Theo đó, sau khi được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt danh mục tài sản mua sắm, từ ngày 5/2/2020 đến 31/8/2021, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản đề nghị Sở Tài chính thẩm định giá, nhưng đơn vị này trả lời “không có đủ thông tin để đối chiếu mức giá cung cấp trên địa bàn đối với giá thiết bị mua sắm theo đề nghị của Sở Y tế; Sở Y tế có thể ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá”.
Đồng thời, đến 17/9/2021, Sở Tài chính Quảng Trị có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh hướng dẫn giá hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị định 86 ngày 6/8/2021 của Chính phủ. Từ ngày 18/9/2021 trở đi, Sở Y tế Quảng Trị ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá.
Cụ thể, Sở Y tế Quảng Trị ký hợp đồng với Công ty CP thẩm định giá BTC VALUE – Chi nhánh Đà Nẵng, tiến hành thẩm định giá để làm căn cứ cho việc xác định giá tối đa của từng loại hàng hóa và giá các gói thầu của từng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, trong chứng thư thẩm định giá có một số tồn tại.
Chẳng hạn, chứng thư thẩm định giá lựa chọn phương pháp so sánh sử dụng giá chào bán của các nhà cung cấp nhưng chưa có phân tích, hiệu chỉnh của thẩm định viên để xác định giá tài sản; một số khác nêu điều kiện hạn chế, tức chỉ dùng vào mục đích đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh; không dùng cho mục đích chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế (đang được địa phương vận dụng-PV) là chưa phù hợp với mục đích thẩm định giá.
Thế nhưng Sở Y tế Quảng Trị đã không kiểm tra, yêu cầu đơn vị thẩm định giá làm rõ trước khi lập và trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Sở Tài chính cũng không yêu cầu Sở Y tế bổ sung, làm rõ trước khi trình UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt với hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn.
Chưa hết, từ tháng 1/2020 đến 27/7/2021, Sở Tài chính Quảng Trị đã trình UBND tỉnh này phê duyệt 18 kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không lập báo cáo kết quả thẩm định theo quy định. Quá trình lựa chọn, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021 của Sở Y tế Quảng Trị với các bên cung cấp sản phẩm còn có những “bất thường” khác, như không có thư mời báo giá, biên bản bàn giao báo giá, biên bản tiếp nhận báo giá; hợp đồng mua bán không kèm theo thư mời thương thảo hợp đồng, không thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng…
Đối với việc mua sắm này tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị, hầu hết các gói thầu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục mua sắm.
Sở Y tế tỉnh Quảng Trị.
Tương tự Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và CDC Quảng Trị đã chủ động ký hợp đồng với Công ty CP Thẩm định giá BTC VALUE – Chi nhánh Đà Nẵng để tiến hành các phần việc tương tự trên.
Đáng chú ý, tại gói thầu mua test phục vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 năm 2020 trị giá hơn 1,2 tỉ đồng, chứng thư thẩm định giá của công ty thẩm định giá kể trên ghi “tại thời điểm thẩm định giá, CDC Quảng Trị đang sử dụng máy Real-time PCR CFX96 Bio-Rad chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á nên tài sản thẩm định hạn chế về thông tin thị trường”(?!).
Thanh tra tỉnh Quảng Trị cho rằng, chưa có tài liệu để khẳng định máy Real-time PCR CFX96 Bio-Rad chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á. Chưa hết, CDC Quảng Trị còn tồn kho 1.000 sinh phẩm xét nghiệm của hãng Thái Dương, 2.460 của hãng Alibaba cho đến lúc hết hạn không được sử dụng nhưng vẫn tiến hành hàng loạt gói thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm tương tự; đặc biệt, gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 năm 2021 có giá hơn 2,1 tỉ đồng nhưng đơn vị này đã “kê” lên hơn 2,4 tỉ đồng...
Ngoài ra, tại các đơn vị khác trực thuộc Sở Y tế Quảng Trị, hầu hết các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021, là chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục mua sắm nhưng các đơn vị này vẫn mua sắm, làm nảy sinh nhiều sai phạm.
Như Báo CAND đã thông tin, trong năm 2020 và 2021, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và CDC Quảng Trị đã mua 21 gói thầu kit test COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất tại Công ty CP Thiết bị y tế và Dược phẩm Thừa Thiên - Huế với giá hơn 30 tỉ đồng. Trong đó, CDC Quảng Trị mua tổng cộng hơn 14,4 tỉ đồng, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị mua gần 16 tỉ đồng. Được biết, sau kết quả thanh tra kể trên, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vẫn đang tiếp tục xác minh, xử lý các sai phạm liên quan.