Hàng loạt điểm mập mờ đằng sau sữa tăng cân Yarmy Milk được TikToker hơn 6 triệu follow quảng cáo

Hạ Vũ |

Sữa tăng cân Yarmy Milk với nhiều dấu hiệu bất thường từ nguồn gốc đến chất lượng thế nhưng sản phẩm này vẫn đang tiếp tục được bày bán...

Mập mờ trong sản xuất, phân phối

Những ngày qua, dư luận một lần nữa xôn xao trước tình trạng sữa cỏ , sữa kém chất lượng tràn lan. Trong một phóng sự của VTV, hình ảnh tại một xưởng gia công sữa khiến người ta không khỏi hoang mang vì không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nhân viên dùng giẻ lau thay vì các biện pháp an toàn khác, chủ thì mặc quần đùi nhảy nhót ngay trong khu vực gia công...

Yarmy Milk là một trong những sản phẩm đặt ra nhiều câu hỏi nhất về nguồn gốc và chất lượng. Theo đó, bên ngoài bao bì của sản phầm này không hề có địa chỉ sản xuất trực tiếp mà chỉ ghi địa chỉ phân phối độc quyền. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV VTV, địa phân phối độc quyền in trên vỏ hộp sữa lại là địa chỉ sinh sống của một hộ gia đình, không hề có bất kì hoạt động kinh doanh nào. Thông tin liên lạc với đơn vị phân phối độc quyền in trên vỏ hộp là công ty TNHH Yamy thì không thấy có số điện thoại.

Hàng loạt điểm mập mờ đằng sau sữa tăng cân Yarmy Milk được TikToker hơn 6 triệu follow quảng cáo - Ảnh 1.

Địa chỉ phân phối sản phẩm của công ty Yamy in trên vỏ hộp...

Chưa dừng lại đó, trên MXH xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh về dây chuyền sản xuất được TikToker 6 triệu follow dùng để quảng cáo cho sản phẩm. Vậy nếu những clip đó không được ghi tại đây thì chúng ở đâu? Sự mập mờ này càng khiến người ta phải lo lắng.

Hàng loạt điểm mập mờ đằng sau sữa tăng cân Yarmy Milk được TikToker hơn 6 triệu follow quảng cáo - Ảnh 2.

... Thực chất lại là một hộ gia đình đang sinh sống mà không có bất kì hoạt động kinh doanh nào (Nguồn VTV).

"Chất lượng xuất khẩu" nhưng người dùng nhập viện

Bên cạnh vấn đề về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm này cũng là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm. Trên mạng xã hội TikTok, sữa tăng cân Yarmy Milk vẫn được một hot TikToker với hơn 6 triệu lượt theo dõi livestream bán hàng một cách rầm rộ. Giá niêm yết là 495.000 đồng 1 hộp, nhưng trong những buổi livestream bán hàng lại được giảm giá tới hơn 50%, chỉ bằng 1/3 giá thành của những sản phẩm sữa có thương hiệu, uy tín khác trên thị trường.

Tuy nhiên, tăng cân chưa thấy đâu, nhiều người đã gặp phải vấn đề sức khoẻ như sụt cân vì bị đau bụng, tiêu chảy phải nhập viện... sau khi sử dụng sản phẩm sữa này.

Hàng loạt điểm mập mờ đằng sau sữa tăng cân Yarmy Milk được TikToker hơn 6 triệu follow quảng cáo - Ảnh 3.

Tăng cân chưa thấy đâu, nhiều người đã phải nhập viện.

Trước những nghi ngờ của người dùng về chất lượng sản phẩm, TikToker bán sữa Yarmy liên tục đưa ra giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA. Cẩn thận hơn, hãng sữa này còn in hẳn logo của FDA trên vỏ hộp.

Hàng loạt điểm mập mờ đằng sau sữa tăng cân Yarmy Milk được TikToker hơn 6 triệu follow quảng cáo - Ảnh 4.

Giấy chứng nhận ISO và FDA mà TikToker đưa ra để chứng minh sản phẩm sữa Yarmy đạt chuẩn.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Sữa cũng cho biết, các thành viên trong Hiệp hội mới chỉ có 2 doanh nghiệp sữa lớn trong nước có chứng nhận FDA để xuất khẩu sữa sang Hoa Kỳ. FDA cũng không cho phép doanh nghiệp in logo của họ trên nhãn hàng hóa.

Chưa dừng lại đó, trên bao bì của sản phẩm này in rõ "Được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội". Tuy nhiên, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tại đây không có Viện Công nghệ thực phẩm, mà chỉ có Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Trường cũng không có hợp tác gì với nhãn sữa này.

Hàng loạt điểm mập mờ đằng sau sữa tăng cân Yarmy Milk được TikToker hơn 6 triệu follow quảng cáo - Ảnh 5.

Tại nơi được cho là dây chuyền sản xuất, khách ra vào không cần bảo hộ lao động, không khẩu trang. Thậm chí nhân viên mặc cả quần đùi nhảy nhót

Ngoài ra, trong nhiều clip được đăng tải hãng sữa Yarmy cũng liên tục dùng hình ảnh của một bác sĩ giới thiệu là nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình để quảng cáo. Tuy nhiên Đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình cho biết vị bác sĩ này đã nghỉ làm tại đây gần 20 năm.

Đặc biệt, theo quy định của của Luật An toàn thực phẩm, không được phép sử dụng tên bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm. Thế nhưng hãng sữa Yarmy vẫn sử dụng để quảng cáo về mặt chuyên môn cho sản phẩm sữa này.

Với những dấu hiệu bất thường từ nguồn gốc đến chất lượng như vậy thế nhưng sản phẩm này vẫn đang tiếp tục được bày bán trên các sàn thương mại điện tử cũng như nền tảng MXH. Từ đây, người tiêu dùng cũng đặt ra không ít băn khoăn về việc quản lý, cấp phép kinh doanh các mặt hàng sữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại