Hamas và Fatah hòa giải, người Palestine sắp chấm dứt lịch sử chia rẽ?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Để tiến tới hoà giải thực sự, Hamas và Fatah phải có thiện chí và quyết tâm cao, đặt lợi ích dân tộc và nhân dân Palestine lên trên những bất đồng kéo dài nhiều năm nay.

Bước ngoặt đoàn kết nội bộ của người Palestine

Ngày 3/10/2017, chính phủ hoà hợp dân tộc Palestine đã họp phiên đầu tiên tại dải Gaza dưới sự chủ tỏa của Thủ tướng Thủ tướng Chính quyền Rami Hamdallah kể từ khi thành lập năm 2014 đến nay.

Tại cuộc họp này, Phong trào Hamas đã quyết định giải tán Uỷ ban hành chính tại Gaza và trao lại quyền kiểm soát và điều hành dải Gaza cho chính quyền dân tộc Palestine PA.

Đây là kết quả của các cuộc đàm phán tại Cairo giữa Phong trào Fatah và Phong trào Hamas với sự trung gian hoà giải của Tổng thống Ai cập Abdel Fateh Al-Sisi.

Phong trào Fatah và Hamas là hai tổ chức lớn nhất, có ảnh hưởng lớn nhất của Palestine. Việc hai tổ chức này hoà giải với nhau là bước ngoặt quan trọng chưa từng có nhằm chấm dứt sự chia rẽ trong nội bộ Palestine kéo dài 11 năm giữa Bờ Tây và dải Gaza.

Các nhà lãnh đạo của hai tổ chức này đang tích cực chuẩn bị cho phiên đối thoại mới tại Cairo vào ngày 9/10 tới nhằm hoàn thiện các bước tiến tới thống nhất chính quyền giữa Fatah và Hamas.

Tình hình khu vực và quốc tế gần đây có nhiều thay đổi. Tại Trung Đông, các cố gắng và sự chú ý được tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, các cuộc xung đột Syria, Iraq, Yemen, Libya, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh...

Vấn đề Palestine không còn là vấn đề cốt lõi được quan tâm như trước đây. Mặt khác, sự ủng hộ Hamas đang bị giảm mạnh do sức ép của các nước, Qatar và Syria buộc phải thôi không ủng hộ Hamas nữa.

Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đang thay đổi mạnh mẽ chính sách Trung Đông của mình, từ vị trí là người trung gian đưa các bên trở lại bàn đàm phán nhằm tìm ra giải pháp công bằng cho cuộc xung đột, Mỹ chuyển sang thiên vị Israel.

Một số nước Ả rập ở nhiều cấp độ khác nhau đã có các cuộc tiếp xúc với Israel. Trong tình hình như vậy, các tổ chức Palestine phải có các biện pháp nhằm củng cố sự đoàn kết dưới ngọn cở của Tổ chức Giải phóng Palestine PLO.

Cuộc họp của chính phủ hoà hợp dân tộc Palestine lần đầu tiên được tổ chức tại Gaza kể từ năm 2014 đến nay là kết quả nổi bật nhất của quá trình hoà giải và tạo ra không khí lạc quan trong các tầng lớp nhân dân Palestine.

Hamas và Fatah hòa giải, người Palestine sắp chấm dứt lịch sử chia rẽ? - Ảnh 1.

Những thủ lĩnh của phong trào Fatah và Hamas công bố một thỏa thuận hòa giải ở Gaza từ năm 2014. Ảnh: Reuters

Những rào cản của tiến trình hòa giải

Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải được giải quyết, trước hết là vấn đề an ninh, vấn đề cán bộ, kiểm soát các cửa khẩu và giải giáp các lực lượng vũ trang của Hamas tại dải Gaza.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbass (Abu Mazen) tuyên bố: "Tất cả các cửa khẩu, các bộ máy an ninh, các cơ quan của chính phủ, trong đó có các bộ đều phải được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Palestine. Chúng tôi không chấp nhận tình hình giống như Hezbollah ở Lebanon".

Về phần mình, ông Ismail Hanyia, ủy viên Bộ Chính trị phong trào Hamas đề nghị phải tách biệt giữa các loại vũ khí của các lực lượng an ninh và vũ khí dùng trong chiến đấu.

Các loại vũ khí của các bộ máy an ninh sẽ do chính quyền Palestine PA quản lý. Còn vũ khí dùng để chiến đấu vẫn sẽ vẫn do Hamas nắm giữ chừng nào còn sự chiếm đóng của Israel.

Ông Ismail Hanyia nói tiếp rằng Hamas sẵn sàng thỏa thuận với Fatah và các tổ chức khác của Palestine về một cơ chế và chiến lược quản lý vũ khí.

Vũ khí dùng trong chiến đấu là một điểm hết sức nhạy cảm. Phong trào Hamas và các tổ chức Palestine thân Hamas ở dải Gaza sở hữu một khối lượng vũ khí khổng lồ do nhóm anh em Hồi giáo lên cầm quyền tại Ai cập trong phong trào mùa Xuân Ả rập năm 2012 cung cấp.

Một số nguồn tin đánh giá rằng, ở Gaza hiện có khoảng 1 triệu vũ khí và 1 triệu quả bom mìn nằm trong tay hàng chục các tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với Hamas. Israel đặt điều kiện Hamas phải giải giáp vũ khí thì mới chấp nhận cuộc hoà giải giữa Fatah và Hamas.

Hamas và Fatah hòa giải, người Palestine sắp chấm dứt lịch sử chia rẽ? - Ảnh 2.

Hamas và các tổ chức Palestine thân Hamas ở dải Gaza sở hữu một khối lượng vũ khí khổng lồ. Ảnh: Quora

Vấn đề cán bộ công chức ở Gaza cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết. Vấn đề này sẽ nằm trong những nội dung được ưu tiên đưa ra thảo luận trong các cuộc đàn phán sắp tới tại Cairo.

Hiện nay ở Gaza có hơn 40 ngàn cán bộ công chức, nếu không có giải pháp công bằng cho số người này thì hoà giải không thể thành công.

Vai trò hòa giải của Ai Cập

Ai cập, đứng đầu là Tổng thống Abdel Fateh Al- Sisi đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận chấm dứt sự chia rẽ và hoà giải giữa Hamas và Fatah.

Chính Tổng thống Abdel Fateh Al-Sisi đã đưa ra sáng kiến thống nhất hàng ngũ Palestine, kêu gọi Israel bước vào đàm phán để tìm ra giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Đứng ra làm trung gian hoà giải giữa Hamas và Fatah, Ai cập muốn lấy lại vai trò và vị trí của mình tại Trung Đông, đồng thời muốn tham gia tích cực vào việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine

Cairo đã đăng cai các cuộc đối thoại Fatah-Hamas và sắp tới sẽ tiếp tục đăng cai các cuộc họp để hoàn thiện các bước đi tới hoà giải toàn diện, chấm dứt 11 năm chia rẽ giữa hai phong trào này.

Hamas và Fatah hòa giải, người Palestine sắp chấm dứt lịch sử chia rẽ? - Ảnh 3.

Tổng thống Abdel Fateh Al-Sisi là người đã đưa ra sáng kiến thống nhất hàng ngũ Palestine. Ảnh: AP

Đặc biệt, Tổng thống Abdel Fateh Al-Sisi đã cử chủ tịch Cơ quan tình báo Khaled Fawzi đến dự cuộc họp chính phủ hoà hợp Palestine tại Gaza và phát biểu với những người tham gia cuộc họp qua hệ thống đàm thoại video.

Cuộc họp Cairo sắp tới giữa Hamas và Fatah sẽ đem lại niềm hy vọng mới cho việc hoàn thành tiến trình hoà giải.

Cuộc họp này sẽ thỏa thuận các đường nét cơ bản để giải quyết các vấn đề chính còn đọng lại giữa hai phong trào, khôi phục lại lòng tin và tạo ra một không khí mới cho hành động chung của Palestine.

Ẩn số Hamas

Quyết định hòa giải giữa Fatah và Hamas là sự mở đầu tốt đẹp. Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra êm thấm.

Hamas và Fatah hòa giải, người Palestine sắp chấm dứt lịch sử chia rẽ? - Ảnh 4.

Giải quyết những vấn đề mang tính chất tổ chức trên đã hết sức phức tạp, thì những vấn đề liên quan đến quan điểm chính trị, đến giải pháp cho cuộc xung đột với Israel sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều.

Chấp nhận hoà giải với Fatah có nghĩa là Hamas phải đồng ý hành động theo Cương lĩnh chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine PLO.

Họ sẽ phải chấp nhận Thỏa thuận hoà bình Oslo, tức là đấu tranh với Israel bằng các phương tiện hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Họ cũng sẽ phải công nhận Nhà nước Israel và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trong đường biên giới năm 1967.

Hamas vốn là một phong trào kháng chiến Hồi giáo mang tư tưởng cực đoan không dễ gì thay đổi quan điểm của mình.

Trước đây, Fatah và Hamas đã từng ký một loạt thỏa thuận hoà giải, trong đó có thỏa thuận Mekka 2007, Sana'a 2008, Cairo 2011, Doha 2012 và Al-Shatyi 2014, nhưng tất cả những thỏa thuận này đều không thực hiện được.

Hy vọng hoà giải Hamas-Fatah lần này sẽ mở ra một trang mới cho sự đoàn kết của các tổ chức Palestine dưới ngọn cờ của Tổ chức Giải phóng Palestine PLO, tạo vị thế cho Palestine thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột với Israel.

Hoà giải giữa hai tổ chức nòng cốt này cũng sẽ tạo điều kiện tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ hơn của quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền dân tộc cơ bản của mình và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.

Để tiến tới hoà giải thực sự, Hamas và Fatah phải có thiện chí và quyết tâm cao, đặt lợi ích dân tộc và nhân dân Palestine lên trên hết nhằm giải quyết những bất đồng kéo dài nhiều năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại