Hàn Thuyên (hiện chưa rõ năm sinh năm mất, 1 số tài liệu cho rằng ông sinh năm 1229) sinh ra tại Lai Hạ, Thanh Lâm, Nam Sách, nay thuộc Bắc Ninh. Tên thật của ông là Nguyễn Thuyên, là cháu nội của cụ Nguyễn Dương, từng làm Thái Bảo - Quận Công đời nhà Lý.
Năm 1151 cụ Nguyễn Dương bị gian thần hãm hại, rơi vào cảnh ngục tù lao lý, sau đó con cháu cụ buộc phải sống cuộc đời ẩn dật. Mãi đến năm 1248, đời nhà Trần, Nguyễn Thuyên mới ra ứng thi và đỗ Tiến sĩ, từng làm đến chức Hình bộ thượng thư.
Sự tích kỳ lạ đánh đuổi cá sấu
Trên đời có nhiều sự kỳ lạ, nhưng có lẽ câu chuyện sau của Nguyễn Thuyên vẫn là lạ bậc nhất, hiếm bậc nhất trong lịch sử. Quanh dòng sông Phú Lương (sông Hồng ngày nay) là hàng trăm, hàng ngàn hộ dân sống bằng nghề sông nước.
Vào năm 1282, bỗng đâu, cá sấu xuất hiện khắp nơi trên sông, không khỏi khiến cho dân chúng quanh đây vô cùng hoảng hốt. Giữa chốn sóng cả sông sâu ấy, sức người làm sao mà địch lại loài "thủy quái" hung ác kia?
Nghe tin dữ, vua Trần liền sai Nguyễn Thuyên tìm cách đuổi loài ác ngư kia đi. Tuân lệnh bề trên, Nguyễn Thuyên liền đi thẳng ra sông Hồng. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, ông không mang theo gươm giáo hay lưới, cần gì để thu phục cá sấu mà chỉ làm 1 bài thơ Nôm, sau đó đốt và thả xuống nước. Bài thơ có tên Văn tế Cá sấu:
"Kia hỡi ngặc ngư mày có hay?
Bể Đông rộng rãi là nơi mày
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại tới đây
Phải biết rằng người Việt ta xưa
Vốn dân chài lưới có đâu vừa
Đời Hùng vẽ mình vua dậy bảo
Ngày đêm sông nước đảo long chừa
Thánh thần đã dõi bấy chiều nay
Đây từ hải ấp ngôi trời hay
Võ công vang dậy bốn phương tĩnh
Bể bể sông sông cũng nặng trong
Từ nay xa dân dân cày cấy
Các vật đều yên đâu an đấy
Ta vâng thánh thượng bảo ngay mày
Về ngay biển Đông mà vùng vẫy".
Ấy vậy mà lũ cá sấu bỏ đi thật, từ đó về sau dân chúng không còn thầy bóng dáng của bất kỳ con nào nữa và được yên ổn làm ăn.
Lại nhớ, ngày xưa, thời nhà Đường ở Trung Quốc, có ông Hàn Dũ, vốn là Thứ sử Triều Châu, nghe tin sông ở địa phương có cá sấu quấy nhiễu, bèn đem dê lợn đến tế và làm theo 1 bài văn cúng. Mấy hôm sau thì không còn bóng thủy quái nữa.
Vua Trần Nhân Tông cho rằng việc làm của Nguyễn Thuyên không kém gì Hàn Dũ năm xưa bèn ban cho ông tên gọi Hàn Thuyên.
Tượng cụ Hàn Thuyên (phía sau).
Dù lập được đại công hiển hách, có ích cho muôn dân, nhưng khi vua muốn ban thưởng, Hàn Thuyên chỉ cười và nói rằng ông sống thanh bạch đã quen, không thiết tha gì vàng bạc châu báu, nhưng lại có 1 chuyện đau đáu trong lòng.
Dân làng Lai Hạ quê ông vốn quen nghề sống nước nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì thế ông đã xin nhà vua cho phép người dân làng được đặc ân đánh bắt cá trên sông để cải thiện cuộc sống. Thấy Hàn Thuyên là người nhân nghĩa, vua ân chuẩn, ban cho dân làng Lai Hạ được đánh bắt cá độc quyền trên 1 đoạn lớn của sông Đuống.
Không chỉ tài giỏi, nhân đức, Hàn Thuyên được người đời sau biết đến nhiều còn là bởi ông là người có công lao to lớn trong việc phát triển và phổ biến chữ Nôm của Việt Nam. Hàn Thuyên cũng là người đầu tiên làm thơ Nôm với luật thơ Đường, thơ phú nước ta dùng chữ Nôm cũng bắt đầu từ đây.
* Tham khảo từ
- Những truyện lạ thời Trần - Trần Đình Ba - NXB Văn hóa Thông tin - Tr. 48, 49, 50