Dự thảo kế hoạch trên đặt mục tiêu đạt được 5 nhiệm vụ lớn, gồm: mở rộng thăm dò không gian, hoàn tất về vận tải vũ trụ, tạo ra ngành công nghiệp vũ trụ, thiết lập an ninh không gian và mở rộng khoa học không gian. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng ngân sách cho phát triển không gian từ 734 tỷ won (564,5 triệu USD) trong năm nay lên 1.500 tỷ won (1,15 tỷ USD) trong năm 2027 và 2.100 tỷ won (1,61 tỷ USD) vào những năm 2030.
Trong kế hoạch cơ bản, Seoul đặt tên riêng cho kế hoạch thăm dò không gian là Damdeok, được lấy theo tên của vua Gwanggaeto (Quảng Khai Thổ đại vương) với ý nghĩa sẽ mở rộng lãnh thổ trên không gian tương tự vua Gwanggaeto đã đạt thành quả mở rộng bờ cõi trong quá khứ. Theo kế hoạch Damdeok, Hàn Quốc dự kiến sẽ đảm bảo được công nghệ cơ bản về sử dụng tài nguyên tại chỗ (ISRU) để sản xuất các vật phẩm thiết yếu bằng cách tận dụng các tài nguyên trên Mặt trăng hay sao Hỏa và tiến hành nghiên cứu bề mặt Mặt trăng thông qua tàu thăm dò Mặt trăng. Với công nghệ ISRU, từ năm 2035, Hàn Quốc có kế hoạch tham gia vào hoạt động xây dựng trạm Mặt trăng, một phần của Chương trình Artemis do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) triển khai.
Ở lĩnh vực vận tải vũ trụ, Seoul sẽ phát triển hệ thống vận tải không người lái đến năm 2030, thiết lập hệ thống vận tải có người lái vào năm 2050, hướng tới vị thế là trung tâm vận tải vũ trụ của châu Á. Để thực hiện kế hoạch này, Hàn Quốc sẽ xây dựng bãi phóng tàu vận chuyển công và tư vào năm 2030 và xây dựng bãi phóng quỹ đạo địa tĩnh, có người lái vào năm 2040. Chính phủ nước này cũng sẽ hợp tác với khối tư nhân, đưa ngành công nghiệp vũ trụ trở thành 1 trong 10 ngành công nghiệp chủ lực vào năm 2050, tạo ra thị trường ban đầu cho ngành này; đồng thời xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp vũ trụ tự lực trong nước cho đến năm 2030.
Trong khi đó, ở lĩnh vực an ninh không gian, Seoul sẽ nâng cao năng lực giám sát và dự đoán cho tới năm 2030, đặt mục tiêu có thể hợp tác quốc tế ngang tầm với các nước tiên tiến trong lĩnh vực này vào năm 2040. Ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học không gian, Chính phủ Hàn Quốc đề ra mục tiêu phóng kính viễn vọng không gian, xây dựng kính viễn vọng quang học mặt đất và kính viễn vọng vô tuyến mặt đất vào năm 2040.
Nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên, Seoul xây dựng chiến lược chuyển đổi sang Chính sách phát triển không gian 2.0, mở rộng sự tham gia của khối tư nhân; đồng thời lập hệ thống hỗ trợ trong toàn bộ chu kỳ của ngành, thúc đẩy hệ sinh thái ngành công nghiệp vũ trụ ở khối tư nhân. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ chỉ định hơn 100 phòng nghiên cứu trọng điểm ở lĩnh vực không gian tại các trường đại học, tăng cường đào tạo về không gian ở các cấp học để bồi dưỡng nhân lực chủ chốt…