Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi!

Ứng Hà Chi |

Chàng thanh niên lớn lên bằng những ổ bánh mì sau này đã xây dựng nên cả 1 thương hiệu dựa trên tiệm bánh nhỏ năm xưa của người bà.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 1.

Vào năm 1980, tiền thân của tiệm Bánh mì 362 lần đầu tiên được khai trương tại số 362 đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP. HCM bởi người bà nội của gia đình. 43 năm trước, bà đã cẩn thận đặt vào bên trong từng lát dưa, lát ớt, miếng thịt, cọng ngò,… với tất cả tâm tình. 43 năm sau, Bánh mì 362 vẫn giữ giá trị nguyên công thức bà làm năm xưa: Ấm nóng, thơm phức mùi của chiếc bếp lò, giòn tan ở lớp vỏ, mềm xốp, đặc ruột bên trong và phải được kẹp cùng những nguyên liệu tươi mới.

Theo năm tháng cùng với những biến chuyển của thị trường, Bánh mì 362 vẫn tồn tại, vẫn vẹn nguyên hương vị cũ, vẫn được khách hàng đón nhận. Đó là nhờ sự gìn giữ và phát triển nghề truyền thống gia đình của anh Nguyễn Đăng Khoa (SN 1990, TP. HCM). Anh là thế hệ thứ ba trong gia đình, là người kế thừa “món nghề”, đưa hương vị bánh mỳ thân thương của gia đình đến với đông đảo mọi người.

Theo đúng nghĩa đen, chàng thanh niên ấy lớn lên bằng những ổ bánh mì. Anh được sinh ra và sống cùng hàng bánh mì của bà, được lắng nghe những câu chuyện về bà suốt thời ấu thơ. Những điều mộc mạc, dung dị nhưng quá đỗi thân thương cứ âm ỉ chảy trong con người anh, dần nuôi dưỡng khát vọng phát triển một thương hiệu bánh mì dựa trên tiệm bánh nhỏ năm xưa của người bà.

Nhớ rạp cải lương Cao Đồng Hưng cùng tiệm bánh nhỏ xinh tấp nập người ra kẻ vào…

- Qua lời của ba mẹ cùng các cô các bác, tiệm Bánh m362 của bà nội trước đây hoạt động ra sao? Anh có thể chia sẻ đôi chút được không?

Tôi may mắn thừa kế truyền thống của gia đình. Bà nội gây dựng cửa hàng bánh mì từ năm 1980. Ông bà nội tôi là người gốc miền Trung nên có tính cách tảo tần, chịu thương chịu khó. Ông bà tôi có 11 người con, ba tôi là con út trong gia đình.

Hồi đó mở cửa hàng, nhu cầu chính của gia đình là mưu sinh, chứ chưa tồn tại khái niệm thương hiệu, hệ thống, chuỗi cửa hàng,… như bây giờ. Ông nội tôi phục vụ Cách mạng kháng chiến nên bà nội đóng vai trò hậu phương vững chắc. Bà khéo tay, tảo tần, thời thế buộc người phụ nữ phải mạnh mẽ. Nên sau này, qua những câu chuyện được nghe kể lại, tôi càng ngưỡng mộ bà.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 2.

Tiệm bánh mì ra đời dựa trên nhu cầu như vậy. Cùng phụ giúp bà, các bác gái đứng ra bán hàng bởi họ là những cô gái trẻ trung, khéo léo, thân thiện. Còn các bác trai đảm nhận trách nhiệm mua hàng, khuân vác chế tạo máy móc. Có một bác rất giỏi kỹ thuật, đã chế tạo ra máy đánh bơ từ mô tơ máy giặt, đảm bảo chất lượng bơ mềm mịn, quyện sánh và máy cũng chịu được độ bền hơn so với những loại công tơ khác.

Tiệm bánh của bà nội có vị trí đắc địa, nằm đối diện rạp hát cải lương Cao Đồng Hưng. Mà cải lương thời điểm đó là loại hình nghệ thuật phát triển và có sự lan tỏa rất lớn. Trước khi những buổi biểu diễn bắt đầu, mọi người kéo tới hàng bánh thưởng thức rất đông, trong đó có cả các nghệ sĩ nổi tiếng.

Thời ấy, tiệm bánh mì chưa có tên nhưng được rất nhiều người biết đến và ủng hộ. Mọi người gọi bà nội tôi là “má” bằng tất cả sự quý mến, kính trọng. Đó là thời kỳ hoàng kim của và bánh mì của bà được nhiều người yêu thích bởi có các nguyên liệu hấp dẫn như: Sốt trứng gà (bơ), chà bông, pa tê, thịt nguội, thịt gà, cá hộp,…

- Cơ duyên gì khiến anh quyết định kế thừa nghề truyền thống gia đình?

Bà nội mất khi tôi mới chỉ 3 tuổi. Sau khi bà mất, thế hệ con cháu tiếp tục sinh sống trong ngôi nhà và tiệm bánh mì vẫn được duy trì. Nhưng lúc này, mỗi người mở một cửa tiệm riêng với tên gọi riêng. Đến năm 2008, mỗi người cũng đã có gia đình riêng nên ngôi nhà của ông bà nội trở thành nơi thiêng liêng để thờ cúng, con cháu tụ họp mỗi khi có việc chung.

Đến năm 2010, khi tôi đang là sinh viên năm 2 có ý định tìm công việc bán thời gian để có thêm trải nghiệm như cách bạn bè đồng trang lứa hay làm. Nghe tôi chia sẻ, chị gái khuyên tôi nên tiếp tục nghề bán bánh mì của gia đình, thay vì đi làm thuê. Thấy chị phân tích hợp lý, tôi nghe theo và thế là chúng tôi cùng nhau mở tiệm bánh tại đúng ngôi nhà của bà mang số 362.

- Anh đã chuẩn bị việc khai trương tiệm bánh đầu đời của mình như thế nào, với số vốn ra sao?

Trước khi mở cửa hàng, tôi qua cửa tiệm của cô ruột học việc 2 tháng. Cô dạy cho tôi mọi tuyệt chiêu, bí quyết, từ những việc đơn giản nhất như buộc cọng thun vào bánh, bọc giấy làm sao để đảm bảo thời gian nhanh nhất, cách trò chuyện chăm sóc khách hàng đến việc khó nhất là đánh bơ sốt trứng gà. Tôi vẫn nói vui việc này có chút “tâm linh”. Bởi khi đánh bơ cần tập trung cao độ, nếu hấp tấp có thể bị tách dầu, phần sốt không bông lên theo yêu cầu. Kỹ thuật đánh càng điêu luyện càng đỡ tốn trứng gà, nói theo kinh doanh thì đỡ tốn chi phí.

Một lợi thế lớn cho việc khởi đầu nữa là tôi không mất chi phí thuê mặt bằng vì đó là nhà của gia đình. Khởi điểm Bánh mì 362 là mô hình hè phố, vì thế tôi chỉ cần một chiếc xe đẩy nhỏ để đứng bán trước cửa nhà. Kết thúc mỗi buổi bán, xe hàng cùng các nguyên liệu được đem vào bên trong. Tôi được chị gái đầu tư số tiền 10 triệu đồng để đóng chiếc xe đẩy bằng gỗ trông “điệu điệu”. Nhân sự thì có mẹ, có chị phụ giúp nên mọi chuyện khá thuận lợi. Tiệm bánh mì chỉ bán từ 6 giờ đến khoảng 9 giờ sáng bởi thời gian sau, tôi phải thu xếp tới trường đại học.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 3.

Tiệm bánh nhỏ xinh thời xưa của gia đình anh Đăng Khoa.

- Đến giờ, anh vẫn còn nhớ cảm xúc buổi đầu khai trương chứ?

Tất nhiên là nhớ rất rõ và đó là kỷ niệm mà mỗi lần nhớ về khiến tôi hạnh phúc. Tôi thấy mình may mắn vì có khởi đầu nhiều thuận lợi do được sự hậu thuẫn từ gia đình và khách hàng đã có sẵn.

Có lẽ thử thách lớn nhất lúc đó là phải vượt qua được cảm xúc của chính mình. Tôi thuộc tuýp “mama’s boy” (con trai cưng của mẹ). Mọi thứ tôi đều được ba mẹ chăm sóc cẩn thận, từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành. Do vậy nên tôi thấy mình chưa có nhiều kinh nghiệm, đôi khi còn ỷ lại dù lúc đó đã 20 tuổi.

Ngày đầu tiên khai trương, tôi rất lúng túng, hồi hộp. Một phần vì lo lắng rằng không có khách đến ủng hộ, một phần thì xấu hổ vì hôm nay tôi chính thức đảm nhận một vai trò mới. Đứng trong gian hàng, tôi né mọi ánh mắt của người thân vì không muốn mọi người biết tôi đang tự ti và hoang mang. Nhưng khi bán được những ổ bánh mì đầu tiên, rồi khách hàng càng đến nhiều hơn khiến tôi có thêm sự tự tin, phấn khởi. Cảm giác lần đầu cầm được những đồng tiền do chính mình làm ra thật tuyệt vời!

- Những vị khách đầu tiên của tiệm phản hồi ra sao? Họ có sự so sánh hương vị bánh mì của anh với của bà nội anh thuở trước không?

Trong ngày đầu khai trương, rất nhiều khách hàng từ thời của bà đến mua thử. Qua những ngày kế tiếp, tôi thấy họ vẫn quay lại mua thì biết đó là một tín hiệu tốt. Có những người từ thời bà tôi bán, họ là một đứa trẻ được ba mẹ dắt tới ăn, đến khi tôi đứng bán thì họ chính là người dắt con cháu của mình qua thưởng thức.

- Ngay từ đầu khai trương, tiệm bánh đã mang tên gọi 362 phải không anh?

Khi có ý tưởng mở tiệm bánh, tôi và chị gái đều nghĩ ngay đến việc lấy tên Bánh mì 362. Con số 362 vô cùng thiêng liêng, in sâu vào tiềm thức chúng tôi từ khi còn là những đứa trẻ. Ngôi nhà 362 là nơi tôi sinh ra và lớn lên, là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm đẹp.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 4.

“Nếu bà nội còn sống, biết Bánh mì 362 có mặt tại nước ngoài, bà sẽ rất hãnh diện, tự hào về cháu trai”…

- Tiệm bánh đã có bước vận động ra sao trên chặng đường phát triển đầy thách thức?

Từ năm 2010 – 2015, tôi mở thêm 2 cơ sở tại TP. HCM theo mô hình bánh mì vỉa hè. Mặt bằng mượn của người quen, rồi tiếp tục “lấy công làm lời”, mỗi thành viên trong gia đình tiếp quản một cửa hàng, chỉ hoạt động trong thời gian cố định, chứ không mở cả ngày như bây giờ. Đó là mô hình khá phù hợp để tôi bắt đầu bởi không tốn chi phí, nguồn lực.

Càng cuốn theo công việc, tôi càng nhận thấy mô hình này hoàn toàn có tiềm năng phát triển nên khát vọng đưa lên tầm cao mới. Đó cũng là cách tôi tự thử thách bản thân, mở ra cơ hội mới. Sau thời gian đắn đo suy nghĩ, tôi xác định phát triển mô hình vỉa hè lên chuỗi cửa hàng. Đầu năm 2015, chúng tôi chính thức thành lập công ty, đăng ký bảo hộ thương hiệu, xây dựng hệ thống quản lý, vận hành và mọi thứ đều được xây dựng lên thành quy trình. Ngay cả từng gram bánh, gram pa tê, sốt bơ,… cũng được quy định cụ thể để đảm bảo tính đồng nhất cho sản phẩm.

- Được biết Bánh mì 362 mới khai trương cơ sở thứ 30 tại Hàn Quốc, anh đã gây dựng chuỗi cửa hàng như thế nào chỉ trong thời gian ngắn như vậy?  

Sau năm 2015, tôi phát triển thêm 4-5 cửa hàng tại TP.HCM. Đến năm 2018, tôi nhận được nhiều lời mời hợp tác, mua thương hiệu. Đâu đó trong các lời mời có phía đối tác từ Hàn Quốc. Họ là những vị khách trung thành của Bánh mì 362 ngay khi còn là mô hình hè phố. Họ yêu mến và theo dõi quá trình phát triển của thương hiệu và nhận ra đây là mô hình tiềm năng để phát triển ở Hàn Quốc.

Sau hơn một năm tìm hiểu, tôi thấy đối tác có chung mục tiêu, sứ mệnh nên quyết định “bắt tay” cùng nhau. Tháng 9/2019, tôi có cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc. Ngắm nhìn đứa con tinh thần của mình lần đầu có mặt tại một đất nước xa xôi, tôi đã rất xúc động, hạnh phúc. Nếu bà nội còn sống, bà sẽ rất hãnh diện, tự hào về cháu trai.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 5.

- Mang bánh mì truyền thống tới Hàn Quốc, có khi nào anh lo lắng đứa con tinh thần của mình sẽ không còn trọn vị, giữ được nét nguyên bản?

Ngay từ những ngày đầu có ý tưởng phát triển sang thị trường mới, tôi luôn trăn trở về chuyện giữ trọn hương vị 100%. Nhưng khi bắt tay vào làm, tôi mới thấy tư duy này giống như con dao 2 lưỡi. Bởi nếu làm đúng sẽ đạt được tính thống nhất nhưng khó có thể phát triển đường dài với số lượng lớn ở một thị trường nước ngoài.

Chính vì thế, sau thời gian dài nghiên cứu, tôi buộc phải chỉnh gia vị, gia giảm để phù hợp với khẩu vị người dân Hàn Quốc theo tỷ lệ 80 - 20. Nghĩa là giữ 80% hương vị truyền thống, 20% là sự sáng tạo, điều chỉnh để phù hợp với khách hàng.

Chẳng hạn, đa số người Hàn Quốc không thích mùi vị của ngò rí (rau mùi) và cũng không quen với patê gan nên tôi phải điều chỉnh. Rất may mắn, món ăn “quốc dân” của Việt Nam được họ đón nhận và ủng hộ. Thời điểm khai trương diễn ra thuận lợi mà tôi cho rằng đã hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

- Đến một đất nước xa xôi với nền văn hóa, nền ẩm thực khác biệt, vậy anh đã gặp những khó khăn gì khi xây dựng chuỗi cửa hàng?

Ngay từ đầu, tôi đã xác định sẽ có những vấn đề phát sinh ngoài dự kiến nên thời gian chuẩn bị của chúng tôi được thực hiện từ nửa năm trước ngày khai trương chính thức.

Vấn đề đầu tiên là nguyên vật liệu. Việc nhập khẩu mọi thứ từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ đảm bảo được tính đồng nhất nhưng lại không hiệu quả về bài toán chi phí và logistic. Quyết định cuối cùng là tôi chọn tất cả nguyên liệu đầu vào sao cho chất lượng tiệm cận nhất với tiêu chuẩn hiện có.

Vì tiệm cận nên chắc chắn tồn tại sai số. Trong 2 tháng đầu trước khi khai trương, tôi phải thử nghiệm các công thức hàng ngày. Dù vẫn là công thức đó, đã áp dụng và thành công ở TP. HCM nhưng khi áp dụng bên này lại không ra chuẩn vị.

Có giai đoạn tôi rơi vào bế tắc vì sản phẩm quan trọng nhất là ổ bánh mì lại không thể đạt được tiêu chuẩn theo kỳ vọng. Tôi cảm thấy mất mặt với đội ngũ ở Hàn Quốc. Tôi liên tục phải hỏi những người cùng làm trong ngành, nhờ họ “bắt bệnh”, giải bài toán hóc búa khác nhau để tìm nguyên nhân.

Chẳng hạn như thời tiết, khí hậu, quá trình vận chuyển, thời gian lưu trữ cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình nhào bột, ủ bột, lên men, nở bột của ổ bánh mì. Tôi có cảm giác mình như đang trong phòng thí nghiệm để giải cả bài toán về sinh học, hóa học. Tuy nhiên, may mắn tôi chỉ mất 2 tuần đầu để tìm được giải pháp tối ưu.

- Về thủ tục pháp lý thì sao, anh đã làm cách nào để thuyết phục chính quyền địa phương tại Hàn Quốc trước khi phát triển chuỗi cửa hàng?

Đó cũng là lý do tôi mất nhiều thời gian tìm hiểu đối tác. Trong quá trình tìm hiểu, ngoài nghiên cứu các dự án mà họ từng thực hiện, tôi muốn cảm nhận rõ sự toàn tâm toàn ý. Với tôi, việc kết hợp với đối tác làm ăn giống như cuộc hôn nhân vậy, mình phải có đủ thời gian để đưa ra quyết định.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 6.

Một cơ sở tại Hàn Quốc của Bánh mì 362.

Ngay lần đầu tiên họ ngỏ lời hợp tác, tôi đã từ chối nhưng sau đó, theo thời gian, họ đã chứng minh cho tôi thấy năng lực. Tôi chỉ có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, cụ thể là ở TP. HCM, chưa chắc tôi có thể làm tốt ở các tỉnh thành khác trong Việt Nam. Nên khi nói đến việc sang một đất nước xa xôi, văn hóa, ngôn ngữ khác biệt thì tôi càng cần cẩn trọng. Ở đối tác, tôi cần họ phải có kinh nghiệm làm về F&B để có thể hiểu và giải quyết được những điều kiện phát triển một thương hiệu về ẩm thực. Chúng tôi rất rõ ràng trong những vùng trách nhiệm của nhau. Tôi có mô hình, có sản phẩm, phía đối tác phải đảm bảo những việc còn lại.

Giấu nước mắt vào trong khi đúng ngày kỷ niệm thành lập 10 năm Bánh mì 362 phải tuyên bố đóng cửa 5 cơ sở

- Anh cho rằng nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã giúp cửa hàng đầu tiên thành công và sau đó gây dựng nên chuỗi cơ sở tại Hàn Quốc. Vậy chắc hẳn anh chưa từng gặp thất bại?

Sau 3 tháng khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc, đến tháng 12/2019, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, phá hủy toàn bộ kế hoạch, kỳ vọng. Đó là giai đoạn khó khăn nhất khi bắt đầu làm việc ở nước ngoài. Việc giãn cách xã hội gây tổn thất lớn đến doanh thu, chúng tôi phải cố gắng cầm chừng, khách hàng chỉ có thể mua sản phẩm mang đi. Kế hoạch phát triển chuỗi cơ sở cũng tạm ngưng vào thời điểm đó.

Ở Việt Nam, tôi có tổng cộng 11 cửa hàng, thì phải đóng cửa 5 cửa hàng. Đó là bài học đắt giá bởi thời điểm đấy, nội lực công ty còn quá yếu so với số cửa hàng. Một hệ thống chưa có sức đề kháng cùng với tác động quá lớn từ bên ngoài gây thiệt hại vô cùng nặng nề. Tôi có những cửa hàng tập trung 90% khách du lịch, những cửa hàng còn lại, lượng khách nước ngoài cũng chiếm tỷ trọng cao. Vì thế nên khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch bị ảnh hưởng dẫn tới ngành nghề của tôi cũng lao đao theo.

Ngày kỷ niệm thành lập 10 năm bánh mì 362, tôi phải đứng ra tuyên bố trước tất cả nhân viên của mình sẽ đóng cửa 5 cơ sở, trả mặt bằng, đóng văn phòng, cắt giảm nhân sự.

Tôi rất muốn giữ lại cửa hàng và nghĩ sẽ cố gắng cầm cự vượt qua khó khăn. Đối với tôi, chuyện phải đóng một cửa hàng nào đó rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín và kết quả sau này. Nhưng chị gái đã đưa tôi về thực tế, đưa ra những con số và giải thích cho tôi hiểu công ty đang ở tình thế sống còn, chứ đừng mơ tưởng kỳ vọng gì về tương lai.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 7.

- Từ những vấp ngã, anh đã có cho mình những bài học gì?

Sau vấp ngã, tôi càng có thêm sự thận trọng và kinh nghiệm trong việc vận hành mô hình F&B.

Bài học quý giá nhất mà tôi học được mang tên “trách nhiệm”. Tôi đã từng thường đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới. Trước đây, tôi nghĩ những vấn đề của phòng ban nào thì trưởng bộ phận phòng ban đó phải chịu trách nhiệm. Tôi có xu hướng khiển trách người khác và né tránh vấn đề. Điều đó khiến cho tôi và đội nhóm mất đi sự kết nối và nội bộ không tìm được tiếng nói chung.

Sau nhiều vấn đề xảy ra, tôi mới nhận thấy chỉ khi dám nhận trách nhiệm và đối mặt để giải quyết đến cùng mới thể hiện bản lĩnh của một người dẫn dắt đội ngũ. Và nó sẽ giúp tôi và đội ngũ được phát triển, gắn kết với nhau hơn.

- Ngoài ảnh hưởng từ dịch COVID-19, anh còn gặp thách thức khác không?

Có một khó khăn nữa là giai đoạn chuyển giao giữa mô hình bánh mì hè phố lên chuỗi cửa hàng. Đây là bài toán hóc búa, thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn phải tìm lời giải.

Đối với tôi, bánh mì là một món ăn “quốc dân”. Cùng với phở, bánh mì là một món ăn đặc sắc của nền ẩm thực Việt. Bánh mì có ở khắp mọi miền đất nước với nhiều hình thức, từ mô hình hè phố đến mô hình chuỗi cửa hàng. Đó là lợi thế lớn khi bánh mì đã có cho bản thân nó sự hâm mộ đáng kể từ giới yêu ẩm thực.

Nhưng bên cạnh đó, nó cũng chính là một bài toán khó đối với những mô hình chuỗi bánh mì như tôi phải giải quyết. Thử thách của tôi chính là chi phí đầu tư để vận hành chuỗi bánh mì cao gấp nhiều lần so với mô hình hè phố mà tôi đã từng làm với cửa hàng đầu tiên của mình. Không còn lợi thế về mặt bằng của gia đình, chi phí thuê nhân sự, vốn đầu tư để đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của việc vận hành chuỗi bánh mì và nhiều chi phí khác khiến chi phí cấu thành sản phẩm tăng lên rất nhiều.

Quay trở lại với câu chuyện bánh mì là món ăn quốc dân. Người tiêu dùng đã quá quen với mô hình hè phố dẫn đến việc mức chi trả chấp nhận của họ cho một ổ bánh mì cũng được định hình dựa trên mô hình đấy từ rất lâu. Và để có thể thuyết phục được khách hàng đến với mình, bài toán cốt lõi mà tôi phải giải quyết cho thương hiệu không gì khác ngoài 2 chữ: "Chất lượng".

- Trong kinh doanh ẩm thực, theo anh đâu là điều quan trọng nhất?

An toàn vệ sinh thực phẩm là điều đặt lên hàng đầu. Đồ ăn đưa vào cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên mọi khâu, mọi bước đều phải cẩn trọng. Ngay từ những ngày đầu làm mô hình hè phố, tôi đã tâm niệm mình bán đồ ăn thì phải làm sao như là làm cho người thân ăn vậy. Huống chi mình lại còn nhận tiền từ khách hàng thì càng cần có trách nhiệm

Đến khi xây dựng chuỗi cửa hàng, tôi lại càng có nhiều quy trình để đảm bảo chất lượng sản phẩm vì còn phải giữ sự uy tín cho thương hiệu và trân quý sự tin yêu của khách hàng nữa.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 8.

- Không ít thương hiệu gặp khủng hoảng truyền thông liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Vậy khi có những TikToker, Youtuber đến thưởng thức và chia sẻ, anh có đưa ra những quy định cho họ trước khi đăng tải sản phẩm review lên mạng xã hội không?

Thành thật mà nói, tôi rất kém về lĩnh vực marketing, thế mạnh của tôi là tập trung vào sản phẩm và vận hành. Tôi có theo dõi các thông tin trên mạng xã hội, và cũng rất thích xem các nội dung về ẩm thực.

May mắn là cũng có các bạn làm về sáng tạo nội dung yêu mến và ngỏ lời đến cửa hàng để review. Tôi rất hoan nghênh, tạo điều kiện miễn là không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của các khách hàng khác. Tôi tôn trọng cảm nhận của mọi người và không có quy định hoặc can thiệp vào nội dung của bất kỳ ai.

Tôi rất trân trọng những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng từ khách hàng. Một nhận xét khen mang đến cho tôi niềm vui còn một lời góp ý xây dựng thì mang cho tôi thêm động lực để thay đổi tốt hơn. Vì tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm của khách hàng dành cho tôi ẩn sau lời phê bình đó.

Hạnh phúc nhất là khi thấy bao đựng bánh nằm trong sọt rác ven đường

- Hiện tại, quy mô chuỗi cửa hàng của anh cụ thể ra sao? Thành công khi còn trẻ tuổi như vậy, có khi nào anh nảy sinh tâm lý kiêu căng, tự mãn?

Hiện tại tôi có 6 cửa hàng tại TP. HCM, 30 cửa hàng tại Hàn Quốc, 1 nhà xưởng rộng khoảng 500m2 và 1 văn phòng. Tất cả nhân sự khoảng 50 người, trong đó có 20 nhân sự chủ chốt.

Thật ra để đánh giá sự khiêm tốn hay tự mãn thì phải do người ngoài nhận xét mới khách quan. Tôi có một cách để tiết chế mình lại, đó là quan sát mọi thứ qua lăng kính của lòng biết ơn. Tôi thấy một cá nhân để phát triển được thì cần nhận được sự tương hỗ rất nhiều từ vòng tròn bên ngoài từ môi trường ánh sáng, không khí đến từ tập thể như gia đình, đồng nghiệp và xã hội.

Tôi hiểu rằng tôi không phải điều gì đặc biệt hay tâm điểm. Mọi thứ hiện có đều là sự hình thành từ rất nhiều điều kiện bên trong lẫn bên ngoài bản thân ta. Học được cách biết ơn thì tôi thấy trân trọng mọi thứ hơn. Từ đó hạ được cái tôi xuống, dành thời gian chậm lại suy nghĩ để có hành xử, thái độ nhẹ nhàng hơn. Tôi biết ơn những điều tốt đẹp và cả những thất bại, khó khăn đã qua.

- Anh có thể chia sẻ về một kỉ niệm đáng nhớ hay niềm vui trong hành trình đã trải qua không?

Tôi vui là khi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Có nhiều khách nói rằng họ đã ăn bánh mì của tôi ở Hàn Quốc và khi qua Việt Nam muốn tìm tới cửa hàng để thưởng thức đúng hương vị đó. Ngược lại, những người xa xứ, sinh sống ở Hàn Quốc qua cửa hàng để mua đúng loại bánh mì kiểu Việt Nam.

Hay có lần khi tôi đi trên đường, nơi mà cách xa tiệm bánh mì của tôi nhưng vô tình thấy bao gói Bánh mì 362 của thực khách dùng xong nằm trong thùng rác. Điều đó làm tôi vui và phấn khởi cả buổi. Tôi chợt thấy hạnh phúc vì niềm vui lại đến từ những thứ nhỏ xinh, dễ thương, chứ không phải điều gì cầu kỳ, lớn lao.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 9.

- Ai là người đồng hành cùng anh trên chặng đường gây dựng Bánh mì 362? Thời gian tới, kế hoạch phát triển của anh ra sao?

Là chị ruột của tôi. Chị là người tôi rất ngưỡng mộ. Ngoài việc là chị em ruột thì với tôi, chị còn là bạn thân, là cộng sự, là mentor (người cố vấn).

Mọi chuyện trong cuộc sống hay trong công việc, tôi đều có thể chia sẻ với chị. Chúng tôi đảm nhận mỗi vai trò mà mình có thể mạnh để cùng nhau phát triển thương hiệu.

Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển ở TP. HCM nhưng chắc chắn là sẽ thận trọng, chậm hơn ngày trước. Bên cạnh đó, tôi vẫn đón chờ những lời mời cộng tác ở thị trường mới.

- Điều hành 36 cửa hàng không phải là điều đơn giản, chắc hẳn lịch trình công việc mỗi ngày của anh sẽ dày đặc. Vậy anh đã sắp xếp thế nào để dành thời gian cho bản thân?

Tôi đảm nhận vai trò điều hành chính là ở thị trường Việt Nam. Ở Hàn Quốc, đối tác của tôi sẽ đảm nhiệm chính về việc phát triển nhượng quyền.

Tôi không phải tuýp người hay đặt kế hoạch lịch trình cho công việc. Ở mỗi giai đoạn, tôi có thể sẽ ưu tiên thời gian cho công việc dài ngắn khác nhau, nhưng có một điều cần phải đảm bảo đó là sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Tôi muốn bản thân là cỗ máy bền bỉ, mà muốn như vậy phải được sử dụng đúng cách. Nghĩa là tôi cần có thời gian làm và nghỉ phù hợp.

Thời gian nghỉ không phải nằm nghỉ đơn thuần mà là dành những phút giây chất lượng cho gia đình, bạn bè. Hay dành thời gian cho bản thân để học những khóa kỹ năng mềm ngắn hạn và luyện tập thể thao. Tôi không muốn bản thân bị cuốn theo công việc. Công việc có thể chiếm tỷ trọng cao trong một giai đoạn nào đó nhưng không phải chiếm hết. Tôi không làm việc theo kiểu thâu đêm suốt sáng.

Hàng bánh mỳ 43 năm tuổi của bà nội được 9x mở rộng 36 cơ sở, trong đó 30 cơ sở ở Hàn Quốc: Từng mất ngủ để tìm ‘sai số’ trong phát triển chuỗi! - Ảnh 10.

- Đâu là câu nói anh tâm đắc sau một hành trình dài đã bước qua?

“Quan sát, phân tích, đúc kết”, tôi hay nói vui rằng đây chính là bảo bối, là công cụ hành nghề của tôi. Từ thực tiễn đã trải qua, câu "thần chú" này luôn luôn hiện diện trong đầu tôi.

Việc chỉ nhìn thôi mà chưa nhìn đủ sâu để có thể quan sát thì chưa thấy hết được nhiều góc độ khác nhau của một vấn đề. Quan sát cần thời gian và sự tập trung nhất định.

Rồi mới đến bước phân tích những dữ liệu đã thấy. Ví dụ cùng một hiện tượng nhưng với góc nhìn đó, mình nhìn ra màu vàng, màu đỏ, còn tại sao người khác lại thấy màu tím, màu hồng, màu xanh. Phân tích là bước đặt câu hỏi tại sao, giúp cho mình có thế hiểu được vấn đề.

Cuối cùng, việc đúc kết là bước giúp mình có được những giải pháp, tìm ra những lời giải đáp phù hợp nhất để mình có được cách ứng xử và thái độ lên mỗi vấn đề.

"Quan sát - Phân tích - Đúc kết" là công cụ giúp tôi đưa ra quyết định sáng suốt.

Cảm ơn anh đã có những chia sẻ thú vị trong buổi phỏng vấn!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại