Chứng khoán có phiên khai xuân hứng khởi, nhưng tâm lý “mua may bán đắt” đầu năm không kéo dài. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ, mùa báo cáo tài chính cuối năm không mấy lạc quan, chứng khoán trong nước rơi vào cảnh ảm đạm.
Theo đó, VN-Index để mất mốc 1.100 điểm, đóng cửa phiên 10/2 ở ngưỡng 1.055 điểm. Qua vài phiên giao dịch đầu tháng 2, chỉ số chính sụt giảm hơn 4%.
Giới phân tích nhận định, dòng tiền của nhà đầu tư nội năm nay sẽ "phòng thủ" nhiều hơn là chấp nhận rủi ro cao. Ảnh: Như Ý
Thống kê cho thấy, khối lượng giao dịch trên thị trường giảm dưới mức trung bình 20 tháng, dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại. Tháng đầu năm 2023, nhà đầu tư cá nhân bán ròng gần 10.000 tỷ đồng qua khớp lệnh.
Số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 4/2022 chỉ còn khoảng 60.000 tỷ đồng, tiếp tục giảm 14.000 tỷ đồng so với cuối quý 3/2022.
"Chúng tôi muốn quan sát thêm một vài phiên để chắc chắn xu hướng, từ đó mới quyết định có giải ngân hay không. Nhìn chung, điều tôi quan ngại nhất vẫn là hơn 500 ngàn tỷ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến trong năm nay", anh Giang, một nhà đầu tư có tài khoản tại Công ty Chứng khoán SSI cho hay.
Sức hút của chứng khoán với nhà đầu tư trong nước cũng qua thời “hoàng kim”. Lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã “chạm đáy” 2 năm. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tháng 1/2023, nhà đầu tư trong nước chỉ mở 36.000 tài khoản chứng khoán, bằng chưa tới 30% của tháng trước.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, năm 2023, thị trường khó thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước quay lại. Ông Minh nhận định, thị trường chứng khoán 2023 có thể giống với bức tranh của năm 2019. Thị trường có nhịp tăng, sau đó đi ngang.
"Cân não"
Theo ông Minh, dòng tiền nội năm nay sẽ ở thế "phòng thủ" nhiều hơn là chấp nhận rủi ro cao, cho đến khi tình hình thay đổi. Dù vậy trong ngắn hạn, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước có thể quay lại mua ròng, nhưng không thể kỳ vọng tăng mạnh như năm 2021.
“Giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua. Dù vậy, tin tức tốt hỗ trợ thị trường không nhiều. Vừa qua, nhà đầu tư quan tâm đến lạm phát, lãi suất, còn năm nay sẽ hướng về câu chuyện tăng trưởng kinh tế”, ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, năm 2023, đầu tư chứng khoán có thể đem lại hiệu suất "nhỉnh" hơn so với gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, đây không phải kênh đầu tư có lợi nhuận cao nhất.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích - Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, trong bối cảnh lãi suất cao hiện nay, dòng tiền trên thị trường chứng khoán khó quay về thời kỳ đỉnh cao 2020 - 2021. Nửa đầu năm 2023, thị trường đang tích luỹ, tạo nền, biến động nhỏ. Cổ phiếu nhóm ngành xây dựng, đầu tư công, ngân hàng…được quan tâm nhiều.
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư, Dragon Capital cho rằng, 2023 là năm nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận từ chứng khoán, nếu đủ tự tin, biết phân tích thị trường. Hiện tại không còn là thời điểm đầu tư theo trào lưu, theo ngành mà dành cho nhà đầu tư biết chọn cổ phiếu. Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề từ giai đoạn trước, sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai.