Cảnh tượng khi vụ nổ phá hủy văn phòng liên lạc chung ở Kaesong, Hàn Quốc vào ngày 16/6/2020. Ảnh: KCNA/Reuters
Theo hãng tin AP, Hàn Quốc ngày 14/6 đã đệ đơn kiện Triều Tiên đòi bồi thường thiệt hại 44.7 tỷ won (35 triệu USD) vì đã cho nổ tung văn phòng liên lạc chung của hai nước ở thị trấn biên giới Kaesong vào năm 2020. Sự việc xảy ra sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên không đạt kết quả mong muốn.
Vụ kiện mang tính biểu tượng được đệ trình lên Tòa án quận Trung tâm Seoul (tức Tòa án Tối cao Hàn Quốc) trong bối cảnh ngoại giao liên Triều bị đóng băng kéo dài và những lo ngại ngày càng tăng về các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc chỉ còn thời hạn đến ngày 16/6 để yêu cầu bồi thường thiệt hại, khi thời hiệu 3 năm đối với vụ việc kết thúc.
Ông Koo Byoungsam, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Seoul, cơ quan xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên, đã mô tả việc Bình Nhưỡng cho nổ tung tòa nhà là một hành động bạo lực và bất hợp pháp, vi phạm các thỏa thuận trước đó giữa hai quốc gia và “làm tổn hại cơ bản nền tảng của sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau”.
Vào thời điểm đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA tuyên bố "vụ việc nhằm thể hiện tư tưởng của người dân đang nổi giận muốn bọn cặn bã và những kẻ che chở cho bọn cặn bã ấy phải trả giá cho tội ác của chúng”, ám chỉ những người đã đào tẩu sang Hàn Quốc đang rải truyền đơn về chống Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, vụ kiện trên chỉ mang tính biểu tưởng bởi không có cách nào rõ ràng để Hàn Quốc buộc Triều Tiên trả tiền nếu nước này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ông Koo Byoungsam cho biết, đây là vụ kiện đầu tiên do chính phủ Hàn Quốc đệ trình chống lại chính phủ Triều Tiên, nhằm bảo vệ quyền hợp pháp của Hàn Quốc được bồi thường.
Vào tháng 6/2020, Triều Tiên đã sử dụng chất nổ để cho nổ văn phòng liên lạc do Hàn Quốc xây dựng ở thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên sau khi chỉ trích việc Hàn Quốc không ngăn cản những người đào tẩu thả tờ rơi tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng bóng bay qua biên giới. Triều Tiên đã đóng cửa văn phòng này vào tháng 1/2020 khi nước này đóng cửa biên giới vì lo ngại lây lan dịch COVID-19, và tòa nhà không có người ở bên trong vào thời điểm xảy ra vụ nổ.
Việc phá hủy tòa nhà được coi là một sự thể hiện sự tức giận có tính toán nhằm gây áp lực lên Seoul về các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc với Washington. Vụ việc đã gây ra một trở ngại nghiêm trọng đối với những nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in, một người theo đường lối ôn hòa trong quan hệ với Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ba lần vào năm 2018 trong quá trình hỗ trợ chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ khi đó, Donald Trump vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, hoạt động ngoại giao đã không đạt kết quả mong muốn sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào tháng 2/2019, khi Washington bác bỏ yêu cầu của Triều Tiên về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lớn để đổi lấy việc nước này từ bỏ một phần năng lực hạt nhân.
Căng thẳng đã gia tăng hơn nữa trong những tháng qua khi Triều Tiên tăng cường các cuộc thử nghiệm vũ khí, bao gồm cả việc bắn khoảng 100 tên lửa tính từ đầu năm 2022. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đưa ra một học thuyết hạt nhân mới cho phép tấn công phủ đầu vào các đối thủ trong một loạt các kịch bản khi Triều Tiên có thể nhận thấy chế độ của họ đang bị đe dọa.
Tổng thống bảo thủ hiện tại của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được cho là đã từ bỏ các chính sách ôn hòa của ông Moon Jae-in và có lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Ông Yoon Suk-yeol đã mở rộng hoạt động huấn luyện quân sự của đất nước với Mỹ trong khi tìm kiếm sự đảm bảo mạnh mẽ hơn từ chính quyền Tổng thống Biden rằng Mỹ sẽ nhanh chóng và dứt khoát sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp Triều Tiên tấn công hạt nhân.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, đánh giá đây là những hành động gây leo thang căng thẳng quân sự nguy hiểm, có thể đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên chìm sâu vào bế tắc.
Triều Tiên cũng đã đẩy mạnh hoạt động quân sự trong những tháng gần đây, như công bố thiết kế đầu đạn hạt nhân mới, phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công tới đại lục Mỹ và thử nghiệm máy bay không người lái tấn công dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.