Theo giới phân tích và các binh lính trên chiến trường, lực lượng Nga đang tấn công quân đội Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) và bom dẫn đường. Đây là chiến lược được Nga sử dụng để khai thác những điểm yếu của Ukraine, trong đó bao gồm cả thực tế Kiev có hệ thống phòng không hạn chế và số lượng máy bay chiến đấu ít hơn nhiều do với Nga.
Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không ở Zaporizhzhia bằng cách sử dụng 2 loại vũ khí có sẵn với số lượng lớn: UAV tấn công tự sát và bom dẫn đường. Các mối đe dọa trên không này đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Ukraine trong cuộc phản công ở Zaporizhzhia – vốn là chía khóa để Kiev cắt đứt tuyến đường tiếp tế cho Nga từ Crimea.
"Nghĩa địa" xe thiết giáp Bradley ở Zaporizhzhia. Ảnh: Telegram
Lực lượng Ukraine đã có những bước tiến nhất định, tạo thành một mũi nhọn hình chữ V vào địa hình của đối phương. Tuy nhiên, khu vực mà Ukraine tái chiếm được không đáng kể, khiến phương Tây lo ngại rằng cơ hội để Kiev giáng đòn chí mạng vào lực lượng Nga đang mờ dần đi khi mùa đông đến gần.
Hai loại vũ khí nêu trên được sử dụng cho các mục đích khác nhau. UAV cảm tử Lancet thường được sử dụng để tấn công các phương tiện của Ukraine. Trong khi những quả bom thông thường được cải biến thành bom dẫn đường và phóng từ máy bay chiến đấu tấn công các mục tiêu như sở chỉ huy đối phương.
Ông Oleksiy Melnyk, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Razumkov, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Kiev cho hay, bom dẫn đường của Nga là mối đe dọa đáng gờm. Do đặc điểm cấu trúc bằng sắt nặng, chúng rất khó bị đánh chặn vì tên lửa phòng không được thiết kế để tấn công các mục tiêu mỏng hơn. Số lượng bom mà Nga sở hữu cũng là một thách thác đối với Ukraine.
"Điều quan trọng là chúng tương đối rẻ và Nga có nguồn dự trữ gần như không giới hạn", ông Melnyk nói.
Mối đe dọa từ UAV cảm tử
UAV Lancet, được sử dụng kể từ khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi đầu năm 2022, đã trở thành một trong những vũ khí phổ biến trong cuộc xung đột hiện nay.
Người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat, cho biết UAV Lancet của Nga được trang bị camera ở mũi, hoạt động song song với UAV giám sát phía trên để theo dõi các mục tiêu, cung cấp nhiều góc nhìn về chiến trường.
"Đối phương đang cố gắng tận dụng loại vũ khí này để tấn công các xe bọc thép, hệ thống tác chiến điện tử và các thiết bị khác của chúng tôi", ông Ihnat thừa nhận.
Theo ông Ihnat, UAV Lancet có tầm hoạt động khoảng 60km, do đó Nga có thể đặt địa điểm phóng UAV nằm ngoài tầm bắn của nhiều loại vũ khí mà Ukraine đang sử dụng.
Các binh sĩ Ukraine tham gia cuộc phản công hiện nay cho biết, UAV Lancet không được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nhưng hiện nay đã trở thành một trong những mối lo ngại chính.
Một chỉ huy kíp chiến đấu xe bọc thép Bradley ở Zaporizhzhia cho hay, số lượng các cuộc tấn công bằng UAV Lancet đã tăng đột biến trong vòng 1 tháng qua. Mặc dù xe bọc thép Bradley được bảo vệ khá tốt trước một số loại mìn và tên lửa chống tăng, nhưng UAV Lancet lại là một mối đe dọa khác.
Người này cho hay: "Nếu di chuyển vào ban ngày, họ có thể nhắm mục tiêu vào các phương tiện bằng 2-3 UAV Lancet. Nếu nó va vào khoang động cơ, động cơ sẽ chết. Có có thể đốt cháy lớp giáp".
Nga đã tăng cường sản xuất Lancet và với chi phí ước tính khoảng 30.000 đến 35.000 USD, chúng rẻ hơn nhiều so với nhiều loại UAV và tên lửa cao cấp hơn.
Ông Samuel Bendett, thành viên chương trình nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân ở Arlington nhận định, Nga sẽ sử dụng UAV Lancet và các loại UAV tương tự nhiều hơn dọc mặt trận hiện nay và thậm chí xa hơn.
Bom dẫn đường cải biến từ bom thông thường
Kho tên lửa chính xác đang cạn kiệt đã buộc Moscow phải có những thay chiến lược và dựa vào lợi thế có sẵn, trong đó bao gồm kho dự trữ bom khá lớn từ thời Liên Xô.
Bom FAB-500 vốn được gọi là "bom ngu" vì chúng không được dẫn đường và không chính xác, buộc các phi công phải đưa bay máy bay đến gần mục tiêu hơn để thả chúng. Những cải biến, dường như được thực hiện vào đầu năm nay, đã biến chúng thành bom dẫn đường và có thể lượn tới mục tiêu. Những sửa đổi này đã mang lại cho Nga lợi thế quan trọng trước hệ thống phòng không Ukraine.
Ông Ihnat cho biết các máy bay của Nga bay cao hơn 9km và phóng bom cách tiền tuyến khoảng 50km. Những quả bom sau đó sẽ lướt thêm khoảng 20km nữa trong lãnh thổ Ukraine. Khoảng cách như vậy có nghĩa là nhưng bom bay ở trên không trong thời gian ngắn hơn nhiều so với các tên lửa thông thường mà hệ thống phòng không được hiệu chỉnh để phát hiện và đánh chặn. Những quả bom này không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng máy bay Nga đang thả rất nhiều bom.
"Về mặt lý thuyết, những quả bom này có thể bị đánh chặn nhưng thực tế cực kỳ khó bắn hạ chúng", ông Ihnat nói. Theo ông, giải pháp thực tế duy nhất là bắn hạ máy bay Nga ở cách xa lãnh thổ Ukraine hơn là đánh chặn những quả bom mà chúng phóng đi. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có các máy bay chiến đấu hiện đại, chẳng hạn như F-16 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tháng nữa máy bay F-16 mới có thể cất cánh ở Ukraine và việc huấn luyện phi công cũng chỉ vừa mới bắt đầu.
Oleksandr Solonko, một binh sĩ Ukraine thuộc tiểu đoàn trinh sát trên không được bố trí ở phía Nam để phản công, cho biết những quả bom của Nga có sức tàn phá khủng khiếp.
"Bom dẫn đường là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất. Nga sử dụng chúng với số lượng lớn. Đối phương đang cố gắng tấn công các trạm hậu cần và chỉ huy của chúng tôi", Solonko nói trên mạng xã hội X vào cuối tháng trước.
Sự chậm trễ trong việc cung cấp máy bay chiến đấu của phương Tây và hệ thống phòng không vốn hạn chế về số lượng nhưng luôn phải hoạt động quá công suất của Ukraine là một thách thức lớn.
"Việc thiếu năng lực trên không đang ảnh hưởng đến việc chiến đấu."Chúng tôi phải chịu nhiều tổn thất", Solonko nói.