"Cá chết nổi kín lồng như bị ai đánh mìn vậy"
Tính đến ngày 22/7, thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy sau 21 năm, số lượng cá chết lên đến hàng trăm tấn. Các loại cá chết chủ yếu là cá da trơn như lăng, ngạnh, chiên, tầm và các loại cá có vảy như trắm cỏ, trắm đen, diêu hồng, rô phi…
Xả lũ ở thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Anh
Là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất, ông Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm HTX nông lâm thủy sản Kỳ Sơn cho biết trên báo Nhân dân: "Hợp tác xã có 15 hộ tham gia nuôi cá với tổng số 34 lồng gồm nhiều loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá lăng, cá chiên, cá ngạnh, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng...
Sau 3 ngày Nhà máy thủy điện Hoà Bình xả lũ thì toàn bộ số lồng cá của HTX bị thiệt hại. Tính đến thời điểm 17 giờ 30 phút ngày 21/7, hầu như toàn bộ số cá lồng của các xã viên đều bị chết. Thậm chí, các loại cá có sức đề kháng tốt như cá chiên, cá ngạnh sống ở tầng đáy cũng bị chết. Trong đó, có nhiều loại cá có trọng lượng đang chuẩn bị xuất bán.
Tổng thiệt hại của HTX ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Trong đó, đầu tư ban đầu để nuôi cá lồng của các xã viên HTX là hơn một tỷ đồng".
Trước những thiệt hại quá lớn và bất ngờ, ông Bảo đau xót tâm sự trên báo Dân việt: "Ngày hôm qua, tôi chỉ thấy lác đác vài con ngoi ngóp nên tôi gọi bán được một ít. Đến sáng nay, ngủ dậy tôi không tin vào mắt mình nữa, cá chết nổi kín lồng như bị ai đánh mìn vậy".
Cá lồng bị ngộ độc khi hồ thủy điện Hòa Bình xả đáy. Ảnh: C.N/Lao động
Không chỉ Hòa Bình, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cũng bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của việc xả lũ.
Anh Dương Tiến Dũng, khu 5, xã Xuân Lộc, cho biết trên báo này, gia đình anh nuôi 15 lồng cá thì đợt này gần như mất trắng cả 15 lồng.
"Chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày hôm nay vì cá, chưa bao giờ cá chết đột ngột mà nhiều như vậy. Từ đêm 19/7, cá bắt đầu có hiện tượng nổi đầu sau đó chết, đầu tiên chết cá giống nhỏ, sau đó cá to dần dần, đến hôm nay vẫn tiếp tục chết" - anh Dũng nói.
Mặc dù đã làm đủ các biện pháp như sục khí, chắn lưới… nhưng cá vẫn chết, anh Dũng đành phải bán vội để gỡ gạc được phần nào.
Theo các hộ dân, số cá này một ít được bán cho thương lái với giá chỉ bằng 1/10 so với giá trị thực, còn lại hầu hết cá chết bị thối bán cho các hộ thu gom về bón cây với giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg. Trong đó, có cả loại cá cao cấp như cá chiên vốn có giá gần 1 triệu đồng/kg giờ bán chỉ còn gần 100.000/kg.
Nguyên nhân, theo người dân được xác định là do thủy điện Hòa Bình xả lũ mấy ngày qua khiến cá bị sặc nước do lưu lượng dòng chảy lớn và bị ngạt khí do độc tố từ bùn đáy tác động dẫn tới chết hàng loạt.
Các chủ bè cho hay, do việc xả lũ chỉ được thông báo trước hai ngày khiến họ xoay xở không kịp.
Người dân có được đền bù?
Trả lời về vấn đề trên, ông Đặng Trần Công, Chánh văn phòng công ty thủy điện Hòa Bình xác nhận việc xả lũ đã ảnh hưởng đến các hộ nuôi cá lồng trên lưu vực sông Đà ở tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ.
Ông Công khẳng định trên báo Lao động: Cty Thủy điện Hòa Bình thực hiện lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thực hiện xả lũ theo quy trình.
Trong mùa lũ, chính Tổng Giám đốc của EVN cũng không thể quyết định được việc xả lũ hay không, mà phải theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) theo quy trình vận hành điều tiết liên hồ chứa.
Cá chết được thu gom trong bao bì trước khi chôn. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Ông Đặng Hoàng An - Tổng Giám đốc EVN Việt Nam - cũng nêu quan điểm trên báo này: Trong mùa mưa lũ, theo quy định các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Hồng phải có trách nhiệm tuân thủ tuyệt đối lệnh điều hành của BCĐ Trung ương về PCTT.
Còn về việc EVN Việt Nam có kế hoạch hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng bị chết trên lưu vực sông Đà do ảnh hưởng của đợt xả lũ vừa qua tại thủy điện Hòa Bình, ông An cho rằng cần trao đổi với BCĐ Trung ương về PCTT.
Tổng hợp