Theo thông tin từ Reuters, Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Qatar (Qatar Investment Authority- QIA) và BlackRock, để huy động lên tới 1 tỷ USD thông qua vốn cổ phần cho VinFast, trong bối cảnh VinFast đang tiến vào thị trường Mỹ với các dòng xe điện VF e35 và VF e36.
Hai quỹ đầu tư mà Vingroup đang đàm phán là ai, họ kinh doanh ra sao?
QIA
Qatar Investment Authority là quỹ đầu tư tài sản quốc gia của Qatar. Quỹ này được thành lập bởi Nhà nước Qatar vào năm 2005 nhằm gia tăng vị thế kinh tế của quốc gia này đầu tư đa dạng hóa vào các lớp tài sản mới.
Năm 2021, QIA quản lý khối tài sản ước tính 300 tỷ USD và đang đa dạng hóa danh mục đầu tư từ châu Âu, Mỹ cho đến châu Á.
QIA được thành lập vào năm 2005 bởi Quốc vương Hamad bin Khalifa Al Thani, nhằm quản lý lượng tài sản thặng dư thu về từ dầu và khí đốt tự nhiên của chính phủ Qatar. Do chiến lược giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào giá năng lượng, quỹ chủ yếu đầu tư vào các thị trường quốc tế (Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương) và ngoài lĩnh vực năng lượng tại Qatar. Tầm nhìn Qatar đến năm 2030 sẽ chuyển dịch nguồn doanh thu chủ yếu dựa trên khí đốt tự nhiên sang các khoản đầu tư như quỹ QIA.
Hiện nay QIA là một thành viên của Diễn đàn Quốc tế về các Quỹ Tài sản quốc gia. Quỹ này hiện có hơn 1 nửa tài sản đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân và cổ phiếu niêm yết khi theo đuổi lợi nhuận cao hơn cho năm 2021.
Quỹ đầu tư quốc gia Qatar sở hữu 100% Qatar Holding LLC. Ngoài ra quỹ này cũng đầu tư liên kết vào Ngân hàng Quốc gia Qatar (50%), Ngân hàng Hồi giáo Qatar (16,67%) và Ubac Curaçao NV, quỹ đầu tư thể thao Qatar.
Các khoản đầu tư
Tại châu Âu, vào tháng 1 năm 2013, QIA ký kết khoản đầu tư 30 tỷ euro tại Anh, 10 tỷ euro tại Pháp và 5 tỷ euro tại Đức. Cổ phần của Qatar Holding tại Barclays đã tăng lên 12,7% sau đợt tăng vốn của Barclays vào tháng 10 năm 2008. QIA cũng nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ trong Fisker Automotive, 17% cổ phần trong Tập đoàn Volkswagen, Porsche, Hochtief.
Tại Pháp, QIA được Chính phủ nước này xem là đối tác chiến lược khi đầu tư vào Lagardère (12%), Total (4%), EADS (6%), Technip, Air Liquide, Vinci SA (5%), GDF Suez, Veolia (5%), Vivendi, Royal Monceau, France Telecom và Areva.
Vào tháng 2 năm 2009, Pháp đã dành các đặc quyền đầu tư đặc biệt ngoài OECD cho Qatar và các doanh nghiệp nhà nước của nước này, một ví dụ là miễn trừ lãi vốn ở Pháp. QIA cũng được cho là nắm giữ một phần của Xstrata.
Vào tháng 2 năm 2012, QIA đã hoàn tất việc mua lại trụ sở chính của Credit Suisse tại London. Quỹ này cũng nắm giữ 6% cổ phần của Credit Suisse và sở hữu cổ phần của Apeldoorn, chủ sở hữu đa số của Canary Wharf Group.
Thông qua công ty bất động sản con là Qatari Diar, QIA cùng với Canary Wharf, đã giành được hợp đồng trị giá 300 triệu bảng để tái phát triển Trung tâm Shell ở London, nơi đặt trụ sở chính của Royal Dutch Shell ở London.
Cuối năm 2012 quỹ đầu tư thể thao Qatar (QSI) đã hoàn tất việc mua lại câu lạc bộ bóng đá Pháp Paris Saint-Germain F.C. (P.S.G.), định giá câu lạc bộ là 130 triệu đô la. QSI đã đầu tư thêm 340 triệu đô la vào câu lạc bộ này.
Tại châu Á, vào tháng 1 năm 2013, Qatar Holding cho biết họ sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào các dự án hóa dầu ở Malaysia trong 3-4 năm. Khoản đầu tư này được cho là sẽ giúp Malaysia cạnh tranh với nước láng giềng Singapore để trở thành trung tâm hóa dầu hàng đầu của khu vực. QIA cũng có kế hoạch đầu tư 200 triệu đô la vào bất động sản nhà ở tại Ấn Độ thông qua Kotak Realty Fund vào cuối tháng 12 năm 2013.
Vào tháng 8 năm 2018, QIA đã ký Biên bản Ghi nhớ để đầu tư lên tới 500 triệu đô la vào lĩnh vực du lịch tại Indonesia. Vào tháng 10 năm 2014, QIA đã ký một thỏa thuận với CITIC Group Corp để khởi động một quỹ trị giá 10 tỷ đô la sẽ đầu tư vào khu vực Trung Quốc.
Vào năm 2021, QIA đang đầu tư vào nền tảng năng lượng tái tạo tại châu Phi do Enel Green Power dẫn đầu.
Trong Diễn đàn kinh tế St Petersburg năm 2021, đại diện QIA cũng cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào Liên bang Nga.
BlackRock
BlackRock là quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới với lượng tài sản khoảng 9,5 nghìn tỷ USD, có trụ sở tại New York.
BlackRock hiện định vị mình như quỹ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Ngày 14/1/2020, Giám đốc điều hành BlackRock, Larry Fink nói rằng tính bền vững về môi trường sẽ là mục tiêu chính cho các quyết định đầu tư.
Tuy nhiên quỹ này cũng đối mặt với những lời chỉ trích vì không hành động với biến đổi khí hậu, mối quan hệ chặt chẽ với Hệ thống Dự trữ Liên bang trong đại dịch Covid-19 hay cạnh tranh không lành mạnh và các khoản đầu tư chưa từng có vào Trung Quốc.
Lo ngại về sự nóng lên toàn cầu, các nhóm môi trường bao gồm Câu lạc bộ Sierra và Amazon Watch đã phát động một chiến dịch có tên BlackRock's Big Problem (Vấn đề lớn của BlackRock) vào tháng 9 năm 2018. Trong chiến dịch này, các nhóm này nói rằng BlackRock là "động lực phá hủy khí hậu lớn nhất trên hành tinh", một phần do quỹ này từ chối thoái vốn khỏi các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Được thành lập vào năm 1988, BlackRock ban đầu là công ty quản lý rủi ro và tài sản có thu nhập cố định. Quỹ này được thành lập bởi Larry Fink, Robert S. Kapito, Susan Wagner, Barbara Novick, Ben Golub, Hugh Frater, Ralph Schlosstein và Keith Anderson.
BlackRock ra công chúng vào năm 1999 với giá 14 USD một cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Vào cuối năm 1999, BlackRock đang quản lý 165 tỷ USD tài sản. Quỹ này mở rộng quy mô nhờ tăng trưởng tự nhiên và M&A.
Vào tháng 8 năm 2004, BlackRock thực hiện vụ M&A đầu tiên khi mua lại công ty mẹ SSRM Holdings, Inc. của State Street Research & Management từ MetLife với giá 325 triệu USD tiền mặt và 50 triệu USD cổ phiếu. Việc mua lại đã nâng tài sản của BlackRock đang quản lý từ 314 tỷ đô la lên 325 tỷ đô la. Thỏa thuận này bao gồm việc kinh doanh quỹ tương hỗ State Street Research & Management vào năm 2005.
Năm 2006, BlackRock hợp nhất với Merrill Lynch Investment Managers, giảm một nửa quyền sở hữu của PNC và chuyển cho Merrill Lynch 49,5% cổ phần. Năm 2007, BlackRock mua lại hoạt động kinh doanh quỹ của Quellos Capital Management.
Năm 2008, Chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng với BlackRock để giúp giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Theo đó Cục Dự trữ Liên bang cho phép BlackRock giám sát việc giải quyết khoản nợ 130 tỷ đô la của Bear Stearns và American International Group.
Năm 2009, BlackRock lần đầu tiên trở thành nhà quản lý tài sản số 1 trên toàn thế giới. Năm 2009, BlackRock mua lại R3 Capital Management, LLC và nắm quyền kiểm soát quỹ 1,5 tỷ đô la. Năm 2009, Barclays đã bán mảng đầu tư toàn cầu cho BlackRock với giá 13,5 tỷ đô la Mỹ. Thông qua thương vụ này, Barclays đã đạt được gần 20% cổ phần của BlackRock.
Tính đến năm 2019, BlackRock nắm giữ 4,81% cổ phần của Deutsche Bank, trở thành cổ đông lớn nhất duy nhất. Cũng năm này, BlackRock đã nhận được những lời chỉ trích về tác động môi trường khi nằm trong số ba cổ đông hàng đầu tại các hãng kinh doanh dầu lớn trừ Total, nằm trong số 10 cổ đông hàng đầu của 7 trong số 10 nhà sản xuất than lớn nhất. BlackRock cũng nắm giữ tại nhiều tập đoàn lớn như Apple (6,34%), Microsoft (6,77%), Wells Fargo & Co (4,30%), JPMorgan Chase & Co (4,41%).
Vào tháng 3 năm 2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã chọn BlackRock để quản lý hai chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp để đối phó với đại dịch Covid-19.