Hạm đội tàu mặt nước Nga bị đâm những "nhát dao chí mạng": Mớ hỗn loạn đen tối!

Vy Lam |

Những nguồn lực của bộ hải quân dường như đang bị phung phí vào những thiết kế rủi ro, chỉ để làm vừa lòng những vị giám đốc nhà máy đóng tàu tham lam và thiển cận.

Nga tận hưởng những thành công liên tiếp...

Kể từ sau thảm họa tàu ngầm Kursk vào năm 2000, Hải quân Nga đã tận hưởng một chuỗi những thành công gần như liên tục. Họ đã nỗ lực tái thiết năng lực tác chiến dưới lòng biển, triển khai những thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới tương đối hiệu quả, trong khi vẫn hoàn tất các tàu ngầm diesel khá mạnh.

Cho thấy một bước nhảy vọt mới trong bước tiến của mình, Hải quân Nga đang triển khai tàu chiến ra biển với số lượng lớn hơn và thời gian dài hơn. Thành tựu này chỉ bị ảnh hưởng một chút bởi màn thể hiện không được huy hoàng cho lắm của tàu sân bay Admiral Kuznetsov tại Địa Trung Hải cuối năm 2016.

Tuy nhiên, nhìn chung Hải quân Nga đã mang lại cho Kremlin năng lực tác chiến và sức mạnh răn đe đáng tin cậy trong nhiều cuộc chiến tranh nhỏ gần đây dọc sườn tây nam bất ổn của Nga, từ Gruzia cho tới Ukraine, rồi Syria.

Đặc biệt, Hải quân Nga đã cho thấy phạm vi tác chiến tương đối xa của họ tại Syria khi triển khai một chuỗi các đợt tấn công của tên lửa hành trình Kalibr từ nhiều phương tiện tác chiến hải quân, trong đó có tàu ngầm.

Hạm đội tàu mặt nước Nga bị đâm những nhát dao chí mạng: Mớ hỗn loạn đen tối! - Ảnh 1.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt các mục tiêu khủng bố tại Syria.

Mặc dù lực lượng tuần duyên Nga là nhân tố chính trong Cuộc khủng hoảng eo biển Kerch năm 2018 nhưng Hạm đội Biển Đen đáng gờm của Nga đã giúp đảm bảo rằng các biện pháp đối phó quân sự của NATO ở vùng biển này không phát huy hiệu quả.

Tiếp đó, Hải quân Nga đã có những nỗ lực đáng kể để hỗ trợ trọng tâm mới của Nga ở Bắc Cực, trong đó phải kể đến vai trò của tàu phá băng Ilya Muromets, hiện đang đảm nhận nhiệm vụ thường trực tại đây.

Cuối cùng, Hải quân Nga đã góp phần xây dựng nên danh sách "những siêu vũ khí" của Moscow với sự xuất hiện của hệ thống mang tính cách mạng "Poseidon" – một phương tiện không người lái hạt nhân dưới nước (UUV), với khả năng mang đầu đạn nhiệt áp tấn công vào cảng biển của đối phương, vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện sự yêu mến nhất định đối với hạm đội hải quân Nga.

Tuy nhiên, theo ông Lyle J. Goldstein - Giáo sư nghiên cứu tại trường United States Naval War College (New Port, Mỹ), bất chấp những thành quả trên, dường như các nhà chiến lược hải quân Nga vẫn có những mối lo ngại khá lớn, nếu đúng như những gì thể hiện trong một bài báo bằng tiếng Nga đăng hồi đầu tháng 4 trên tạp chí quân sự Military Review.

Bài báo phân tích tương đối chi tiết, tập trung nói về hạm đội tàu mặt nước của Nga nhưng lại cho thấy bộ phận này đang có một sự xáo trộn khá lớn.

... nhưng phía sau là một mớ hỗn loạn đen tối

Theo ông Goldstein, mức chi tiêu quốc phòng của Nga chưa bằng 10% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO, do vậy, nếu các nhà chiến lược Nga đòi hỏi được đầu tư nhiều nguồn lực hơn để đáp ứng các yêu cầu đề ra thì điều đó cũng khá hợp lý.

Song, đây lại không phải là hướng tiếp cận của tác giả bài báo này, và điều đó đã được làm rõ ngay từ tiêu đề bài viết: "Kinh phí cho hạm đội đã ở đó, thậm chí đã bị lãng phí".

Trong bài viết chỉ có duy nhất một bức ảnh với chú thích ngắn gọn cho biết đây là một cầu tàu tại căn cứ hải quân Kronstadt ở bên ngoài thành phố St. Petersburg. Vấn đề hiển hiện trong bức ảnh đã khéo léo tổng kết toàn bộ nội dung bài phân tích. Nó cho thấy 6 tàu hộ tống và khinh hạm hạng nhẹ của Nga xếp kề nhau.

Trong số 6 tàu này, không có chiếc nào giống hệt nhau, phần lớn là khác nhau hoàn toàn.

Hạm đội tàu mặt nước Nga bị đâm những nhát dao chí mạng: Mớ hỗn loạn đen tối! - Ảnh 2.

Bức ảnh trong bài báo gốc của Nga.

Bằng cách này, tác giả bài viết đã công khai chỉ trích một hệ thống điều hành mà không đánh giá được chính xác những thách thức chiến lược hải quân và đang phung phí nguồn lực của bộ hải quân vào những thiết kế rủi ro, chỉ để làm vừa lòng những vị giám đốc nhà máy đóng tàu tham lam và thiển cận.

Tác giả bài viết đã lên án "nạn thạm nhũng", cũng như "trình độ yếu kém của giới lãnh đạo quân sự-chính trị cấp cao" tại Nga.

Hạm đội tàu mặt nước Nga bị đâm những nhát dao chí mạng: Mớ hỗn loạn đen tối! - Ảnh 3.

Khinh hạm lớp lớp Admiral Grigorovich.

Bài phân tích này không tỏ thái độ hoàn toàn bi quan về hạm đội tàu mặt nước của Nga. Thay vào đó, tác giả dành những lời khen ngợi khinh hạm đề án 11356 lớp Admiral Grigorovich (3 chiếc đã hoàn thiện) là "một bước tiến rất cần thiết đối với hạm đội Nga".

Một lớp khinh hạm khác, Admiral Gorshkov – đề án 22350, cũng được đánh giá là có "giá trị tác chiến cao".

Tương tự, tàu hộ tống lớp Steregushchiy – đề án 20380 (6 chiếc đã hoàn tất và 4 chiếc đang trong quá trình chế tạo) giành được nhiều lời khen ngợi. Tác giả bài viết thậm chí còn gợi ý rằng Nga nên tăng số lượng chế tạo mẫu tàu này.

Ngược lại, có một số mẫu tàu mặt nước được tác giả đánh giá là sự thất bại lớn. Ông gọi đề án 20386 là "một tổn hại lớn" đối với Nga và cho rằng "nhiều khả năng, nó sẽ không bao giờ được chế tạo".

Tác giả bài viết dùng lời lẽ khá gay gắt khi đề cập tới tàu hộ tống lớp Buyan – đề án 22361 (7 chiếc đã hoàn tất và 5 chiếc đang trong quá trình chế tạo).

Mặc dù lưu ý rằng những chiếc tàu này tương đối hiệu quả khi đóng vai trò là phương tiện triển khai tên lửa nhưng tác giả chỉ trích rằng, chúng chỉ được chế tạo cho một mục đích duy nhất và không thích hợp với những nhiệm vụ lớn ngoài khơi.

Hạm đội tàu mặt nước Nga bị đâm những nhát dao chí mạng: Mớ hỗn loạn đen tối! - Ảnh 4.

Tàu chiến lớp Buyan-M...

Bên cạnh đó, các tàu lớp Buyan-M hoàn toàn thiếu khả năng phòng không và năng lực tác chiến chống ngầm.

"Ngay cả những tàu ngầm ồn ào nhất và cũ kỹ nhất cũng có thể đánh chìm các tàu này (Buyan) với số lượng lớn" – Tác giả bài báo viết – "Tương tự, một cuộc chạm trán với trực thăng trang bị tên lửa chống tàu cũng có thể gây ra thiệt hại lớn".

Tại đây, tác giả đề cập tới một điểm khá thú vị, đó là việc Washington quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) cũng làm giảm giá trị của những chiếc tàu Buyan, bởi "trong thời gian ngắn, tên lửa hành trình sẽ được triển khai từ những phương tiện cơ động trên bộ".

Sau "thất bại đắt đỏ" được đề cập ở trên, tác giả bài viết tiếp tục đề cập tới khinh hạm hạng nhẹ lớp Karakurt – Type 22800 (1 chiếc đã hoàn tất, 1 chiếc đang thử nghiệm, 9 chiếc đang trong quá trình chế tạo và 7 chiếc nữa đã được ký hợp đồng).

Mẫu tàu này được đánh giá nhỉnh hơn Buyan một chút nhưng cũng bị chê bai vì không có vũ khí tác chiến chống ngầm.

Hạm đội tàu mặt nước Nga bị đâm những nhát dao chí mạng: Mớ hỗn loạn đen tối! - Ảnh 5.

... và lớp Karakurt vấp phải nhiều chỉ trích.

Theo tác giả bài viết, giá trị của lớp tàu Karakurt cũng bị suy giảm bởi Mỹ rút khỏi INF. Tuy nhiên, lời phàn nàn lớn nhất dành cho mẫu tàu này nằm ở chỗ "nó sẽ không được cấp động cơ với đủ số lượng cần thiết".

Do "dữ liệu chính xác" về kinh phí của phần lớn các chương trình đóng tàu đề cập ở trên không được công khai nên tác giả bài viết đi đến kết luận rằng hơn nửa nghìn tỷ ruble đã được đầu tư để phát triển các tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ cho Hải quân Nga nhưng chúng mang lại kết quả không mấy hoàn hảo.

Mặc dù không đưa ra những đánh giá tương tự đối với các chương trình tàu ngầm của Nga nhưng tác giả bài viết lại dành những lời chỉ trích nặng nề nhất cho hệ thống UUV hạt nhân Poseidon (Status-6) của Moscow.

Ông phàn nàn rằng mức kinh phí tương đương hàng tỷ USD đã được đầu tư vào chương trình này nhưng "hiện vẫn chưa có nguyên mẫu nào có khả năng hoạt động".

Cuối bài phân tích, tác giả dường như nhắm trực tiếp vào giới lãnh đạo Nga, khi đề cập rằng: Thay vì có một hạm đội cân bằng thì bộ hải quân Nga đang mắc kẹt với "những bức vẽ về các loại ngư lôi có sức công phá lên tới megaton, chúng dường như là những bức vẽ đắt đỏ nhất trên thế giới".

"Chúng ta đang chứng kiến sự hỗn loạn, chông chênh kéo từ dự án này sang dự án khác, cũng như tình trạng thao túng ngân sách của những lãnh đạo tham lam trong ngành công nghiệp đóng tàu.

Kết quả là, thay vì ít nhất có một hạm đội được định hình, đất nước của chúng ta lại có một đống tàu ‘không thể hiểu nổi’, được chế tạo để phục vụ những nhiệm vụ không rõ ràng" – Tác giả viết.

Theo Giáo sư Goldstein, có thể tác giả bài viết sẽ cảm thấy khá hơn về hạm đội tàu mặt nước cỡ nhỏ của Nga nếu so sánh chúng với chương trình Tàu tác chiến cận bờ (LCS) của Mỹ bởi dự án này cũng gặp phải một loạt các thách thức.

Tuy nhiên, nếu so với Mỹ và Nga thì Trung Quốc đã triển khai thành công và có vẻ hiệu quả chương trình chế tạo khinh hạm Type 054 và Type 056, giúp nước này gặt hái được những lợi ích chiến lược.

Theo GS Goldstein, đối với các độc giả phương Tây, bài phân tích "khá thật thà" này đã cho thấy quân đội Nga đang phải căng mình để đáp ứng những cam kết về quốc phòng hiện nay.

Việc tập trung vào các tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ cho thấy một hướng chiến lược phòng ngự nhằm chống lại sự cường điệu liên quan tới "mối đe dọa sắp đến từ Nga".

Cánh cửa mang lại cho chúng ta cái nhìn bên trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã cho thấy trên thực tế, các nhà chiến lược Nga đang lo lắng và gấp rút chuẩn bị năng lực quân sự đầy đủ cho lực lượng của họ.

GS Goldstein nhận định, một số nhà hoạch định phương Tây có thể sẽ hăng hái hơn khi thấy đối thủ toát mồ hôi, nhưng "một đối thủ đang chịu nhiều sức ép" chưa chắc đã phải là một điều tốt trong thời đại hạt nhân ngày nay. Chúng ta (kể cả Nga) tốt hơn cả là nên lùi một bước để giảm bớt căng thẳng ở Đông Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại