Xem xét các dự án mới
Trước tình trạng hàng loạt "đại gia" dầu khí rút lui khỏi Việt Nam như Tập đoàn PTT (Thái Lan), Tập đoàn Gazprom Neft Nga (GPN), Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar), trao đổi với BizLIVE về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, ông hoan nghênh việc các “đại gia” dầu khí rút lui trong bối cảnh hiện nay.
“Cho đến bây giờ các dự án dầu khí đang triển khai đã khá nhiều trong khi mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 15-17 triệu tấn dầu các loại, cho đến năm 2020 dự kiến 22-23 triệu tấn.
Bên cạnh đó, dầu khí là dự án gây ô nhiễm môi trường rất nặng, nếu chỉ nhập dầu thô sản xuất dầu tinh, giá trị gia tăng chỉ 10% trong khi đó chiếm đất nhiều, lao động không nhiều lắm”, ông Mại phân tích.
Ông so sánh, như Samsung với diện tích 100 ha ở Thái Nguyên có thể thu hút 40.000-50.000 lao động nhưng một dự án như Lọc hoá dầu Nhơn Hội vài ba nghìn ha nhưng chỉ thu hút 10.000-15.000 lao động, giá trị gia tăng 10% và khả năng ô nhiễm môi trường rất lớn.
“Đề nghị Chính phủ nên xem xét các dự án dầu khí mới, các dự án đã hoặc sắp triển khai nên khắt khe trong vấn đề môi trường.
Phải có những cam kết đầu tư cho môi trường trên tỷ lệ vốn đầu tư thích ứng, cam kết không gây ra những thảm hoạ về môi trường. Sau khi đi vào sử dụng có một đợt thanh, kiểm tra và các quan trắc về môi trường”, ông Mại nhấn mạnh.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE
Ví dụ về Lọc hoá dầu Nghi Sơn, ông Mại chia sẻ, mới đây Thanh Hoá đã yêu cầu xem xét toàn bộ quy trình xả thải ra biển.
Thậm chí, theo ông cần có các quan trắc môi trường như Bộ Tài nguyên môi trường đưa vào dự án Formosa Hà Tĩnh để biết được hàng giờ, hàng ngày dự án thải ra môi trường bao nhiêu và khi phát hiện ra sự cố yêu cầu chủ đầu tư xử lý kịp thời.
Vốn đầu tư oách nhưng đất nước được gì?
Trước thực tế, vấn đề môi trường đã được cảnh báo nhiều liên quan đến các dự án lọc hoá dầu nhưng địa phương vẫn “trải thảm đỏ”, kỳ vọng việc tạo GDP lớn cho địa phương cũng công ăn việc làm cho lao động, vấn đề môi trường chưa được đặt ra, ông Mại cho rằng, ngay cả hiệu quả kinh tế xã hội của địa phương lãnh đạo địa phương cũng chỉ là nghe nói thế thôi.
“Khi có dự án đầu tư nước ngoài vào như Nhơn Hội, Bình Định chưa tính toán địa phương thu được bao nhiêu, vào thời điểm nào”, ông nhấn mạnh.
Theo phân tích của Chủ tịch VAFIE, Việt Nam đã có dự án lọc dầu Dung Quất và mở rộng, và dự án Nghi Sơn đã bảo đảm dầu của Việt Nam không cần nhập khẩu thì những dự án còn lại sẽ phải xuất khẩu.
Lọc hoá dầu Nhơn Hội nhập toàn bộ dầu thô sau đó xuất toàn bộ dầu tinh, giá trị gia tăng của dự án lọc dầu như vậy chỉ có 10%.
“Bên cạnh đó, với Lọc dầu Nhơn Hội, Chính phủ đã đồng ý cho ưu đãi 7-8 năm đầu không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng không có vì không tiêu thụ, chúng ta chưa có thuế xuất khẩu dầu tinh, dầu thô xuất khẩu là tạm nhập tái xuất chưa chắc có thuế cho nên không ai đặt ra cho tỉnh con số được mất cụ thể bao nhiêu, hiệu quả lâu dài được gì, các tỉnh không có tính toán”, ông Mại chỉ ra thực tế.
“Rất nguy hiểm ở điều này, số vốn đầu tư là oách còn đất nước được gì, địa phương được gì lại không được nêu lên”, Chủ tịch VAFIE kết luận.
Chính thức dừng dự án lọc dầu Nhơn Hội 22 tỷ USD
Sau hơn 4 năm, dự án Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội 22 tỷ USD đã chính thức được đề nghị không nằm trong Quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2025.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định từng cho biết, do dự án kéo dài quá lâu và phía Tập đoàn PTT (Thái Lan) đưa ra nhiều điều kiện Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bình Định không thể đáp ứng được.
Đồng thời cho rằng, dự án Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội nếu được đầu tư sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhất là TP. Quy Nhơn vì đây là địa điểm "nhạy cảm", ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Tuy nhiên, trước đó không lâu, Bình Định đã rất kỳ vọng vào dự án 22 tỷ USD này, "trải thảm đỏ" và đưa ra những con số ước tính cho thấy nếu dự án được triển khai sẽ góp 40% vào GDP của tỉnh Bình Định, 3-4% GDP cả nước, và tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp.