Hàn, Triều suýt chiến tranh vì chuyện chặt cây

TD |

“Sự kiện cây bạch dương” xảy ra vào 18/8/1976 là một trong số những cuộc đụng độ nảy lửa, suýt đẩy bán đảo Triều Tiên vào lò lửa chiến tranh.

Trong "Sự kiện cây bạch dương" hay còn gọi là “Sự kiện cây rìu", binh sĩ Triều Tiên đã tấn công một nhóm lính Mỹ-Hàn Quốc tới chặt một cây bạch dương trồng cạnh "Cầu không đường trở lại" ở vùng phi quân sự.

Hai lính Mỹ bị đánh chết bằng rìu sau khi phớt lờ yêu cầu của phía Triều Tiên

Theo các tài liệu ghi chép về vụ việc này, tại khu phi quân sự, phân cách hai miền Triều Tiên, có một dãy cây bạch dương, trong đó cây thứ 5 che khuất tầm nhìn tại vùng an ninh chung. Việc tỉa cây bạch dương diễn ra mỗi mùa hè như một thủ tục thông thường.

Như thông lệ, năm 1976, Hàn Quốc và Triều Tiên đều cho rằng cây bạch dương này ảnh hưởng đến tầm quan sát do đó, hai phía nhất trí chặt đi.

Ngày 6/8/1976, Ủy ban đình chiến của quân đội Hàn Quốc và Mỹ thông báo với Triều Tiên thời điểm chặt cây. Sáng 18/8/1976, một nhóm lính Mỹ và Hàn Quốc đến gần trạm gác của quân đội Triều Tiên để giám sát 5 công nhân Hàn Quốc chặt cây.

Đúng lúc này, nhóm quân nhân Triều Tiên xuất hiện và yêu cầu quân đội Mỹ, Hàn Quốc dừng chặt cây, song Thượng úy Arthur Bonifas, Trung đội trưởng quân đội Mỹ ra lệnh tiếp tục chặt.

Lãnh đạo nhóm binh sĩ Triều Tiên nổi xung và điều thêm 10 binh lính nữa, rồi lại yêu cầu dừng chặt, nhưng quân Mỹ không để tâm đến lời cảnh cáo của họ.

Theo hiệu lệnh của chỉ huy, các binh sĩ Triều Tiên lao vào nhóm lính Mỹ, Hàn lúc đó không mang vũ khí. Họ cầm rìu và gậy gỗ lao vào phía Mỹ, tấn công sĩ quan chỉ huy Mỹ.

Trung đội trưởng người Mỹ Arthur Bonifas và Trung úy Mark Barrett bị chém chết, 8 sĩ quan Mỹ và Hàn Quốc khác bị thương, ba xe ôtô bị phá hỏng hoàn toàn.

Sau vụ việc trên, dù ông Henry Kissinger dường như muốn đánh bom Triều Tiên, song Tổng thống Mỹ Gerald Ford quyết định phải có phản ứng thích hợp là chặt hạ cây bạch dương trên. Sáng 21/8/1976, một nhóm binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ được Liên Hợp Quốc hỗ trợ đã tới chặt hạ cây dương trên.

Cây dương bị chặt sạch và một tượng đài nhỏ được dựng lên, có ghi tên những người bị giết và bị thương.

Việc chặt cây diễn ra với sự hỗ trợ của một trung đội vũ trang, 27 trực thăng và một cơ số máy bay ném bom B-52 bay dọc khu phi quân sự. Phía Triều Tiên không nổ súng và trong vòng một giờ, việc chặt cây hoàn tất.

Vụ chặt cây bạch dương được coi là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất có thể đã đẩy Hàn Quốc và Triều Tiên vào miệng hố chiến tranh.

Đến nay, khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên vẫn là một trong những khu vực được canh phòng nghiêm ngặt nhất, tập trung nhiều loại vũ khí, trang bị nhất trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại