Chính phủ mới đây đã công bố danh sách các mặt hàng sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).
Theo đó, hàng nghìn mặt hàng từ các nước thành viên ACFTA, trong đó có Trung Quốc… sẽ được hưởng thuế ưu đãi 0% khi vào Việt Nam nếu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) được Bộ Công thương quy định.
Đáng lưu ý, trong số hàng nghìn mặt hàng nói trên, các mặt hàng nông nghiệp chiếm chủ yếu như hoa quả; các loại thị trâu, bò, thịt lợn, cá các loại và nhiều loại thuỷ hải sản, cà phê, ngũ cốc…
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào Việt Nam với kim ngạch 40,3 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 17,3 tỷ USD. Tức là nhập siêu lên tới 23 tỷ USD.
Phân tích từ thống kê các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam của Tổng cục Hải quan cho thấy doanh nghiệp trong nước đã nhập 53 triệu USD hàng thủy sản, gần 170 triệu USD rau quả...
10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập rau quả từ 11 quốc gia, trong đó Thái Lan chiếm nhiều nhất với 327 triệu USD, tiếp đến là Trung Quốc với 170 triệu USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc áp thuế 0% đối với hàng nghìn mặt hàng từ Trung Quốc, con số nhập siêu từ nước này sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt ở việc nhập khẩu các mặt hàng được miễn thuế.
Lo ngại hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan
Bên cạnh nỗi lo sức ép cạnh tranh, nhiều ý kiến cũng bày tỏ khả năng hàng hóa Trung Quốc, nhất là hàng nông sản kém chất lượng, hàng giả mạo hàng Việt Nam và các nước khác sẽ tràn vào nước ta.
Trước những lo ngại này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: Vấn đề thuế nhập khẩu xuống 0% và vấn đề hàng kém chất lượng, hàng giả là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
"Việc thuế nhập khẩu xuống 0% hay cao hơn không phải là nguyên nhân phát sinh vấn đề hàng kém chất lượng, hàng giả", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Bộ trưởng cho biết, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) được ký ngày 29/11/2004 tại Lào, có hiệu lực từ ngày 19/10/2005.
Theo lộ trình tự do hóa cuối cùng của ACFTA vào năm 2020 với tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam dành cho Trung Quốc và các nước ASEAN vào khoảng 86%, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc là khoảng 95%.
Tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam trong ACFTA ở mức trung bình so với cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định Thương mại tự do khác và đáp ứng tiêu chí của WTO đối với một Hiệp định Thương mại tự do, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng, phải tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.
Chúng ta không thể đơn phương ngăn chặn, cấm nhập khẩu hoặc có các biện pháp mang tính phân biệt đối xử đối với hàng hóa của một quốc gia nếu hàng hóa đó không vi phạm luật pháp Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Về nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, Bộ trưởng Dũng cho hay, trong nhiều năm qua, không phải đợi đến khi thực thi các cam kết giảm thuế trong khuôn khổ ACFTA, Chính phủ luôn coi trọng công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (trong đó có hàng nông sản) với nhiều giải pháp.
Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả.
Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình “Tự hào hàng Việt” nhằm tuyên truyền ý thức sử dụng hàng Việt, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới.