Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.
Nga và cuộc xung đột Israel-Palestine
Khi Tổng thống Vladimir Putin trở thành lãnh đạo Nga hơn hai thập kỷ trước, Moscow không phải là một nhân tố quan trọng trong thế giới Ả Rập. Quyền bá chủ của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) vững chãi và không có cường quốc nào gây ra mối đe dọa đáng kể đối với vị thế địa chính trị của Washington.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2015, khi Nga tăng cường can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc khủng hoảng Syria, nhận thức về khu vực đã thay đổi, khi nhiều chủ thể nhà nước và phi nhà nước nhận ra sức mạnh của Nga là thực tế trong khu vực của họ.
Trong khi phần lớn trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga đối với khu vực MENA là ở Syria và Libya, tình hình bạo lực ở Gaza là một khu vực khác mà Moscow đang tìm cách tăng cường vai trò.
Chuyên gia Giorgio Cafiero từ Gulf State Analytics cho rằng ông Putin tham gia nhiều hơn vào vấn đề Palestine để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc Nga “quay trở lại khu vực”.
Điều này đã thúc đẩy Moscow và Hamas cải thiện quan hệ, được củng cố bởi nhiều chuyến thăm và liên lạc giữa các quan chức cấp cao của chính phủ Nga và đại diện của Hamas trong những năm gần đây.
Mặc dù Tổng thống Putin duy trì quan hệ thân thiết với Israel , nhưng Moscow và Tel Aviv chưa bao giờ nhắc đến câu chuyện Palestine.
Mối quan hệ hợp tác của Nga với Hamas đã khiến Israel và Mỹ khó chịu. Cả hai đều cáo buộc Điện Kremlin hợp pháp hóa một tổ chức "khủng bố". Phong trào Hamas ở Palestine vốn bị nhiều quốc gia dán nhãn khủng bố, trong khi Nga lại có quan điểm trái ngược về điều này.
Tuy nhiên, sự phản đối của Washington, Tel Aviv đã không ngăn được Nga tham gia vào các cuộc đối thoại lớn hơn với Hamas. Thay vào đó, Chính phủ Nga tin rằng Hamas phải được công nhận là một tổ chức có ảnh hưởng ở Palestine.
Trên thực tế, các quan chức Nga đã tiếp các nhà lãnh đạo của nhóm tại Moscow kể từ tháng 3/2006 , ngay sau cuộc bầu cử quốc hội Palestine mà Hamas giành chiến thắng.
Bối cảnh năm 2006 rất khác với bây giờ khi Nga không có nhiều ảnh hưởng trong khu vực MENA. Nhưng ở hiện tại, Moscow đang thách thức vai trò truyền thống của Washington với tư cách là “trung gian” giữa người Israel và người Palestine.
Nga-Hamas cần nhau
Nga sẽ rất thận trọng khi nhúng tay vào vấn đề nhạy cảm như căng thẳng ở Gaza.
Chuyên gia Cafiero tin rằng, một lý do khiến Nga muốn cải thiện vị thế của mình với Hamas là nước này quan tâm đến việc thúc đẩy nhóm tiến tới tái bình thường hóa quan hệ với chính phủ Syria, vốn đã bị cắt đứt sau khi xung đột nổ ra vào năm 2011.
Vào ngày 4/3, có vẻ như những nỗ lực kết duyên của Nga cho mối quan hệ giữa Damascus-Hamas đã thành công. Ismail Haniyeh, thủ lĩnh của Hamas, đã ca ngợi chính quyền Damascus sau cuộc họp với Moscow, cam kết sẵn sàng đóng một vai trò mang tính xây dựng để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.
Theo quan điểm của Hamas, quan hệ đối tác tăng tiến với một cường quốc lớn như Nga, là thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như đóng một vai trò ngày càng lớn ở Trung Đông, có thể giúp họ chống lại các nỗ lực nhằm cô lập nhóm từ Israel và Mỹ.
Nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp với Moscow, nhóm đặt mục tiêu nâng cao vị thế trên trường quốc tế và nhận được thêm nhiều sự hậu thuẫn.
Hamas quan tâm đến thực tế ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực sẽ mang đến những lợi ích cho Palestine. Nhóm hy vọng mối quan hệ giữa Hamas-Nga có thể thúc đẩy ông Putin sử dụng đòn bẩy đối với Thủ tướng Israel Netanyahu để gây áp lực buộc Israel dỡ bỏ hạn chế với Gaza.
Yếu tố vùng Vịnh
Đáng chú ý hơn, các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng đóng vai trò tiềm năng cho mối quan hệ nói trên. Việc Qatar tổ chức cuộc họp Nga-Hamas vào tháng 2 nhấn mạnh cách Doha tạo điều kiện cho Moscow củng cố quan hệ với Hamas, tìm ra những cách mới để làm suy yếu nỗ lực cô lập nhóm của Mỹ và Israel.
Ngoài Qatar, Kuwait là một thành viên GCC khác duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga, cũng đã sử dụng con bài ngoại giao để bảo vệ Hamas ở Palestine trên nhiều diễn đàn quốc tế.
Nếu Moscow theo đuổi các sáng kiến song song với các quốc gia vùng Vịnh, Hamas sẽ hoan nghênh một sự phát triển có lợi cho chương trình nghị sự của nhóm, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Washington trong khu vực.
Trong bối cảnh hiện tại, Hamas có quan điểm hoan nghênh việc Nga "trở lại" Trung Đông với sự lãnh đạo của Tổng thống Putin. Giống như nhiều thế lực khác trong thế giới Ả Rập đang chống lại quyền bá chủ của Mỹ, Hamas coi Nga là một cường quốc có thể thay thế Mỹ.
Vấn đề mấu chốt là Nga sẽ chứng tỏ mức độ đáng tin cậy như thế nào trong dài hạn. Cũng như Hamas có đủ khả năng thuyết phục Moscow áp dụng sức ép lên Israel để làm dịu các chính sách ở Gaza hay không.
Mặc dù Nga và Hamas nhận được nhiều lợi ích từ việc xây dựng quan hệ và tiếp tục đối thoại, nhưng giới quan sát tin rằng Moscow sẽ không muốn sát cánh trong các chương trình nghị sự chống Israel.
Thay vào đó, ông Putin sẽ tiếp tục nhất quán với chính sách đối ngoại cân bằng giữa các phe đối lập trong khu vực MENA, đồng thời thận trọng trong việc giải quyết các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Israel, chẳng hạn như Hamas ở Gaza.