Mới đây, kết quả nghiên cứu về việc tinh bột kháng có tác dụng phòng ung thư do các chuyên gia tại Đại học Newcastle (Úc) và Leeds (Anh Quốc) thực hiện đã được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Phòng chống Ung thư- một tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ.
Theo đó, cuộc nghiên cứu được thực hiện suốt 10 năm, với sự tham gia của gần 1.000 bệnh nhân mắc hội chứng Lynch - một dạng rối loạn di truyền liên quan đến ung thư dạ dày, ung thư nội mạc tử cung và đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Các loại tinh bột kháng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như yến mạch, ngũ cốc ăn sáng, mì ống nấu chín và để nguội; gạo, đậu Hà Lan; chuối hơi xanh.
Tất cả tình nguyện viên tham gia được cung cấp một lượng tinh bột kháng hàng ngày, tương đương một quả chuối xanh, trong thời gian trung bình là 2 năm.
Các thực phẩm có tinh bột kháng. Ảnh: Myfitnesspal
Các chuyên gia phát hiện mặc dù nó không làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột nhưng liều lượng này đã làm giảm tới 60% nguy cơ ung thư phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể.
Tác dụng này đặc biệt rõ rệt đối với người bệnh ung thư hệ tiêu hóa như thực quản, dạ dày, đường mật, tuyến tụy và tá tràng. Hiệu quả đáng kinh ngạc này được ghi nhận kéo dài trong 10 năm sau khi ngừng sử dụng.
Giáo sư John Mathers, giáo sư về Dinh dưỡng con người tại Đại học Newcastle giải thích: "Tinh bột kháng có thể được sử dụng dưới dạng chất bổ sung bột và có dạng tự nhiên ở đậu Hà Lan, các loại đậu, yến mạch và các thực phẩm giàu tinh bột khác. Tinh bột kháng là một loại carbonhydrate không tiêu hóa được trong ruột non, thay vào đó lên men trong ruột già, cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột – hoạt động giống chất xơ trong hệ tiêu hóa. Loại tinh bột này có một số lợi ích và cung cấp ít calo hơn tinh bột thông thường.
Chúng tôi nghĩ rằng tinh bột kháng có thể làm giảm sự phát triển của ung thư bằng cách thay đổi quá trình chuyển hóa acid mật của vi khuẩn và giảm các loại acid mật làm hỏng ADN của con người. Tuy nhiên, việc này cần được nghiên cứu tiếp", giáo sư Mathers nói.
Giáo sư Sir John Burn, từ Đại học Newcastle và Bệnh viện Newcastle NHS Foundation Trust, người điều hành thử nghiệm cùng với Giáo sư Mathers, cho biết: "Khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu hơn 20 năm trước, chúng tôi nghĩ rằng những người có khuynh hướng di truyền ung thư ruột kết có thể giúp chúng tôi kiểm tra xem chúng ta có thể giảm nguy cơ ung thư bằng aspirin hoặc tinh bột kháng hay không.
Bệnh nhân mắc hội chứng Lynch có nguy cơ cao vì họ có nhiều khả năng phát triển ung thư hơn, vì vậy việc phát hiện ra rằng aspirin có thể làm giảm một nửa nguy cơ ung thư ruột già và tinh bột kháng giúp phòng các bệnh ung thư khác là vô cùng quan trọng.
Tinh bột kháng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư
Dựa trên thử nghiệm của chúng tôi, NICE (Viện Quốc gia về Sức khỏe và Chăm sóc Xuất sắc) hiện khuyên dùng Aspirin và tinh bột kháng cho những người có nguy cơ ung thư di truyền cao", Giáo sư Sir John Burn nói.
Chia sẻ suy nghĩ về nghiên cứu trên, Tiến sĩ PK Julka, cựu giáo sư xạ trị tại Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ-New Delhi và hiện là Chủ tịch Trung tâm Chăm sóc Ban ngày Max Oncology cho biết: “Chúng ta biết rằng chế độ ăn uống là một yếu tố rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh ung thư. Một số chế độ ăn kiêng nhất định có thể làm cho bệnh ung thư dễ tiếp nhận với phương pháp điều trị đã được đưa ra, đặc biệt là trong những trường hợp sử dụng liệu pháp miễn dịch. Chế độ ăn kiêng cũng có thể giúp cơ chế miễn dịch giải quyết các tế bào ung thư hiệu quả hơn".
Hội chứng Lynch hay còn được biết đến là hội chứng ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư đại trực tràng di truyền. Nó cũng làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư cổ tử cung, buồng trứng, dạ dày, đường gan mật (gan/túi mật), hệ tiết niệu, tuyến tụy, não, da, thực quản...
Nguyên nhân của hội chứng gây ra bởi đột biến trên các gene, làm cho các gene này không thể hoạt động bình thường, dẫn tới tích tụ ngày càng nhiều sai sót của ADN mà không được sửa chữa, từ đó gây bệnh ung thư.