Vụ cháy rừng Amazon thu hút ánh mắt của toàn thế giới, thế nhưng không phải bất cứ hình ảnh ngọn lửa nào bạn thấy trên mạng xã hội cũng được chụp tại Brazil. Trong làn sóng ủng hộ Brazil, người nổi tiếng, các chính trị gia, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhiều trang blog liên tục đăng tải những ảnh cháy rừng … ở nơi khác, thậm chí có cả ảnh những đám cháy đã được dập nhiều năm về trước.
Những cá nhân đó có ý định tốt nhưng lại chưa tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc các tấm ảnh:
Siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo chia sẻ với 120 triệu người theo dõi trang Facebook cá nhân và 80 triệu người theo dõi Twitter tấm ảnh sau, với dòng chữ kêu gọi “cứu lấy hành tinh của chúng ta”.
Tấm ảnh đầy lửa và khói này được chụp năm 2013, ở một khu vực khác của Brazil chứ không phải rừng Amazon. Tấm ảnh này được tờ Baltimore Sun sử dụng trong một bài báo được đăng tải ngày 29 tháng Ba năm 2013.
Jaden Smith, con trai của tài tử điện ảnh Will Smith đăng tải một tấm ảnh khác, một ngọn lửa dữ dằn đang liếm mất những phần rừng quý giá. Cậu không biết rằng tấm ảnh này đã có tuổi đời 30, già hơn cả cậu.
Tấm ảnh đó cũng xuất hiện trên trang Twitter cá nhân của Novak Djokovic với 9 triệu người theo dõi, trên trang Instagram của Madonna với 14 triệu follower. Bản thân nó được chụp tại Brazil, nhưng từ năm 1989 cơ! Nó đã từng xuất hiện trên tờ The Guardian hồi năm 2008, khi tờ báo uy tín này đăng tải một loạt ảnh cháy rừng thương tâm, nhằm lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng.
Có một cái tên bất ngờ xuất hiện: diễn viên từng đoạt giải Oscar và cũng là một nhà hoạt động môi trường có tiếng, tài tử Leonardo DiCaprio. Anh chia sẻ hình ảnh một đám cháy rừng với 34 triệu follower trên Instagram, thế nhưng lại không kiểm tra rõ nguồn ảnh.
Ca sĩ Ricky Martin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chia sẻ cùng tấm ảnh đó.
Đây là tấm ảnh do nhiếp ảnh gia Loren McIntyre chụp lại, ông là một nhà thám hiểm đã qua đời năm 2003.
Ngoài ảnh cháy rừng, nhiều người còn chia sẻ những hình ảnh đau lòng nhưng sai sự thật khác. Có người chụp ảnh một con voi đang bị lửa liếm lên thân mình, thế nhưng voi không phải động vật bản xứ của Châu Mỹ. Có một người nổi tiếng khác đăng tải tấm ảnh người lính cứu hỏa rót nước uống cho con gấu koala vừa thoát đám cháy rừng, nhưng koala là loài có vú chỉ có tại Châu Úc.
Thông điệp đằng sau những tấm ảnh đó đều tốt! Họ đều kêu gọi cư dân mạng hãy để ý hơn tới môi trường, tuy nhiên họ cũng phải để ý hơn tới những tấm ảnh mà mình đăng tải. May mắn cho chúng ta, những mẩu “tin thật ảnh giả” này không gây hại.