Một lá thư có chữ ký của hơn 250 cựu nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng nội các, các nhà ngoại giao và nhà khoa học đã kêu gọi G7 hành động để tái khởi động các cuộc đàm phán Nga - Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Trong lá thư, các nhà chính trị và khoa học cho rằng, các cuộc đàm phán về kiểm soát hạt nhân không nên trở thành "nạn nhân" của cuộc đối đầu giữa các cường quốc.
"Thế giới rất cần kiểm soát vũ khí hạt nhân nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Trong những giờ phút đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã có thể và sẵn sàng thảo luận và thống nhất các biện pháp nhằm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Tuyên bố [của chúng tôi -ND] ủng hộ việc quay trở lại chính sách ngoại giao này và bảo vệ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân như một mệnh lệnh toàn cầu" - bức thư có đoạn viết.
Lá thư được kêu gọi bởi 2 tổ chức phi lợi nhuận là Mạng lưới Lãnh đạo Châu Âu và Mạng lưới Lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương.
Bức thư ngỏ có tổng cộng 256 chữ ký từ 50 quốc gia khác nhau, trong đó có 6 cựu nguyên thủ quốc gia, 26 cựu bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, 30 cựu đại sứ, cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia và nhà vận động chống hạt nhân.
Trước hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, các bên ký kết đã kêu gọi năm cường quốc hạt nhân trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh - "đảm bảo rằng việc kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ không trở thành nạn nhân của cạnh tranh địa chính trị”.
Bức thư kêu gọi Nga và Mỹ “phân chia” vấn đề kiểm soát vũ khí khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ theo hiệp ước và cam kết “đàm phán thiện chí” về việc thay thế New START trước khi nó hết hạn vào năm 2026.
Nga đã đình chỉ tham gia New START vào tháng 2, viện dẫn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các căn cứ không quân chiến lược của Nga và sự hỗ trợ liên tục của Mỹ dành cho Kiev nhằm theo đuổi một “thất bại chiến lược” đối với Moscow.
Hiệp ước New START là di tích cuối cùng còn sót lại của nỗ lực của Mỹ và Liên Xô nhằm ngăn chặn sự hủy diệt hạt nhân bằng cách chấp nhận các hạn chế đối với kho vũ khí của họ và xây dựng lòng tin lẫn nhau.