng họ sẽ bỏ rơi một phi hành gia người Mỹ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do căng thẳng leo thang với Mỹ

Nga sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình và phi hành gia người Mỹ Mark Vande Hei sẽ trở về Trái đất trên tàu vũ trụ Soyuz vào ngày 30 tháng 3, theo kế hoạch, bộ phận báo chí của cơ quan này nhấn mạnh.

ISS được xây dựng với sự hợp tác của Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và được chia thành hai phần: mô-đun quỹ đạo của Nga và mô-đun quỹ đạo của Mỹ.

Phi hành gia NASA Garrett Reisman cho biết: "Mô-đun của Nga không thể hoạt động nếu không có điện từ phía Mỹ, và mô-đun của Mỹ cũng không thể hoạt động nếu không có hệ thống đẩy của phía Nga. Vì vậy, sẽ không thể "chia tay trong hòa bình", không thể tách rời một cách có ý thức".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại