Theo bản kết luận của TTCP, trong năm 2014 và 2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 mét vuông, tổng số tiền thu về hơn 700 tỉ đồng. Tất cả trường hợp này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.
Bên cạnh đó, ACV còn có dấu hiệu lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.
Cụ thể, kết luận TTCP chỉ ra, chi nhánh các cảng hàng không đang thu tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô đưa đón, trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai, do không phải nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 2012 – 2015 với số tiền 550.959 triệu đồng. Kết luận TTCP khẳng định, trách nhiệm này thuộc về ACV-21.
Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, hầu hết các cảng hàng không trên cả nước đều thu từ 10.000-30.000 đồng/lượt xe của tài xế đón trả khách.
Theo kết luận TTCP, hiện có tới 21 trong tổng số 22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000-30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1/10/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào cảng hàng không là 550.959 triệu đồng.
Tại TPHCM, số liệu báo cáo của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy, năm 2014 có khoảng 22.400 ôtô/ngày ra vào sân bay. Với mức thu thấp nhất là 10.000 đồng/lượt xe, bình quân cảng này thu ít nhất được hơn 220 triệu đồng/ngày, hơn 80 tỉ đồng/năm. Được biết, việc thu phí này diễn ra liên tục từ năm 2002 đến nay.
Tại Hà Nội, những người hành nghề taxi phải trả 15.000 đồng/lượt xe ra vào sân bay Nội Bài. Ngoài ra, việc thu phí còn được tính theo thời gian đậu trong sân bay: Xe đến 9 chỗ, xe tải đến 1,5 tấn chịu phí là 15.000 đồng trong thời gian 60 phút.
Sau 60 phút, mỗi giờ tính thêm 5.000 đồng. Các loại xe lớn hơn có mức đóng cao hơn, tới 30.000 đồng.